Tiến trình Samsung đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008
Hiện tại Samsung có 4 nhà máy sản xuất tại Việt Nam: Samsung Electronics Việt Nam (SEV) thành lập năm 2008 với tổng vốn 2,5 tỷ USD ; Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên (SEVT) xây dựng năm 2013 có vốn đầu tư 5 tỷ USD; Samsung Display Vietnam (SDV) năm 2014 với số vốn 4 tỷ, tiến tới thêm 2,5 tỷ sẽ nâng tổng vốn lên 6,5 tỷ; Samsung CE Complex (SEHC) năm 2015 với 1,4 tỷ USD.
Trong năm 2016 Chính phủ cũng đã phê duyệt thêm dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung tại thành phố Hà Nội trị giá 300 triệu USD.
Như vậy, kể từ khi nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng năm 2008, Samsung đã có trên dưới 10 lần tăng vốn và đầu tư các dự án mới. Số vốn lần sau luôn cao hơn số vốn lần trước. Nếu khoản đầu tư 2,5 tỷ được phê duyệt thì sau 8 năm số vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam sẽ tăng gấp tới 30 lần!
Ngoài những lý do thường được hay nhắc đến là điểm nhấn để thu hút đầu tư tại Việt Nam như nhân công giá rẻ, chính trị ổn định, vị trí trí thuận lợi trong chuỗi cung ứng, Samsung cũng có những lý do riêng.
Kết quả kinh doanh tốt thúc đẩy động lực đầu tư
Tình hình kinh doanh của tổ hợp Samsung tại Việt Nam được thể hiện rõ nhất qua số liệu doanh thu từng năm. Doanh thu tốt thế hiện mức độ đón nhận của thị trường Việt Nam với các sản phẩm của Samsung, đồng thời với đó là khả năng xuất khẩu và biến Việt Nam trở thành một công xưởng lớn cho sản xuất smartphone.
Doanh thu của tổ hợp Samsung tại Việt Nam tăng theo cấp số nhân theo từng năm, và tăng nhanh hơn tốc độ đầu tư vốn. Từ 1,5 tỷ USD năm 2010 tăng lên đến 46,3 tỷ USD năm 2016. Đầu tư lớn đi kèm với điều gì?
Kết quả kinh doanh tốt đương nhiên sẽ thu hút được dòng tiền chảy vào nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Samsung từ khi đầu tư vào Việt Nam nhận được rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ, từ giải quyết các thủ tục giấy tờ đến miễn giảm thuê tiền đất. Trong một “bàn tiệc” đầy món ngon như thế thì cụm từ “miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp” vẫn nổi lên như một món “đặc sản”.
Ở Hàn Quốc, mỗi năm tập đoàn Samsung phải đóng thuế thu nhập ở mức là 22%, thì khi vào Việt Nam, họ không phải trả một đồng nào trong suốt 4 năm liền. Sau đó, số tiền thuế doanh nghiệp mà Samsung nộp cho ngân sách nhà nước cũng chỉ là 5%/năm cho kỳ hạn là 12 năm tiếp theo và là 10%/năm cho kỳ hạn 34 năm sau đó.
Nếu tính số lần Samsung rót thêm vốn và đầu tư nhà máy mới trong vòng 8 năm qua, kể từ khi SEV được xây dựng thì số lần được ưu đãi cũng tương đương như thế.
Đơn cử như 2 lần gần đây nhất. Khi đệ trình dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hà Nội, Samsung cũng đệ trình luôn danh sách 12 điều xin ưu đãi vượt khung.
Còn với 2,5 tỷ USD cho SDV lần này Samsung cũng xin chuyển sang hưởng ưu đãi theo tiêu chí dự án có quy mô lớn. Nghĩa là khoản đầu tư bổ sung 2,5 tỷ USD cũng được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như đang áp dụng hiện nay.
Trong bối cảnh các nước khác không còn được ưu đãi về tài chính, môi trường tại Việt Nam lại có nhiều thuận lợi, việc Samsung tiếp tục đổ thêm hàng tỷ USD vào đất nước hình chữ S không có gì khó hiểu