Xin phụ tùng từ “nghĩa địa”
Ngày 14/5, kênh truyền hình Fox News của Mỹ nhận định Không quân Mỹ (USAF) đang thiếu hụt nghiêm trọng về lực lượng chuyên môn và trang thiết bị, sau nhiều lần liên tục bị cắt giảm ngân sách.
Fox News cho rằng hiện tại USAF thiếu khoảng 700 phi công và 4.000 chuyên gia hàng không để có thể duy trì các máy bay của lực lượng này trong điều kiện cần thiết.
Sự thiếu hụt phương tiện của USAF nghiêm trọng đến mức nhân viên tại một số căn cứ đã phải viết đơn xin phụ tùng từ những "nghĩa địa" máy bay hư hỏng hoặc các bảo tàng hàng không.
Một "nghĩa địa" máy bay của Mỹ
Fox News dẫn lời Trung sĩ Bruce Pfrommer tại căn cứ Ellsworth, bang Nam Dakota, cho biết: "Không chỉ nhân viên cảm thấy mệt mỏi mà toàn bộ lực lượng không quân đều như vậy. Chúng tôi có 20 máy bay ném bom, mà chỉ 9 chiếc có thể cất cánh".
Căn cứ Ellsworth, bang Nam Dakota là nơi đóng quân của một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-1.
Theo Fox News, kể từ khi kết thúc Chiến tranh vùng Vịnh, số lượng nhân viên USAF đã giảm 30%. Số lượng máy bay giảm 40%, trong đó số phi đội máy bay chiến đấu giảm 60%.
Một sĩ quan không quân Mỹ tiết lộ kinh phí cho các chương trình của USAF đã giảm một nửa trong 10 năm qua.
F-35 có thể đột tử
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain cho biết ông muốn giải thể Văn phòng điều hành Dự án phát triển máy bay tiêm kích đa năng F-35 (JPO), nơi đang đóng vai trò như một trung tâm điều hành của dự án chung khổng lồ giữa Mỹ và 12 nước.
Trong bản dự thảo luật chính sách quốc phòng của mình, vốn đã được Ủy ban Quân lực Thượng viện phê chuẩn ngày 12/5 như một phần của Luật Ủy Quyền Quốc phòng năm 2017, Thượng nghị sĩ McCain đề xuất giải thể Văn phòng JPO sau khi dự án phát triển máy bay F-35 đạt trần số lượng sản xuất vào tháng 4/2019.
Từ lâu, ông McCain đã chỉ trích dự án F-35 sau khi quá trình phát triển loại máy bay này bị đội giá quá nhiều, kế hoạch bàn giao chậm chạp cùng với đó là những sự cố kỹ thuật.
Văn phòng JPO từ chối bình luận về dự thảo luật của Thượng nghị sĩ McCain. Tuy nhiên, một nguồn thạo tin cho rằng đề xuất của ông McCain đã không tính tới khía cạnh quốc tế của chương trình phát triển máy bay chiến đấu đa nhiệm F-35.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, một báo cáo của Lầu Năm Góc đã thừa nhận, mặc dù là dự án chế tạo vũ khí tốn kém nhất trong lịch sử, song máy bay chiến đấu đa năng F-35 vẫn mắc nhiều sai sót nguy hiểm, làm phức tạp thêm dự án này.
Báo cáo trên cho thấy trong quá trình thử nghiệm F-35 trên diện rộng nhằm đo tính năng an toàn của máy bay này, các kỹ sư đã phát hiện nhiều sai sót và vấn đề như lỗi phần mềm, sự cố kỹ thuật và chi phí sản xuất quá tốn kém.
Mỹ thừa nhận F-35 có nhiều sai sót
Ngoài ra, các kỹ sư cũng nhận thấy nhóm phi công sở hữu cân nặng dưới 62 kg có nguy cơ dễ bị tử nạn khi lái thiết bị này.
Theo báo cáo, phiên bản F-35 dùng trong Lực lượng Lính thủy đánh bộ cũng có nhiều sai sót và có khả năng chiến đấu hạn chế, trong khi phiên bản đang trong quá trình chế tạo cho Không quân cũng "thừa hưởng nhiều lỗi" từ phiên bản gốc nên có thể làm trì hoãn ngày ra mắt của phiên bản này, vốn dự kiến vào cuối năm 2016..
Cách đây một năm, cơ quan kiểm tra nội bộ thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ công khai rằng trong đề án thiết kế F-35 đã phát hiện 61 điểm không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu an toàn của động cơ do hãng Pratt & Whitney sản xuất, trong khi nếu loại bỏ có thể tốn rất nhiều thời gian và ngân sách.
Máy bay T-50 PAK FA của Nga được coi là đối thủ của F-35
Cục Quản lý trung ương Mỹ sau khi tiến hành cuộc kiểm tra riêng cũng báo cáo phát hiện những vấn đề nghiêm trọng với động cơ của Pratt & Whitney, theo đó có chỉ số thấp hơn hai lần so với dự kiến.
Báo cáo của cục trên nêu rõ độ tin cậy của động cơ rất thấp và cách xa với mục tiêu hoạch định trong dự án.
F-35 được cho là sẽ đóng vai trò xương sống trong phi đội máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ trong tương lai, và cùng với công nghệ radar tàng hình sẽ đảm bảo sự thống trị của Mỹ trên bầu trời trong nhiều năm.
Lầu Năm Góc dự kiến chi 391 tỷ USD cho đề án thiết kế F-35, mẫu chiến đấu cơ cạnh tranh với máy bay T-50 PAK FA của Nga.