Ngày 7.8.1942, Sakai bị các phi công Mỹ bắn trọng thương, may mắn vẫn điều khiển được máy bay về căn cứ.
Theo Historynet.com, Sakai Saburo là phi công được biết đến nhiều nhất của Nhật trong Thế chiến 2. Trong 7 năm chiến đấu, Sakai đã trải qua những lần bị thương nặng và những lúc tưởng rằng không thể sống sót.
Sakai trở nên nổi tiếng vào năm 1957, sau khi cuốn hồi ký của ông được xuất bản bằng tiếng Anh. Cuốn sách do đồng tác giả Fred Saito người Nhật và Martin Caidin người Mỹ biên soạn.
Sakai được cho là có 64 lần lập công, tương đương với phi công huyền thoại Liên Xô Ivan Kozhedub.
Cuốn hồi ký về cuộc đời Sakai được đón nhận rộng rãi, trải qua nhiều lần tái bản cho đến nay, nhiều năm sau khi ông qua đời.
Quãng thời gian huấn luyện khắc nghiệt
Sakai Saburo sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Kyushu vào năm 1916. Ông thừa nhận mình không phải là học sinh xuất sắc, nên chọn cách gia nhập Hải quân Đế quốc Nhật (IJN) vào năm 1933.
Trải qua huấn luyện khắc nghiệt, Sakai phục vụ trên thiết giáp hạm Kirishima. Trong 3 năm tiếp theo, chàng thủy thủ trẻ thể hiện sự bền bỉ, không bỏ cuộc khi thi đỗ vào trường dạy học lái máy bay trong lần thứ ba.
Ở thời điểm đó, quy trình huấn luyện phi công của Hải quân Đế quốc Nhật là khắc nghiệt nhất thế giới. Đó là một trong những cách để Nhật Bản cố gắng bắt kịp phương Tây sau hàng thế kỷ tự cô lập.
Nhưng cái giá phải trả đối với các phi công rất lớn. Chỉ 35% số học viên trong lớp của Sakai tốt nghiệp, được coi là các phi công sánh ngang phi công Mỹ.
Mùa hè năm 1938, Sakai thuộc biên chế không đoàn số 12 đóng quân ở Đài Loan, lái tiêm kích Mitsubishi A5M. Ngày 5.10.1938, ông nhận nhiệm vụ đầu tiên, đánh chặn chiếc máy bay Polikarpov I-16 do Liên Xô chế tạo và Trung Quốc vận hành.
Saki bị thương nặng, các mảnh đạn găm khắp người trong trận không chiến năm 1942.
Trong trận không chiến, Sakai tự ý tách đội hình để bắn rơi chiếc I-16, nhưng điều đó khiến ông suýt chút nữa mất mạng. Hành động tự phát này khiến Sakai bị chỉ huy chỉ trích suốt một hồi lâu, còn ông chỉ ngồi nghe.
Đến năm 1941, Sakai được thăng hàm sĩ quan, lái chiếc tiêm kích nổi tiếng A6M2 Zero, với hơn 1.500 giờ bay.
Sakai và 43 phi công khác trong phi đội có trận không chiến ác liệt vào ngày 8.12.1941. Các tiêm kích A6M2 Zero cất cánh từ Đài Loan, trải qua hành trình khứ hồi dài 1.700km tới Philippines.
Sau khi tách khỏi các máy bay ném bom Mitsubishi G4M1 Betty, Sakai và các đồng đội nghênh chiến tiêm kích P-40 Warhawk của Mỹ, bắn rơi nhiều máy bay, bao gồm cả hai chiếc máy bay ném bom B-17.
Nhiệm vụ dài nhất ở thời điểm đó yêu cầu các phi công phải tính toán mức độ tiêu hao nhiên liệu hợp lý và Sakai đã hết sức tiết kiệm.
“Tôi bay với mức độ tiêu hao nhiên liệu dưới 64 lít/giờ, thấp nhất ở thời điểm đó”, ông nói. “Chúng tôi bay với tốc độ thấp nhất có thể, ở độ cao 3.600 mét, vòng tua động cơ chỉ 1.700 vòng/phút".
Tưởng chừng như không thể sống sót
Hai ngày sau, Sakai và phi đội bắn rơi một máy bay ném bom B-17 khác ở ngay trên sân bay quân sự Clark. Phi công Mỹ Colin Kelley Jr chấp nhận ở lại để các đồng đội có thời gian nhảy ra ngoài.
Kelly là một trong những phi công Mỹ tử vong đầu tiên trong Thế chiến 2 và được truy tặng huân chương.
Kể từ đó, Sakai liên tục tham gia chiến đấu, chạm trán các máy bay Mỹ, Úc và Hà Lan ở vùng Đông Ấn và New Guinea.
Đối với Sakai, đây là giai đoạn thành công nhất của ông và phi đội. Ông được cho là bắn rơi 50 máy bay trong giai đoạn này.
Một trong những nhiệm vụ cuối cùng của Sakai trên đảo Iwo Jima, trước khi hòn đảo rơi vào tay người Mỹ.
Ngày 9.6.1942, 5 ngày sau trận hải chiến Midway làm thay đổi cục diện Mặt trận Thái Bình Dương, Sakai nhận nhiệm vụ nghênh chiến các máy bay Mỹ tại căn cứ Lae, New Guinea.
Phi đội của Sakai bắn rơi hai chiếc máy bay B-26 Marauder trong trận chiến này. Người Nhật tưởng rằng một trong hai chiếc B-26 chở theo trung đội trưởng Lyndon B. Johnson, người sau này trở thành Tổng thống Mỹ thứ 36.
Trên thực tế, ông Johnson không thể tham gia trận chiến ở Lae vì chiếc B-26 của mình gặp trục trặc động cơ và phải quay về.
Tháng 8.1942, Sakai lần đầu đối đầu với các phi công cất cánh từ tàu sân bay Mỹ. Ông nhận thấy phi công hải quân Mỹ rất giàu kinh nghiệm và không dễ dàng bỏ cuộc, khác với các đối thủ khác.
Cuộc đối đầu giữa Sakai và phi công James J. Southerland bên phía Mỹ là một trong những cuộc đối đầu được ghi lại chi tiết nhất ở Mặt trận Thái Bình Dương.
“Người cầm lái chiếc máy bay đó thật đáng gờm”, Sakai nói, ám chỉ trung úy phi công Southerland.
Tiêm kích F4F Wildcat do trung úy phi công Southerland điều khiển bị trúng đạn nặng nề từ Sakai, nhưng vẫn quay về được tàu sân bay. Điều này khiến Sakai hết sức ngạc nhiên.
Trước khi Sakai và phi đội quay về căn cứ, nhóm máy bay Zero bị các tiêm kích TBF-1 Avenger cất cánh từ tàu sân bay Enterprise truy kích.
Do bị tấn công từ nhiều hướng, máy bay của Sakai trúng đạn. Bản thân Sakai cũng bị thương. Trong nhiều giờ sau đó, Sakai cố gắng quay về căn cứ trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Ông bằng cách nào đó hạ cánh thành công trước khi không còn biết chuyện gì xảy ra.
Sakai được nhấc khỏi máy bay với mảnh đạn găm vào vai trái, chân và ngực. Tại bệnh viện hải quân Yokosuka, Sakai được các bác sĩ thông báo rằng ông bị mù vĩnh viễn mắt phải, không còn có thể tiếp tục bay.
Hai năm sau, Sakai vẫn quay trở lại chiến đấu trên đảo Iwo Jima. Sau khi lực lượng không quân trên đảo bị hải quân Mỹ tiêu diệt, Sakai là một trong số ít người sống sót trở về.
Được biết đến rộng rãi ở Mỹ
Sakai gặp lại pháo thủ Harold Jones, người từng suýt lấy mạng ông trong trận không chiến tháng 8.1942.
Sau chiến tranh, Sakai không còn phục vụ trong quân ngũ và cũng không được phép làm việc trong cơ quan nhà nước Nhật vì từng là phi công của Hải quân Đế quốc Nhật.
Ông là người chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa quân phiệt của Nhật trong Thế chiến 2. Ông cũng không tán thành chiến thuật cảm tử (kamikaze) vì khiến rất nhiều phi công trẻ mất mạng.
Kể từ khi cuốn hồi ký mang tên “Samurai” xuất bản, Sakai được biết đến rộng rãi ở Mỹ, giúp ông có thêm nhiều người bạn, gặp gỡ các cựu chiến binh Mỹ.
Phi công Joe Foss của thủy quân lục chiến Mỹ từng gọi Sakai là “người bạn quý giá nhất của Mỹ”. Nói về 64 lần lập công được nêu trong cuốn hồi ký, Sakai nói rằng mình không nhắc đến một con số nào cụ thể nhưng có thể coi đây là một con số tham khảo.
Năm 1970, trong một chuyến thăm Mỹ, Sakai đến dự cuộc gặp của các cựu phi công Mỹ ở San Diego. Tại đây, một phi công từng lái chiếc P-51 Mustang tiến tới bắt tay và nói qua phiên dịch viên: “Tôi đã đọc cuốn hồi ký của ông hai lần. Tôi cảm thấy như những năm tháng đó sống lại trong ký ức của mình. Rất vui vì chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ”.
Sakai còn có cơ hội gặp Harold Jones, pháo thủ suýt chút nữa lấy mạng phi công Nhật Bản trong trận không chiến ở Guadalcanal. Hai người gửi tặng nhau quà lưu niệm, kỷ vật trong cuộc gặp ở Los Angeles năm 1983.
Tháng 9.2000, Sakai được hải quân Mỹ mời đến dùng bữa tối trong một sự kiện ở căn cứ Atsugi ở tỉnh Kanagawa. Khi đang chuẩn bị phát biểu, Sakai, 84 tuổi, lên cơn đau tim và qua đời.
Trong những năm tháng sau khi giải ngũ, Sakai thường được mời đến phát biểu tại nhiều sự kiện khác nhau. Khẩu hiệu mà ông thường nhắc đến là: “Không bao giờ bỏ cuộc”.