MiG-21 - "Ông già gân" được tư nhân tin dùng
Sử dụng công ty quân sự tư nhân (QSTN) từ lâu đã trở thành xu hướng chủ đạo ở Phương Tây.
Các công ty QSTN có hàng loạt những điểm cộng – Chính phủ không chịu trách nhiệm về những tội ác cũng như mất mát của họ, trong khi đó nhân viên các công ty QSTN là những chuyên gia thực sự và về mặt tâm lý sẵn sàng chấp nhận rủi ro thiệt mạng.
Đó là những sự khác biệt giữa họ và quân nhân chính quy vốn tự coi mình là chuyên gia nhưng trong thực tế lại không phải vậy bởi vì họ hoàn toàn không sẵn sàng hi sinh.
Một khiếm khuyết nghiêm trọng của các công ty QSTN đó là giá dịch vụ cao, nhưng tạm thời các nước phương Tây vẫn sẵn sàng trả giá cho những chi phí này. Tuy nhiên, họ có một điểm trừ khác – đó là thiếu khí tài bộ binh và không quân hạng nặng.
Điều này hạn chế rất nhiều lĩnh vực hoạt động của các công ty QSTN. Nếu như hạn chế đầu tiên khó có thể thay đổi, thì hạn chế thứ hai hoàn toàn có thể giải quyết được.
Vũ khí trôi nổi
Nguồn cung cấp xe thiết giáp và pháo do Liên Xô sản xuất có thể xuất phát từ quân đội các quốc gia Đông Âu (trước tiên là Các lực lượng vũ trang Ba Lan, CH Séc, CH Slovakia, Bulgaria). Trong quãng thời gian sau chiến tranh Lạnh, phần lớn các khí tài của họ "biến mất" không dấu vết. Do vậy, chúng có thể trôi nổi bất cứ đâu".
Chỉ tính riêng công ty QSTN "Excalibur" của CH Séc đã sở hữu lên tới trên một nghìn xe tăng, xe thiết giáp bộ binh, xe thiết giáp vận tải, các loại pháo. Đương nhiên, các khí tài quân sự của Nga hiện nay đã lỗi thời, nhưng nó vẫn còn khả năng chiến đấu và rất dễ sử dụng.
Chúng rất phù hợp với các cuộc chiến tranh diễn ra ở những nước thứ ba, hơn nữa trong nhiều trường hợp chúng được giả mạo là chiến phẩm hoặc do Nga cung cấp.
Có thể đem cho thuê...
"ATAC" và "Draken" có rất nhiều nhân viên là phi công hàng đầu, nếu không họ đã không thể trở thành những đối thủ xứng tầm với các phi công của Mỹ".
Vấn đề liên quan tới lực lượng không quân chiến đấu tư nhân có thể sẽ được giải quyết. Ở Mỹ hiện nay có ít nhất hai công ty QSTN trang bị các máy bay chiến đấu đúng nghĩa với số lượng không hề nhỏ.
Công ty thứ nhất - Airborne Tactical Advantage Company (АТАС hiện do tập đoàn Textron kiểm soát).
Nó được thành lập vào năm 1994 để cung cấp dịch vụ cho Các lực lượng không quân và Không quân hải quân Mỹ, mà cụ thể là đóng giả thành các máy bay của địch trong những cuộc tập trận, có nghĩa là thay thế cho các phi đội "Agressor".
Họ khởi đầu từ hai chiếc máy bay tiêm kích rất cũ J-35 (Thụy Điển sản xuất) mua từ lực lượng Không quân Đan Mạch. Sau đó họ bắt đầu mua lại của Thụy Sĩ và Anh các máy bay cũ "Hunter" (Anh), tiếp đến mua lại của Isarel những máy bay tiêm kích "Kfir-C2", của Rumania – các máy bay cường kích hạng nhẹ L-39ZA (CH Séc).
Tại Mỹ, họ thuê lại các máy bay cường kích cũ A-4 "Skyhawk". Hiện nay ATAC có 11 chiếc "Hunter", 6 chiếc "Kfir", 2 – 4 chiếc L-39 và, có khả năng, 1 chiếc "Skyhawk".
Để bổ sung vào đội bay của mình, mùa hè năm 2017 công ty đã mua cùng lúc 63 chiếc tiêm kích ném bom "Mirage-F1B/CR/CT" thuộc biên chế của Không quân Pháp. Như vậy, ATAC sỡ hữu trên 80 máy bay chiến đấu.
Công ty thứ hai. Năm 2011 công ty Draken International đã được thành lập với mục tiêu tương tự - đóng giá đối phương trong các cuộc tập trận của Không quân Mỹ. Công ty này bắt đầu từ vài chiếc A-4 và các máy bay huấn luyện L-39C.
Năm 2013 họ đã mua 30 chiếc máy bay ném bom Liên Xô MiG-21bis/UM thuộc biên chế Không quân Ba Lan, cũng như toàn bộ lực lượng không quân chiến đấu của New Zealand (các máy bay cường kích A-4 và những máy bay huấn luyện chiến đấu MB339CB của Ý).
Giai đoạn 2016-2017 các máy bay cường kích L-159 của CH Séc, "Mirage-F1" (không phải của Pháp mà của không quân Tây Ban Nha), cũng như các tiêm kích "Chita-C/D" (phiên bản nâng cấp của "Kfir") từng thuộc biên chế Không quân Nam Phi đã nối gót nhau đến với đội tàu bay của công ty.
Hiện nay "Draken" sở hữu 13 chiếc A-4K, 9 chiếc MB339CB, 21 chiếc L-159 và 5-6 chiếc L-39, 25-30 chiếc MiG-21, 22 chiếc "Mirage-F1M/BM", 12 chiếc "Chita" – tổng cộng hơn 100 máy bay chiến đấu.
Cả ATAC lẫn "Draken" đều không có những cỗ máy hiện đại thực sự. "Hunter" đã rất cũ, L-39C không còn được coi là các máy bay chiến đấu, L-39ZA và L-159 được thiết kế trên nền tảng L-39C nên các tính năng của chúng vô cùng hạn chế.
MiG-21 từ là máy bay tiêm kích xuất chúng nửa thế kỷ trước, "Kfir" và "Chita" – cũng là những kẻ đồng niên của MiG-21. "Mirage-F1" mới hơn chút, nhưng đây là máy bay tiêm kích thế hệ thứ 3 và nó chưa bao giờ được coi là chiếc tiêm kích tốt. Tuy nhiên chất lượng phần nhiều được bù đắp bởi số lượng.
Để so sánh: Không quân Bồ Đào Nha chỉ sở hữu 27 máy bay tiêm kích F-16 phiên bản đời đầu A/B, Không quân Hungari – chỉ có 14 chiếc "Gripen" của Thụy Điển, chúng tốt hơn bất cứ chiếc máy bay nào của các công ty quân sự tư nhân kể trên, nhưng với số lượng hạn chế như vậy thì khó có thể triển khai các nhiệm vụ chiến đấu một cách toàn diện.
Ngoài ra, ATAC và "Draken" sở hữu nhiều phi công chất lượng hàng đầu, nếu không họ không thể đóng vai phi công địch một cách tương xứng.
Bởi vậy, mỗi một công ty QSTN nói trên hoàn toàn có thể thực hiện vai trò của lực lượng không quân đúng nghĩa đối với các nước thuê họ để triển khai không chỉ những cuộc chiến tranh chống du kích mà cả chiến tranh truyền thống.
Họ có thể "giải quyết" được lực lượng không quân nhiều nước thành viên NATO, nhưng điều này đương nhiên không thể xảy ra vì những lý do chính trị.
Ở Châu Á, các công ty này không có việc để làm, đa số những quốc gia trong khu vực này sở hữu hoặc là các lực lượng không quân mạnh, hoặc có các đồng minh đầy tiềm lực. Nhưng ở châu Phi và khu vực Mỹ Latinh lại hoàn toàn khác.
Ở châu Phi chỉ các lực lượng vũ trang của Ai Cập, Algeria và Morocco có thể chiến đấu với bất cứ công ty QSTN nào.
Các công ty QSTN sẽ gặp không ít khó khăn khi chiến đấu với quân đội Nam Phi, Sudan, Ethiopia, Eritrea, Angola, Nigeria, Uganda. Những quốc gia châu Phi còn lại sẽ không có cơ hội khi đối đầu với công ty QSTN mạnh trên bộ và ATAC hoặc "Draken" ở trên không.
Tình hình tương tự ở khu vực Mỹ Latinh. Chỉ các lực lượng vũ trang của Brasil, Chile, Venezuela, Peru có thể "giải quyết" được bất cứ công ty QSTN nào.
Với quân đội Colombia và Cuba cũng không nên đùa. Ở những quốc gia phía nam và trung Mỹ, sự kết hợp giữa các công ty QSTN trên bộ và trên không sẽ mạnh hơn các quân đội chính quy.
Trong tương lai gần có thể sẽ xuất hiện các quân đội tư nhân đúng nghĩa nằm toàn bộ dưới quyền kiểm soát của Washington, các đồng minh thân cận và những tập đoàn lớn.
Những lực lượng này, đương nhiên, không thể đối đầu với các lực lượng vũ trang mạnh (trước tiên là tại khu vực Á Âu), nhưng hoàn toàn có thể phù hợp với các chiến dịch quân sự quy mô tại châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.
Quốc gia thuê các quân đội tư nhân không chỉ có thể rũ bỏ trách nhiệm về những hành động tội ác và mất mát của các lực lượng này, mà còn có cơ hội hành động một cách hợp pháp để qua mặt Liên hợp quốc. Điều đó sẽ khiến cho thế giới ngày càng trở nên hỗn loạn khó lường.