"Có rất ít dấu hiệu cho thấy thành phần tham gia đảo chính có khả năng gây ra bất kì thách thức nào cho chính phủ, và rất nhiều người trong đó tuyên bố cuộc nổi dậy này là một thất bại" - tờ New York Times viết.
Để lý giải nguyên nhân đảo chính bất thành, tạp chí Vox đã tìm đến ông Naunihal Singh, một học giả chuyên nghiên cứu về thành bại của các cuộc đảo chính, với hàng trăm giờ đồng hồ phỏng vấn những người đã từng tham gia nổi dậy lật đổ chính phủ.
Theo ông Singh, nguyên nhân chính đằng sau thất bại của phe đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ không hẳn là do thua kém về sức mạnh quân sự. hay sự ủng hộ trong nội bộ quân đội. Thay vào đó, họ thua vì "không thể khiến dư luận nghĩ rằng họ có thể lật đổ chính phủ thành công".
Chuyên gia Singh phân tích, từ trước đến nay việc "tạo ra ấn tượng có thể đảo chính thành công" là yếu tố tối quan trọng trong bất kì một mưu đồ lật đổ chính phủ nào. Đối với một bộ phận người dân bất mãn, chỉ khi thấy đảo chính có thể thành công thì họ mới tham gia, bằng không họ sẽ tránh không tự đặt mình vào phe yếu.
Và nhóm tổ chức đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã không tạo được "ấn tượng" nói trên, do đó thất bại là tất yếu.
Theo ông Singh, trong cuộc đảo chính mới đây, cũng cần phải hiểu rằng những người tham gia không phản kháng thực sự mạnh. Con số 265 người thiệt mạng không phải là nhỏ, nhưng chưa là gì nếu một cuộc giao tranh toàn diện giữa phe đảo chính và quân chính phủ xảy ra tại Ankara và Istanbul.
"Những người tham gia nổi dậy không cố chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Có những nhóm sẵn sàng đầu hàng dù biết rằng sau đó sẽ bị buộc tội phản quốc" - ông Singh cho biết.
Theo chuyên gia này, việc những thành phẩn nổi dậy phản kháng "hời hợt" là điều khá phổ biến trong các cuộc đảo chính. Bất kì nhóm cầm đầu đảo chính nào cũng muốn nắm giữ chính phủ mà không phải đưa đất nước rơi vào một cuộc nội chiến.
"[Phe đảo chính] muốn kiểm soát một xã hội bình ổn, chứ không phải gây ra một cuộc chiến đẫm máu.
Do đó, các cuộc đảo chính thường khép lại với thắng lợi dành cho bên tạo được ấn tượng 'có vẻ sẽ giành chiến thắng' và qua đó thu được nhiều người về phe mình, chứ không phải thắng bằng giao tranh" - ông Singh phân tích.
Chuyên gia này cho rằng, nếu phe đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ mới đây thành công trong việc tạo ra "ấn tượng" rằng việc lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chỉ còn là vấn đề thời gian, thì không loại trừ khả năng nhóm trung thành với Erdogan trong quân đội sẽ "làm ngơ" để phe đảo chính thực hiện mưu đồ của mình.
"Trong mỗi cuộc đảo chính có 3 phe: phe âm mưu đảo chính, phe trung thành tuyệt đối, và phe chưa xác định quan điểm. Những người trong phe chưa xác định sẽ ngả theo phía họ nghĩ 'có vẻ sẽ giành chiến thắng'" - ông Singh phân tích.
Theo các nghiên cứu của chuyên gia này, một cuộc đảo chính có khả năng thành công rất cao nếu những kẻ đứng sau có thể kiểm soát được truyền thông.
Một khi đã lên được truyền hình và đài phát thanh quốc gia, phe đảo chính có thể tuyên bố với công chúng rằng chính phủ đã bị lật đổ, qua đó thuyết phục được những người ở phe chưa xác định quan điểm, trong đó có cả những người trong quân đội, theo về với phe đảo chính.
Nhưng trong vụ việc mới đây, Tổng thống Erdogan đã kịp kết nối Facetime qua điện thoại để lên truyền hình ra tuyên bố phản đối vụ đảo chính, cũng như trấn an dư luận.
Truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ tiếp sóng cảnh ông Erdogan trấn an người dân qua Facetime.
Theo tạp chí Vox, phe đảo chính đã kiểm soát một số phương tiện truyền thông như kênh CNN Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không hề tận dụng để đưa ra bất kì tuyên bố nào.
Và theo ông Singh, đây chính là nguyên nhân chính lý giải tại sao phi vụ đảo chính thất bại.
Hệ quả hậu đảo chính
Theo tạp chí Vox, đảo chính thất bại đã biến Tổng thống Erdogan từ một người vốn bị chỉ trích có tư tưởng độc tài, nay trở thành "người hùng" trong mắt công chúng vì đã dập tắt được bạo loạn.
Tuy nhiên, cũng chính vì lẽ đó mà nhiều nhà phân tích lo ngại về khả năng ông Erdogan sẽ "thừa thắng xông lên", tiến tới thắt chặt hơn nữa quyền kiểm soát chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, với cái cớ là bình ổn đất nước và phòng tránh nguy cơ bạo loạn.