Tới thời điểm hiện tại, các thông tin liên quan tới vụ việc đã được giải mật. Trong vụ việc, người phi công Liên Xô 35 tuổi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình với đất nước khi ngăn chặn hoạt động của chiến dịch tình báo thu thập những thông tin nhạy cảm về không phận Liên Xô mang mật danh Dark Gene (Tạm dịch: Gen tối) của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Chiến dịch trên được thực hiện dưới vỏ bọc hợp tác với Không quân Iran trong thời chiến tranh Lạnh.
Chương trình "Gen tối"
Theo các thông tin được phía Iran và Mỹ công bố ở thời điểm đó, chiếc máy bay trinh sát RF-4C được điều khiển bởi Thiếu tá Không quân Iran Mohamed Shokouhnia (phi công chính) và Đại tá Không quân Mỹ John Saunders (hoa tiêu, kỹ thuật) đã bị bắn hạ khi vô tình xâm phạm không phận Liên Xô.
Sự "nhầm lẫn" trên xảy ra máy bay RF-4C là khí tài quân sự mới được phía Mỹ chuyển giao cho Iran.
Tuy nhiên, các thông tin tình báo được giải mật khẳng định, cả 2 phi công trên đều là thành viên của chương trình thu thập thông tin tình báo tuyệt mật mang mật danh "Gen tối". Đây là chương trình hợp tác giữa Không quân Iran và CIA trong giai đoạn 1960-1970.
Trong giai đoạn sau năm 1953 tới trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran được coi là đồng minh thân cận của Mỹ ở Cận Đông. Giai đoạn này, Iran là đối tác cung cấp dầu thô chính, tin cậy của Mỹ tại Cận Đông.
Để đổi lại, Tehran nhận được sự hậu thuẫn về kinh tế, quân sự và chính trị từ Washington. Mỹ đã hào phóng cung cấp vũ khí, trang bị quân sự và cử chuyên gia hỗ trợ đào tạo Quân đội Iran để đổi lại dầu mỏ.
Mục đích chính của chương trình "Gen tối" là tìm kiếm và khai thác các điểm yếu trong hệ thống phòng không-không quân Liên Xô ở khu vực giáp biên giới Iran kéo dài từ vùng Caucasus tới Trung Á để sẵn sàng cho hoạt động quân sự có thể xảy ra.
Đánh giá về chương trình "Gen tối", chuyên gia quân sự Sebastien Roblin cho biết, trong năm 1971, Iran đã tiếp nhận khoảng 2 phi đội máy bay trinh sát RF-4C sửa đổi đặc biệt (24 chiếc) dành cho nhiệm vụ tình báo nhằm vào Liên Xô.
Các máy bay RF-4C của Iran được trang bị hệ thống ghi hình độ phân giải cao ở mũi máy bay hoặc các thùng chứa thiết bị ghi hình không ảnh đặc biệt ở dưới cánh.
Những thiết bị trinh sát đặc biệt này cho phép RF-4C có thể thu thập thông tin tình báo trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết và ở nhiều độ cao khác nhau. Ngoài các thiết bị trinh sát tình báo, RF-4C cũng có ra-đa và vũ khí như máy bay tiêm kích F-4 Phantom thông thường.
Các máy bay RF-4C nói trên được điều khiển với kíp phi công hỗn hợp Mỹ và Iran. Chương trình đã thực hiện thành công nhiều điệp vụ tại khu vực giáp biên giới Liên Xô trước biến cố "đụng độ" với Đại úy Gennady N. Eliseev.
"Tên lửa sống" MiG-21
Sau nhiều lần theo dõi, ngày 28-11-1973, hệ thống phòng không Liên Xô một lần nữa ghi nhận hoạt động bất thường, xâm phạm không phận tại biên giới giáp Iran.
Nhận lệnh, Đại úy Gennady N. Eliseev, Trung đoàn phó Trung đoàn không quân số 982, đã cất cánh cùng máy bay MiG-21 lên ngăn chặn.
Máy bay tiêm kích đánh chặn Mig-21 của Không quân Liên Xô. |
Tuy nhiên, cả hai tên lửa K-13 Atoll chiếc MiG-21 phóng đi không hạ được mục tiêu.
Đồng thời, súng máy hàng không 23mm trên máy bay cũng gặp vấn đề kỹ thuật và không thể khai hỏa, phi công Gennady N. Eliseev đã quyết định lao máy bay Mig-21 đang điều khiển vào máy bay đối phương khi nhận diện đây là máy bay trinh sát đặc biệt quan trọng của đối phương.
Cú va chạm ở tốc độ siêu âm đã phá nát chiếc MiG-21 và phi công Gennady N. Eliseev hy sinh. Tuy nhiên, chiếc RF-4C cũng bị hạ và hai phi công buộc phải nhảy dù. Sau khi tiếp đất, cả Mohamed Shokouhnia và John Saunders bị lực lượng Biên phòng Liên Xô bắt giữ.
Họ được trao trả cho phía Iran 2 tuần sau đó để đổi lại những mảnh vỡ quan trọng của một vệ tinh Liên Xô rơi trên lãnh thổ Iran. Vụ việc đã làm bại lộ chương trình "Gen tối" và buộc CIA phải chấm dứt nó.
Đại úy phi công Gennady N. Eliseev được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Về phía phi công Mohamed Shokouhnia, ông này tiếp tục phục vụ Không quân Iran và một lần nữa bị máy bay Mig bắn hạ trong cuộc chiến Iran-Iraq năm 1982.