Cái chết và trách nhiệm
Sau bài kiểm tra thể lực tại lớp tập huấn trước mùa giải hạng Nhất 2018, trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân đã đột quỵ và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn.
Các bác sĩ đã kết luận trọng tài này gặp vấn đề về tim mạch, sau đó các bác sĩ cũng phát hiện thêm các vấn đề liên quan đến thận của vị trợ lý này và chuyển sang bệnh viện Bạch Mai. Đến ngày 7.4 thì vị trợ lý này đã chính thức qua đời.
Sau đó thì tất cả mới biết rằng, trước khi vào kiểm tra thể lực, đã không có một cuộc kiểm tra sức khoẻ nào được Ban tổ chức lớp tập huấn tổ chức. Tất cả những căn cứ đều dựa vào kết quả khám tổng thể mà trọng tài này gửi từ địa phương lên. Và điều đáng nói là các thông số kiểm tra sức khoẻ trong giấy tờ của vị trọng tài này đều đủ điều kiện để tham gia vào bài thi thể lực.
Trong vấn đề này, rõ ràng Ban trọng tài VFF cần nhận trách nhiệm về việc đã không thực hiện đúng quy trình kiểm tra sức khoẻ cho các trợ lý, trọng tài trước khi tham gia lớp tập huấn. Thế nhưng, vấn đề đáng nói cũng nằm ở chỗ việc trọng tài đột quỵ cũng đến từ yếu tố rủi ro nghề nghiệp.
Tổng cục Trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết: "Tôi cảm thấy rất đau lòng và hụt hẫng trước sự qua đời của trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân. Khi mọi chuyện hậu sự xong, Tổng cục TDTT sẽ tìm hiểu và chỉ đạo xem xét trách nhiệm như thế nào. Vì sao lại có chuyện sai quy trình không kiểm tra sức khỏe như những lần trước khiến cho tổn thất xảy ra như vậy?".
Ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký VFF, Trưởng BTC lớp tập huấn cho biết: "Về vấn đề kiểm tra sức khoẻ cho các trọng tài nói chung, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm. Đặc biệt là vấn đề kiểm tra sức khoẻ trước mỗi bài kiểm tra thể lực ở các buổi tập huấn là điều cần chú trọng.
Bên cạnh đó, việc các trọng tài tự chăm sóc sức khoẻ bản thân cũng là điều cần thiết để tránh những sự cố đáng tiếc. Thực tế, việc các trọng tài được thường xuyên tập luyện, tập huấn cũng cần được chú trọng".
Trách nhiệm thì đã rõ, tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Mùi – Trưởng Ban trọng tài VFF cho biết: "Tôi cho rằng chính các trọng tài, trợ lý là những người biết rõ tình trạng sức khoẻ hơn ai hết. Do vậy mà chúng tôi đã khuyến cáo, trường hợp nào cảm thấy sức khoẻ không đảm bảo nên dừng bài kiểm tra, tránh tình trạng cố hoàn thành dẫn đến sự cố đáng tiếc như vừa qua".
Mong rằng, sự cố của trợ lý Dương Ngọc Tân là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người quản lý về trách nhiệm với sức khoẻ trọng tài. Bên cạnh đó, các trọng tài cũng cần ý thức hơn với chính việc đảm bảo sức khoẻ bản thân. Rủi ro có thể đến với bất kỳ ai.
"Sinh nghề, tử nghiệp"
Sau sự cố của trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân, có thể thấy trọng tài là một trong những nghề nguy hiểm. Phó Trưởng Ban Y học VFF cho rằng:
"Theo FIFA cũng như Hội đồng y học của các Liên đoàn thể thao quốc tế thì những môn thể thao như bóng đá hoặc các môn đòi hỏi tố chất sức bền, sức mạnh bền, nghĩa là vận động thể lực ở mức độ cực đại hoặc cận cực đại thì nguy cơ bị đột quỵ do tim và tử vong do ngừng tim lúc nào cũng thường trực.
Vấn đề đặt ra là cần phải kiểm tra sức khoẻ trước mùa giải, nhưng như vậy cũng chỉ là một phần, vì các trường hợp tử vong nói trên đều được kiểm tra nhưng vẫn xảy ra tình trạng ngừng tim và đột quỵ.
Vì thế điều quan trọng là công tác thường trực, cấp cứu và xử lý trên sân như thế nào, mà trường hợp của Fabrice Muamba, cựu cầu thủ Bolton bị đột quỵ ở trận Bolton-Tottenham và được cứu sống sau khi tim ngừng đập 78 phút cách đây mấy năm là một dẫn chứng rõ ràng nhất.
Sau sự việc này thì công tác kiểm tra y tế ở VFF càng phải được siết chặt và việc thường trực cấp cứu trên sân ở tất cả các trận đấu cũng phải được chú ý đặc biệt".
Trên thế giới, cũng từng có những trường hợp trọng tài qua đời vì đột quỵ như trường hợp trợ lý Dương Ngọc Tân. Năm 2012, trọng tài David Ssebunya (Uganda) đã qua đời sau khi tiến hành kiểm tra thể lực trước mùa giải.
Vị trọng tài này cảm thấy sức khoẻ không tốt và phải xin nghỉ ở bài kiểm tra thứ 11/12 để các bác sỹ chăm sóc. Vì diễn biến xấu đã khiến trọng tài này qua đời ở tuổi 30.
Trước khi mùa giải 2018 khởi tranh, VPF đã nhận được sự hợp tác của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (PTI). Theo đó, PTI đã quyết định đồng hành cùng các cầu thủ, trọng tài, trợ lý trọng tài, giám sát viên tại V.League và hạng Nhất. Đối với các cầu thủ, chi phí y tế điều trị tai nạn trong thời hạn bảo hiểm lên tới 300 triệu, còn đối với trọng tài, giám sát viên mức chi trả là 200 triệu.
Tổng thư ký Lê Hoài Anh đã cho biết: "Sự cố đối với trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân thật sự đáng tiếc. Quan điểm của VFF là sẽ cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất nằm trong khả năng để giúp đỡ gia đình vượt qua giai đoạn hiện nay. Để ghi nhận đóng góp của anh cho sự phát triển bóng đá Việt Nam gần 10 năm qua, VFF sẽ lên kế hoạch khen thưởng của VFF cũng như đề xuất với các cơ quan quản lý của ngành để trao tặng trong thời gian sớm nhất".
Trọng tài Hoàng Ngọc Hà chia sẻ: "Đây thực sự là sự cố đáng tiếc không ai mong muốn. Anh Tân ra đi là sự mất mát lớn cho trọng tài Việt Nam và cũng là bài học cho những người đi theo nghiệp này. Tôi nghĩ các trọng tài nên hiểu, cảm nhận sức khỏe của mình đến đâu để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc trên".
Anh Dương Tiến Dũng, anh trai của trợ lý trọng tài Dương Ngọc Tân bày tỏ: "Sự việc đến với gia đình thật sự bất ngờ. Đó là rủi ro, tai nạn nghề nghiệp không mong muốn. VFF và các đồng nghiệp cũng đã rất tích cực cố gắng sơ cứu, cấp cứu ban đầu. Thời gian đầu Tân đã có những chuyển biến tốt về sức khỏe nhưng sau đó thì mọi thứ vượt quá sức chịu đựng của cơ thể nên không qua khỏi.
Gia đình rất xúc động và cảm ơn sự quan tâm của VFF, Ban trọng tài, VPF và đồng nghiệp đã tạo mọi điều kiện về vật chất cũng như tinh thần, và cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức tang lễ. Tiếc rằng hoàn cảnh của Tân bị bệnh hiểm nghèo đã không qua khỏi".