Không còn nghi ngờ gì nữa: Cái quyết định sử dụng Instagram để công khai phản bác lại những gì giám đốc thể thao Eric Abidal của Barcelona đã nói trong một cuộc phỏng vấn mà Lionel Messi vừa đưa ra là một sự thách thức trực tiếp đến ban lãnh đạo của đội bóng xứ Catalan.
Đồng thời, cũng có thể khẳng định chắc chắn rằng, sẽ chỉ có ba cái kết dành cho câu chuyện đầy drama này: Eric Abidal rút lại những gì mình đã nói và đưa ra lời xin lỗi đến Messi, cũng như các đồng đội của anh; Barcelona sẽ chiêu mộ về cho họ một vị giám đốc thể thao mới (và thậm chí, có thể là một vị chủ tịch mới trong đợt bầu cử tiếp theo); hoặc Messi rời khỏi đội bóng này.
Trường hợp thứ ba cho dù rất khó xảy ra – tương đương với việc Liverpool không thể vô địch Premier League 2019/20 – thì về mặt lý thuyết, đó vẫn là một khả năng nên được cân nhắc đến.
Trên thực tế, nếu là bất kì một cầu thủ nào khác tại bất kì một câu lạc bộ nào khác, thì chuyện cầu thủ phải “cuốn gói ra đi” sau hành động như Messi là điều rất hiển nhiên. Rốt cuộc, đây là một gã cầu thủ đang thẳng thừng “vạch áo câu lạc bộ cho người xem lưng”. Nhưng đây là Messi!
Nếu Messi cảm thấy không vui với những gì Abidal đã nói trong cuộc phỏng vấn và nghĩ rằng ông ta đã giải thích cho cái quyết định sa thải Ernesto Valverde bằng cách đổ lỗi cho ngôi sao người Argentina và các cầu thủ kì cựu khác, thì cách phản ứng chuẩn mực nhất sẽ là nhấc điện thoại lên hoặc sải bước vào văn phòng của Abidal để mặt đối mặt với ông ta.
Không tính đến những quy tắc, lễ nghi công sở rườm rà, rắc rối, thì hai con người này cũng đã quen biết nhau đến 13 năm và từng là đồng đội của nhau suốt 6 mùa giải. Điều đó không chỉ nhằm tuân thủ các quy định nhân sự, mà còn sẽ thể hiện tính văn minh, tinh tế.
Thay vào đó, việc Messi chọn cách công khai “bật” Abidal chỉ có thể là đang nói lên một trong hai điều sau đây.
Mối quan hệ giữa anh và ông sếp người Pháp tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ (và cái tình trạng đó đã diễn ra được một thời gian), hoặc anh đã rất tức giận và đau đớn khi bị bêu rếu như một gã hai mặt (đặc biệt là khi anh luôn công khai ủng hộ Valverde), để rồi cầm ngay chiếc điện thoại lên một cách không đắn đo suy nghĩ gì và gõ phím trong cơn thịnh nộ.
Cái hành động ấy, thẳng thắn mà nói, hoàn toàn không giống Messi một chút nào, và đó chính là lý do vì sao mọi người lại đang nhìn nhận nó một cách cực kì nghiêm túc.
Việc Messi công khai “bật” Abidal trên mạng xã hội là một hành động hoàn toàn không giống anh mọi khi một chút nào.
Messi là một chàng trai rất hiếm khi đánh mất đi sự lạnh lùng, điềm tĩnh bên trong sân cỏ, chứ đừng nói là ở bên ngoài. Cầu thủ người Argentina rất ít nói, và khi anh lên tiếng, thì những gì mà anh nói ra đều rất cụt ngủn và nhàm chán.
Lần duy nhất mà anh bị cuốn theo sự bốc đồng, nóng nảy, để rồi đưa ra một quyết định hệ trọng trong sự mù quáng, chính là khi anh tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế sau kì Copa Centenario 2016, khiến cả liên đoàn bóng đá Argentina bị một phen náo loạn.
Cái hành động đó đã được thực hiện trong sự giận dữ, tổn thương và đau đớn đến tột cùng. Chính vì vậy, có thể nói, những chuyện mới diễn ra gần đây cũng tương tự.
Liệu đó có phải là một sự phẫn nộ có thể khiến anh quyết tâm “dứt áo ra đi” khỏi Barcelona? Có lẽ là không, nhưng đáng chú ý là nếu Messi có ý định làm như vậy, thì anh đang ở trong một điều kiện hết sức lý tưởng để có thể hiện thực hóa nó.
Hợp đồng của cầu thủ người Argentina và đội chủ sân Camp Nou sẽ hết hạn vào tháng 6 năm 2021, điều đó sẽ mang đến cho anh một lợi thế rất lớn nếu muốn thực hiện một động thái vào mùa hè năm nay, khi anh sẽ bước sang tuổi 33.
Đấy là chưa tính đến cái điều khoản mà theo như Sam Marsden và Moise Llorens của ESPN đã đưa tin, là sẽ cho phép Messi được ra đi theo dạng chuyện nhượng tự do ngay trong mùa hè này. Mặc dù gần như chắc chắn là Barcelona sẽ cố gắng gia hạn hợp đồng với số 10 của họ, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì Messi cũng sẽ luôn ở thế thượng phong.
Đương nhiên, sự việc này sẽ đặt ban lãnh đạo Barcelona vào một vị thế đầy khó khăn – không chỉ khiến Abidal phải lo lắng, mà còn là cả chủ tịch Josep Maria Bartomeu. Rốt cuộc, bạn sẽ không thể trở thành chủ tịch của Barcelona bằng cách thu mua phần lớn số cổ phần của câu lạc bộ.
Bạn phải được đa số hội viên của câu lạc bộ này bầu chọn, và với việc Bartomeu sẽ không thể tham gia vào cuộc bầu cử tiếp theo, thì “phe cánh” của ông trong ban lãnh đạo chắc chắn sẽ tiến cử ra một nhân vật nào đó thân cận với ông để làm điều đó.
Tất cả những gì có thể khiến họ thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo – dự kiến sẽ diễn ra vào mùa hè năm 2021 – sẽ là việc Messi công khai ủng hộ một ứng cử viên khác. Không ai có thể nghi ngờ, với sự nổi tiếng của Messi thì bất kì ứng cử viên nào được anh ủng hộ cũng đều sẽ dễ dàng trở thành chủ tịch.
Đó là lý do vì sao, bạn sẽ có thể mau chóng được chứng kiến một trong hai kết cục còn lại diễn ra.
Nhiều khả năng, Abidal sẽ phải thực hiện một động thái xuống nước công khai và gửi đến Messi một lời xin lỗi, kiểu như ông đã sai lầm hoặc phát ngôn thiếu suy nghĩ, cảm thấy hối hận vì đã làm Messi bị tổn thương sâu sắc và hứa sẽ cẩn trọng hơn vào lần tới.
Còn nếu ông không làm vậy thì sao? Nếu ông chọn cách chấp nhận mọi cái kết tồi tệ nhất hướng vào mình và vẫn giữ nguyên lập trường thì sao? Khi đó, hoặc là Bartomeu ra quyết định “trảm” vị giám đốc thể thao này, hoặc cả hai người họ đều sẽ phải “cuốn gói ra đi” khi cuộc bầu cử diễn ra. Đây hoàn toàn không phải là một cuộc chiến mà họ có cơ hội chiến thắng, dù là nhỏ nhất nào.
Abidal và Bartomeu đang ở trong một cuộc chiến mà họ hoàn toàn không có cơ hội giành chiến thắng.
Nếu chuyện này không được xử lý đúng cách, có nguy cơ đây sẽ là một “năm đại họa” khác của Barcelona.
Khi nghĩ về điều đó, bạn sẽ cảm thấy khá kì cục, vì họ đã giành chức vô địch La Liga trong hai mùa giải gần nhất, chỉ đang kém ngôi đầu bảng 3 điểm ở mùa giải này và vẫn là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch Champions League của các nhà cái, đấu trường sẽ trở lại trong 2 tuần nữa. Đó sẽ là một bảng cáo trạng tổng quát về triều đại Bartomeu và những đám mây đen của sự hỗn loạn đã bao trùm lấy nó hơn bất cứ thứ gì khác.
Mặc dù vậy, có một cái kết luận mà chúng ta không thể bỏ qua và nó sẽ nói lên rất nhiều điều về Messi. Không thể phủ nhận: Nếu anh bất ngờ “ném Abidal cho bầy sói” mà không hề có một cuộc trò chuyện nào với ông trước, đó sẽ là một hành động sai trái.
Trên thực tế, nó rất không chuyên nghiệp. Nhưng mặt khác, đừng phớt lờ đi những gì đã thúc đẩy cái hành động đó. Messi phẫn nộ vì ông sếp của anh đã có những phát ngôn mang hàm ý rằng, anh chính là một trong những kẻ đã cầm cương trong việc khiến Valverde bị sa thải.
Bởi vì bản thân anh đã rất nhiều lần lên tiếng bảo vệ Valverde cho đến tận khi cái kết cay đắng nhất đến với ông, nên những lời nói và sự ngay thẳng của anh chính là những thứ đang bị đe dọa, bị tổn thương một cách nặng nề trong sự việc này.
Messi có thể hoàn toàn phớt lờ, không đếm xỉa đến câu chuyện drama này. Bởi vì mặc kệ nó có như thế nào đi chăng nữa, anh sẽ thức dậy vào sáng hôm sau và vẫn cực kì giàu có, nổi tiếng, vẫn thi đấu cho câu lạc bộ duy nhất mà anh khoát áo trong sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp cho đến nay, nơi mà anh gọi là nhà, vẫn còn cơ hội giành được một cú ăn ba ở mùa giải này và vẫn là "số một" trong mắt rất nhiều người.
Nhưng anh đã chọn không để nó trôi qua một cách dễ dàng. Anh đã chọn biến nó thành một vấn đề của lòng tự tôn. Anh chọn không im lặng như mọi khi nữa. Anh chọn bảo vệ những gì mình đã nói, sự ngay thẳng và danh dự của bản thân.
Messi đã lên tiếng để bảo vệ những gì mình đã nói, sự ngay thẳng và danh dự của bản thân.
Tiền bạc và danh hiệu, các bàn thắng và những giải thưởng cá nhân: Chúng sẽ đến và sẽ đi. Nhưng cái gã nhìn chằm chằm vào bạn trong gương mỗi buổi sáng sẽ luôn ở đó chừng nào bạn còn sống, và Messi hoàn toàn không hề muốn mọi người nghĩ rằng cái gã đó là một kẻ dối trá, hai mặt, quỷ quyệt, bên ngoài thì liên tục công khai bảo vệ huấn luyện viên trưởng của mình, nhưng sau đó lại đâm lén ông ta sau lưng.