Phía dưới là bức ảnh mà không hiểu sao sau khi ĐT nữ đoạt HCV SEA Games, nó lại được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội, với đại ý so sánh đãi ngộ của các cô gái quá ít ỏi so với đãi ngộ dành cho U22 Việt Nam.
Bức ảnh này đã khiến nhiều người dồn thêm sự không hài lòng cho thầy trò HLV Hữu Thắng và "thương xót" thầy trò HLV Mai Đức Chung. Song thực tế, mọi chuyện không phải như vậy. Thậm chí chính HLV Mai Đức Chung khi biết tin đã phải lên tiếng phản biện khi vừa về đến Việt Nam đêm qua.
Bức ảnh đang được lan truyền trên các trang mạng xã hội so sánh bữa ăn của ĐT nữ và U22 Việt Nam.
Bữa ăn thực tế của ĐT nữ Việt Nam tại SEA Games 29.
Ông Chung nói: "SEA Games lần này BTC bố trí tất cả các đội ăn tự chọn chứ không có chuyện làm món nào mình phải ăn món đấy. Tất cả các món ăn ở khách sạn cũng phù hợp với VĐV".
Để tìm hiểu kĩ hơn về bữa ăn của các cầu thủ nữ Việt Nam, không chỉ riêng tại kì SEA Games này mà còn ở các giải đấu khác, chúng tôi đã liên hệ với tiền đạo Huỳnh Như. Và đúng là mọi thứ không "bi kịch" như nhiều người lầm tưởng.
"Em nghĩ những bài báo đó (nói về chuyện ăn uống khó khăn của đội tuyển nữ Việt Nam) là nói lâu rồi thôi, chứ bây giờ tình hình đó không có. Chúng em ăn uống vẫn tốt bình thường. Không chỉ ở SEA Games mà các giải khác cũng vẫn tốt. Chúng em đi các giải trước cũng ổn. Một vài bên đưa tin cũng không chính xác lắm. Vấn đề ăn uống trong 3, 4 năm nay cũng tốt rồi".
Tiền đạo Huỳnh Như của ĐT nữ Việt Nam.
Đem câu chuyện này đi hỏi Ngọc Châm, cựu Hoa khôi bóng đá Việt Nam, người từng chinh chiến trên ĐTQG khoảng 10 năm về trước, chị chia sẻ thêm:
"Ngày xưa thi đấu chuẩn bị cho SEA Games thì bóng đá và các đội khác hay tập trung trên Nhổn. Giờ thì tập trung ở Liên đoàn. Cái khác là đội nam thì hầu như không ở liên đoàn mà ở khách sạn 4, 5 sao còn nữ ở Liên đoàn tất nhiên điều kiện ăn ở thì không bằng.
Khi thi đấu SEA Games thì bóng đá nam - nữ đều ở cùng khách sạn, như lần này cũng thế thì ăn ở giống nhau. Còn bức ảnh đang chia sẻ trên mạng không phải là chuẩn bị cho SEA Games. Đó là bức ảnh ăn 1 bữa bình thường ở nơi khác.
Nhưng ăn uống thì không đến nỗi tệ như trong ảnh đâu còn đặt lên bàn cân thì nữ không bao giờ như của nam. Còn nữ khi đi Nhật tập huấn, ăn uống cũng khá ổn. Ăn uống cũng tùy người, nếu không hợp thì VĐV luôn mang mỳ tôm theo. Tuy nhiên, thực tế là VĐV cũng dễ thích ứng chuyện ăn uống thôi. Cũng không vấn đề gì đâu".
Cựu Hoa khôi bóng đá Việt Nam Ngọc Châm.
Theo Ngọc Châm chia sẻ, khoảng năm 2006 chị và ĐT nữ Việt Nam sang Myanmar thi đấu, do ăn uống không quen nên còn được Đại sứ quán hỗ trợ nhiệt tình, mua cua, nghẹ, hoa quả đầy đủ.
Đúng là bóng đá nữ bây giờ và có lẽ sau này sẽ không bao giờ được ưu tiên, quan tâm, đãi ngộ như bóng đá nam. Vì đơn giản chính trong những NHM, bóng đá nam luôn được yêu thích hơn.
Tuy nhiên, cần xác định rõ ưu đãi dành cho bóng đá nữ hiện tại là tốt hay chưa tốt ở đâu để có sự cải thiện hợp lý chứ không phải từ các thông tin sai lệch. Có lẽ, điều mà bóng đá nữ thiếu nhất lúc này lại chính là sự quan tâm của NHM.
Nếu bóng đá nam chẳng cần ai kêu gọi, NHM tự đến xem vì thật sự yêu thích, hứng khởi thì các cô gái vàng trước khi đoạt chức vô địch đã phải lên tiếng "kêu cứu" bởi các khán đài luôn trống vắng.
Như cầu thủ Nghiêm Xuân Tú vừa chia sẻ, thay vì gõ bàn phím tranh luận bóng đá nam nữ từ 1 bức ảnh sai, NHM nên tới sân để theo dõi bóng đá nữ nhiều hơn thì các đãi ngộ dành cho những cô gái Vàng sẽ tự động dần dần tăng lên.