Trăm dâu đổ đầu tằm
Nếu cầu thủ thi đấu không tốt, lý do có thể là vì ức chế với các tình huống bắt lỗi của trọng tài; Nếu CLB thất bại, lý do có thể là vì một tình huống sai sót nghiêm trọng của Vua áo đen; Nếu cầu thủ phạm lỗi bạo lực, lý do có thể là vì trọng tài đã không hành xử đủ chuẩn xác và đủ nghiêm khắc...
Bất cứ điều gì xảy ra trên sân bóng, người ta luôn có thể kết nối nó tới và đổ phần nào trách nhiệm cho trọng tài.
Nhưng thử hỏi, khi bạo lực tràn lan ở V-League, khi mà người ta nói tới vụ việc Omar đá láo rồi phản ứng CĐV, vụ việc Samson đạp Châu Ngọc Quang hay Quốc Phương định "hạ đẹp" Âu Văn Hoàn, có HLV nào, hay có CLB nào dám đứng ra nhận đó là trách nhiệm của mình đã giáo dục, quản lý cầu thủ không tốt?
Hoặc khi một CLB thi đấu thất bại, có bao nhiêu HLV thật sự nghĩ tới việc đội mình còn yếu kém, cần phải xem lại bản thân người cầm sa bàn, bản thân các cầu thủ, trước khi đổ lỗi cho trọng tài?
Khi phạm lỗi và vì trọng tài sơ sót, được bỏ qua một tình huống penalty, người ta dễ quên béng nó đi, cho rằng mình may mắn. Nhưng khi phạm lỗi, có thể là tình huống 50-50 rồi bị thổi phạt đền, cả một CLB dễ dàng làm mình làm mẩy, bỏ luôn không đá bởi cho rằng đã bị chèn ép.
Đừng làm loạn rồi đổ thừa là tại... ấm ức trọng tài lâu ngày (Ảnh: Quang Liêm).
Lại có cái lý do cho rằng, một CLB hiền lành thì hẳn phải bị chèn ép ghê lắm mới bất mãn rồi phản ứng mạnh mẽ đến như Long An. Trong khi lật lại các tình huống xử lý của trọng tài ở trận đấu với TP. HCM, không ai có thể nói Vua áo đen đã sai.
Với một cầu thủ đá thô bạo như Quế Ngọc Hải, hết triệt hạ Anh Khoa, lại hất tung một cầu thủ Nhật Bản, khiến HLV Hữu Thắng tái mặt, phải sang cabin đội bạn xin lỗi ngay trong trận, thì HLV Đức Thắng của SLNA vẫn lên tiếng cho rằng mọi người đừng nên "khắc nghiệt".
Ngọc Hải tích tụ những màn chơi xấu rõ nét như thế nhưng không nên "khắc nghiệt", tại sao lại ôm hết tất cả các sai lầm của chung giới trọng tài, rồi trút lên đầu từng ông Vua áo đen?
Chèn ép trọng tài, V-League dễ "vỡ"
Về các áp lực trọng tài phải chịu thời gian qua, Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi nói:
"Hiện nay trọng tài chịu áp lực là chuyện đương nhiên rồi, vì vòng đấu nào cũng chờ sai sót của trọng tài để đưa lên công luận, áp lực rất khó.
Trọng tài họ cảm thấy rất khó khăn, xong 1 trận đấu ổn thỏa thì họ thấy rất nhẹ nhàng, anh em cũng có chia sẻ với nhau như vậy.
Cũng mong mọi người đừng gây áp lực lên trọng tài, để họ tập trung vào chuyên môn. Chứ cứ chờ 1 sai sót, rồi làm bùng lên ngọn lửa thì rất khó cho trọng tài".
Trọng tài Hoàng Ngọc Hà thở phào nhẹ nhõm sau khi hoàn thành công tác ở trận Đà Nẵng vs Quảng Ninh, vòng 8 V-League 2017.
Là người thường có các ý kiến phản biện mạnh mẽ về trọng tài song HLV Lê Thụy Hải cũng nhận định:
"Chính những quyết định của VFF, VPF và Ban trọng tài, làm trọng tài họ thiếu tự tin, dẫn tới áp lực. Công việc mà, khi bị tâm lý thì khó làm tốt lắm.
Trọng tài lại khó, cần quyết định ngay, không thể suy nghĩ chậm nên họ càng e ngại. Càng e ngại thì càng khó làm. Đừng nên gây sức ép cho trọng tài, để họ làm đúng khả năng.
VFF và VPF, cơ quan nào phụ trách trọng tài thì nên họp các trọng tài lại, để các anh ấy có ý kiến và phải để các anh ấy thấy mọi thứ hết sức bình thường, cứ làm đúng với khả năng của mình, để cho mình được thanh thản, thoải mái. Còn hiện tại thì luẩn quẩn lắm".
Chẳng phải tự nhiên, từ nhiều năm qua bóng đá Anh luôn cho lỗi phản ứng trọng tài là khó chấp nhận nhất và rất dễ chịu án phạt nặng chỉ vì vài lời phàn nàn hay tỏ thái độ với Vua áo đen.
Thậm chí, nói đụng chạm tới trọng tài trước các trận đấu cũng là lỗi có thể khiến HLV, cầu thủ lĩnh án phạt. Trong khi đó, vòng Premier League nào cũng có thể xảy ra lỗi từ lớn đến nhỏ liên quan tới trọng tài, chẳng khác tại Việt Nam là bao.
Mới đây, trọng tài Premier League cũng bỏ qua tình huống Ibra đánh cùi chỏ với đối phương. Nhưng sau đó, FA đã lập tức có hành động, triệu tập các cầu thủ liên quan để yêu cầu giải trình và khả năng sẽ có án phạt cho siêu sao Man United.
Nói thế không phải để đồng tình với các sai phạm của trọng tài nhưng để hiểu rằng, với giới cầm còi, có những hành lang an toàn riêng, trước nhất là để bảo vệ họ khỏi những áp lực, qua đó giúp hoàn thành tốt công tác chuyên môn trên sân cỏ.
Trong câu chuyện về trọng tài, BLV Quốc Khánh từng nói: Nếu trọng tài có nhận tiền, tiền đó chắc chắn không đến từ các CĐV. Anh cũng nhấn mạnh, bóng đá Việt Nam đang là cuộc chơi của các CLB, và tự các CLB này lại lên tiếng ta thán về chính các bất cập do mình góp phần tạo ra.
Trước khi dồn tất cả mọi trách nhiệm lên đầu trọng tài, tại các tình huống trên sân cỏ, các CLB hãy thay đổi và LĐBĐ Việt Nam hãy thay đổi. Chứ đừng ngồi im, tạo ra hàng đống các bất cập rồi khi có chuyện lại đổ lên đầu trọng tài. Thế thì bóng đá Việt Nam sẽ sớm xảy ra chuyện, thậm chí sụp đổ chứ chẳng thể khá hơn.