Nữ nhân có số phận lênh đênh này chính là sủng phi Trần Diệu Đăng của Lưu Tống Minh Đế Lưu Úc. Theo một số tài liệu lịch sử, Trần Diệu Đăng là một đại mỹ nhân với nhan sắc kiều diễm hiếm gặp. Trần Diệu Đăng vốn là con gái của một người bán thịt, dù xuất thân tầm thường nhưng nàng lại có dung mạo xuất chúng, chính vì vậy mà được chọn nhập cung vào năm 12, 13 tuổi.
Theo tương truyền, vào thời điểm đó, Hoàng đế của Lưu Tống là Hiếu Vũ Đế Lưu Tuấn, thường xuyên phái người tìm kiếm mỹ nhân ở dân gian đưa vào cung. Nhà của Trần Diệu Đăng ở huyện Kiến Khang, gia cảnh rất nghèo khó.
Một hôm nọ, Hiếu Vũ Đế đi tuần du ngang qua nhà của Trần Diệu Đăng, thấy ngôi nhà tranh xập xệ liền hỏi cận thần: "Trên đường xa giá của đế vương đi qua sao lại có nhà tranh như thế, chắc chắn gia cảnh rất nghèo khó". Nói xong ông liền ban 3 vạn quan tiền cho gia đình Trần Diệu Đăng sửa sang nhà cửa.
Vị cận thần đích thân tiến vào trong nhà tranh để trao lại số tiền của Hoàng đế nhưng chỉ gặp một mỹ nữ ở trong nhà, đó là Trần Diệu Đăng. Lúc này, dù chỉ mới 12, 13 tuổi nhưng nàng đã có dung mạo xuất chúng.
Vừa thấy tướng mạo kiều diễm của nữ nhân trước mắt, vị cận thần đã lập tức thông báo cho Hiếu Vũ Đế, sau đó đón nàng vào cung. Sau khi Trần Diệu Đăng nhập cung, nàng được giữ lại ở Hiền Dương điện hầu hạ cho Thái hậu Lộ Huệ Nam.
Ảnh minh họa.
Khoảng 2 - 3 năm sau, Trần Diệu Đăng được Hiếu Vũ Đế triệu kiến 2 lần nhưng không lần nào sủng hạnh. Biết được chuyện này, Thái hậu bèn nói với Hoàng đế, chi bằng ban Trần Diệu Đăng cho Tương Đông vương Lưu Úc. Hoàng đế chấp nhận với ý kiến này của Thái hậu.
Năm Thái Thủy thứ 1 (tức năm 465), Lưu Úc kế vị, trở thành Lưu Tống Minh Đế. Ông phong sủng phi Trần Diệu Đăng thành Quý phi. Trước khi lên ngôi, hình ảnh của Lưu Úc trong mắt quần thần và dân chúng rất tốt, nhưng ngay sau khi trở thành Hoàng đế của triều Lưu Tống, ông đã dần trở nên hung ác và thường xuyên hoài nghi về mọi thứ.
Ban đầu, Trần Diệu Đăng vẫn được Minh Đế sủng ái. Nhưng khoảng 1 năm sau, tình cảm của Hoàng đế dành cho Trần Diệu Đăng phai nhạt từ từ. Lúc đó, Minh Đế trọng dụng một vị tướng quân thân cận tên là Lý Đạo Nhi và quyết định gả sủng phi cho người này. Lệnh vua khó cãi, Trần Diệu Đăng đành chấp nhận gả cho Lý Đạo Nhi.
Dù gì đi nữa thì Trần Diệu Đăng vẫn là một mỹ nhân hiếm có, nhan sắc lộng lẫy khiến người khác khó quên. Không lâu sau khi gả Trần Diệu Đăng cho tướng quân thân cận, Lưu Úc bắt đầu hối hận, cảm giác nhớ nhung người đẹp luôn khiến ông bứt rứt trong lòng. Thế là Hoàng đế đã bỏ qua sĩ diện mà hạ lệnh gọi Trần Diệu Đăng về cung.
Ảnh minh họa.
Sau khi Trần Diệu Đăng về cung không lâu, bà đã mang thai và hạ sinh Hoàng tử Lưu Dục. Lúc bấy giờ, có rất nhiều tin đồn cho rằng Lưu Dục không phải con trai của Lưu Úc, bởi vì Hoàng đế vô sinh nên đứa bé này chắc chắn là con trai của tướng quân Lý Đạo Nhi.
Kỳ quặc hơn là khi Lưu Dục trưởng thành, có lẽ vì nghe quá nhiều lời đồn mà Lưu Dục thật sự tin rằng mình không phải con trai của Hoàng đế mà là cốt nhục của Lý Đạo Nhi, tự ý đổi họ thành họ Lý và luôn tự xưng là Lý tướng quân hay Lý Thống.
Năm Thái Dự thứ 1 (năm 472), Minh Đế qua đời, Lưu Dục nối ngôi và phong cho mẹ ruột Trần Diệu Đăng làm Hoàng thái phi, phong Hoàng hậu của Minh Đế làm Hoàng thái hậu. Cung điện nơi Hoàng thái phi Trần Diệu Đăng sống được gọi là Hoằng Hóa.
Lúc đó, phụ thân của Trần Diệu Đăng là Trần Kim Bảo cũng được truy tặng chức quan Tán Kị thường thị. Mẹ của bà được truy phong làm Vĩnh Thế huyện Thành Nhạc hương quân. Gia đình họ Trần được ban nhiều bổng lộc và vinh hoa.
Năm Thăng Minh thứ 1 (năm 477), Lưu Dục (tức Lưu Tống Hậu Phế Đế) bị giết chết, Trần Diệu Đăng bị giáng phong làm Thương Ngô Vương thái phi.
Cuộc đời của Trần Diệu Đăng là một khoảng thời gian thăng trầm kỳ lạ mà không ai dám nghĩ đến. Từ con gái của một người bán thịt, nàng đã trở thành sủng phi nhờ dung mạo xuất chúng rồi từng bước trở thành mẹ ruột của Tân đế, mang vinh hoa phú quý về cho gia đình. Cuối cùng, nàng phải chứng kiến con trai bị sát hại và bị giáng thành Vương thái phi.