Phi đội MiG-29 'bí mật' của Quân đội Mỹ

Quang Hưng |

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã vội vàng kí thỏa thuận mua 21 chiếc MiG-29 từ Moldova, với lý do chính là ngăn chặn Iran sở hữu những chiếc máy bay này.

Vào những năm 1990, Mỹ đã mua 21 máy bay chiến đấu MiG-29 từ Moldova, vì lo ngại chúng có thể được bán cho Iran để mang vũ khí hạt nhân. MiG-29 được Liên Xô phát triển nhằm chống lại các máy bay chiến đấu hiện đại nhất khi đó của Mỹ như F-15 và F-16. Liên Xô đã đưa MiG-29 vào hoạt động từ năm 1983 và chiếc máy bay này vẫn được một số quốc gia sử dụng cho đến ngày nay.

Không quân Mỹ muốn đánh giá những chiếc MiG-29 của Liên Xô để hiểu rõ hơn về khả năng của chúng, đặc biệt là sự linh hoạt trong không chiến tầm gần. Việc mua được những chiếc MiG-29 đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc và những thông tin giá trị phục vụ cho việc đào tạo các phi công Mỹ.

Ngày nay, hầu hết các máy bay MiG-29 đã bị loại bỏ, nhưng một số chiếc vẫn được trưng bày tại các căn cứ quân sự khác nhau của Mỹ, góp phần vào công tác huấn luyện phi công và bảo tồn lịch sử.

Phi đội MiG-29 'bí mật' của Quân đội Mỹ- Ảnh 1.

Mỹ tiếp cận với MiG-29 sau khi Liên Xô tan rã

Máy bay chiến đấu hai động cơ MiG-29 được Cục thiết kế Mikoyan phát triển với vai trò là một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không. Hơn 1.600 chiếc đã được sản xuất và MiG-29 đã được chứng minh là một trong những máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư có năng lực nhất.

Bốn thập kỷ sau, MiG-29 vẫn đang bay trên bầu trời, không chỉ ở Nga mà còn ở một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. MiG-29 đã được cả Quân đội Nga và Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Các phiên bản xuất khẩu của MiG-29 đã được bán cho Đông Đức, Ấn Độ, Iran, Iraq, Libya, Peru, Ba Lan, Syria, Sudan và Nam Tư. Tuy nhiên, có một quốc gia không được Liên Xô chào đón, nhưng vẫn có tên trong danh sách "người vận hành" MiG-29, cụ thể là Mỹ.

Sau khi nước Đức thống nhất, Không quân Đức bắt đầu đưa những chiếc máy bay MiG-29 từng được Không quân Đông Đức trước đây vận hành vào sử dụng. Điều này đã giúp cho các phi công Không quân Mỹ có cơ hội đối mặt với chiếc chiến đấu cơ hàng đầu của Liên Xô.

Các phi công Mỹ thậm chí còn có thể trải nghiệm MiG-29 trong các cuộc tập trận trên không và nhanh chóng phát hiện ra rằng, trong các cuộc không chiến tầm gần ở tốc độ thấp, MiG-29 đã thể hiện sự cơ động, linh hoạt hơn so với các máy bay của Mỹ.

Các đánh giá tiếp tục phát hiện ra rằng, ở khoảng cách lên tới 60 km máy bay Mỹ có lợi thế hơn MiG-29, nhưng ở khoảng cách 15 km, lợi thế đó nhanh chóng giảm đi và khi giao tranh chỉ còn cách nhau khoảng 7 km, thì MiG-29 vượt trội hơn hẳn.

Phi đội MiG-29 'bí mật' của Quân đội Mỹ- Ảnh 2.

Máy bay MiG-29 của Moldova

Sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, khoảng 30.000 vũ khí hạt nhân và một khu phức hợp sản xuất vũ khí khổng lồ đã được phân bổ trên bốn quốc gia có chủ quyền. Mỹ và các đồng minh NATO ngày càng lo ngại về nguy cơ vũ khí hạt nhân được nắm giữ tại các nước cộng hòa Xô Viết rơi vào tay kẻ thù. Chương trình Giảm thiểu Mối đe dọa Hợp tác ( CTR ) được khởi xướng bởi Đạo luật Nunn - Lugar (thực ra là Đạo luật Giảm thiểu Mối đe dọa Hạt nhân của Liên Xô năm 1991). Mục đích của Chương trình CTR là bảo đảm và tháo dỡ vũ khí hủy diệt hàng loạt và cơ sở hạ tầng liên quan của chúng tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã trở thành các quốc gia không có vũ khí hạt nhân nhờ chương trình này, nhưng Quốc hội Mỹ cũng cung cấp kinh phí cho Bộ Quốc phòng để giúp đảm bảo rằng, vũ khí hạt nhân hoặc những vũ khí có khả năng mang vũ khí hạt nhân không rơi vào tay thế lực thù địch.

Vào tháng 11/1997, Mỹ đã sử dụng quỹ CTR để mua 21 máy bay MiG-29 có khả năng mang vũ khí hạt nhân từ Cộng hòa Moldova – quốc gia từng là một phần của Liên Xô cũ. Mỹ lo ngại rằng Moldova có thể sẽ bán những chiếc máy bay MiG-29 này cho Iran, một quốc gia đang tìm kiếm khả năng triển khai vũ khí hạt nhân. Sự việc này xảy ra sau khi chính quyền Moldova thông báo với Washington rằng Iran đã bày tỏ sự quan tâm đến chiếc máy bay này.

Iran khi đó cũng đang vận hành MiG-29, nhưng Mỹ lo ngại các biến thể MiG-29C hiện đại hóa do Moldova sở hữu, có thể được sử dụng để vận chuyển vũ khí hạt nhân. Mỹ đã tiến hành một thỏa thuận để mua lại những chiếc máy bay này và trả 40 triệu đô la cùng với viện trợ nhân đạo bao gồm thiết bị phòng thủ không sát thương cho Moldova.

Phi đội MiG-29 'bí mật' của Quân đội Mỹ- Ảnh 3.

Việc mua lại này đã cung cấp cho các lực lượng máy bay chiến thuật của Không quân, Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ một bản đánh giá và dữ liệu hoạt động về MiG-29, có thể sử dụng trong các cuộc huấn luyện không chiến khác nhau.

Vào cuối năm 1997, 21 chiếc MiG, bao gồm 14 chiếc MiG-29C đã được chuyển giao cho Trung tâm Tình báo Không gian và Hàng không Quốc gia (NASIC) tại Căn cứ Không quân Wright-Patterson ở Ohio. Chính xác thì MiG-29 được sử dụng như thế nào thì vẫn chưa rõ ràng.

Một số chiếc đã được đưa vào thử nghiệm, nhưng cuối cùng hầu hết những chiếc máy bay này đã bị loại bỏ. Một số chiếc hiện được trưng bày tại Căn cứ Không quân Nellis, Nevada; Căn cứ Không quân Hải quân Fallon, Nevada; Căn cứ Không quân Goodfellow, Texas và tại Căn cứ Không quân Wright-Patterson, Ohio.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại