“Họ đã ở sai vị trí, sai thời điểm”, trang Russian Beyond The Headlines (RBTH) dẫn lời Đại úy không quân Mỹ Ralph Parr nhớ lại về “chiến thắng” của mình trước chiếc máy bay Il-12 của Liên Xô vào ngày cuối cùng của cuộc Chiến tranh Triều Tiên, 27/7/1953.
Chiếc máy bay chở hàng của Liên Xô khi đó đang bay từ cảng Arthur (cảng Đại Liên ngày nay) đến thành phố Vladivostok (Nga), ngang qua khu vực Mãn Châu, Trung Quốc. Nó bay dọc theo biên giới với Triều Tiên cho đến khi bị bắn rơi bởi chiếc F-86 Saber do phi công Parr điều khiển.
Vụ việc đã khiến 15 sĩ quan Liên Xô và 6 thành viên đoàn bay tử nạn, đẩy hai siêu cường tới bên bờ một cuộc xung đột lớn, thậm chí bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Khi đó, viên đại úy Không quân Mỹ đã bắn rơi máy bay Liên Xô không phải trên bầu trời Triều Tiên mà trên không phận Trung Quốc, nơi phi công Mỹ bị nghiêm cấm xâm phạm.
Đại úy nghỉ hưu Ralph Parr cầm bức ảnh chân dung chính mình. Ảnh: Không quân Mỹ/RBTH
Cuộc kiểm tra, phân tích tại hiện trường cho thấy 6 người trên máy bay Liên Xô đã thiệt mạng do đạn và mảnh vỡ văng trúng, trong khi những người khác tử vong khi máy bay lao xuống đất. Chiếc Il-12 bị 19 lỗ thủng trên thân, toàn bộ dù và các vật dụng cá nhân của các sĩ quan bị phá hủy.
Vấn đề là tại sao phi công Ralph Parr lại thấy cần phải thực hiện các biện pháp cực đoan như vậy khi chiến tranh Triều Tiên sắp kết thúc và đã bắn hạ một chiếc máy bay chở hàng không có phòng vệ vũ trang?
"Chạy" thành tích hay sự cố tình báo
"Ralph Sherman Parr là một trong những phi công xuất sắc nhất của Mỹ", nhà sử học quân sự, cựu chỉ huy tình báo Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đại tá nghỉ hưu Pavel Levshov cho biết. "Có một giả thuyết cho rằng anh ta rất muốn trở thành một 'con át chủ bài', Parr muốn hạ thêm máy bay địch, đưa tổng số chiếc bắn hạ được lên 10".
Để có được nạn nhân thứ 10 của mình, viên phi công Mỹ đã bay vào không phận cấm chỉ vài giờ trước khi hiệp định đình chiến trên bán đảo Triều Tiên có hiệu lực.
Tuy nhiên, tham vọng của Parr không phải là nguyên nhân tiềm tàng duy nhất cho cuộc tấn công. Có giả thuyết cho rằng người Mỹ đang săn lùng những con cá lớn hơn, chứ không chỉ là vài viên trung úy trẻ của Liên Xô.
Phi công Mỹ tham gia Chiến tranh Triều Tiên Ralph Parr. Ảnh: Không quân Mỹ
Theo ông Igor Seydov, một học giả về Chiến tranh Triều Tiên, tình báo Mỹ đã nắm được thông tin rằng vào ngày 27/7, một chiếc Il-12 được lên kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đưa các chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô từ bán đảo Liêu Đông (Trung Quốc) trở về Liên Xô.
Tuy nhiên, một hội nghị đảng mà các chỉ huy này tham dự lại kéo dài lâu hơn dự kiến, vì thế thay vì chở những nhân vật cấp cao đó, chiếc máy bay đã chở những quân nhân khác. Trong khi đó, người Mỹ lại không thận trọng với thay đổi này.
Câu chuyện từ phía người Mỹ
Phía Mỹ thừa nhận họ đã bắn hạ chiếc máy bay Liên Xô nhưng không đồng ý về một điểm quan trọng. Theo họ, chiếc Il-12 bị bắn hạ không phải trên không phận Trung Quốc, mà là ở Triều Tiên.
Chi tiết này đã gần như khiến họ rũ được cảm giác tội lỗi, biến vụ việc từ một tội ác trở thành chuyện thường xảy ra trong một cuộc chiến.
Một chiếc Il-12. Ảnh: RBTH
Phi công Ralph Parr sau này nói rằng, khi bắt đầu cuộc điều tra về vụ việc, các chỉ huy của anh ta đã tìm cách "dọn sạch" mọi thứ. Tuy vậy, đại úy không quân Mỹ vẫn tự tin rằng anh đã làm đúng và giữ vững lập trường của mình. "Tại sao chúng ta không nói ra sự thật?", Parr lên tiếng.
Cuối cùng, Mỹ đã bác bỏ vụ kiện của Liên Xô tại tòa án quốc tế ở The Hague (Hà Lan) nhằm đòi quân đội Mỹ bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Cuộc trả thù của Liên Xô
Chỉ hai ngày sau, Liên Xô được cho là đã "trả thù" cho cái chết của các sĩ quan, mặc dù vụ việc chưa được xác định chắc chắn là có chủ ý hay do tai nạn.
Ngày 29/7, chiếc máy bay do thám RB-50 của Mỹ (phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom B29) đã bay vào không phận Liên Xô gần đảo Askold, cách Vladivostok chỉ vài chục kilomet.
Đại uý Alexander Rybakov, phi công của một trong những chiếc MiG được lệnh xuất kích đánh chặn máy bay Mỹ, đã tung hoả lực nhằm vào kẻ xâm phạm bầu trời.
“Các đồng đội ‘chạy cánh’ của tôi báo cáo rằng kẻ đột nhập đã nổ súng vào chúng tôi. Đáp lại, tôi đã bắn hai quả tên lửa ở cự ly gần. Theo lệnh của tôi, phi công yểm trợ cũng nã hoả lực vào kẻ đột nhập. Ngay sau đó, máy bay Mỹ lộn cánh liệng xuống và biến mất trong những đám mây dày”, Rybakok nhớ lại.
Chiếc máy bay bị rơi ở vùng biển trung lập đã sớm được tàu Mỹ tìm thấy. Phi công phụ John Roche được cứu sống và thi thể của hai thành viên phi hành đoàn được tìm thấy. 13 người còn lại trên máy bay mất tích.
Xác chiếc RB-50 rơi trên biển sau khi trúng hỏa lực của máy bay Liên Xô. Ảnh: Tư liệu/RBTH
Lần này, người Mỹ tuyên bố rằng Nga tấn công máy bay của họ trên vùng biển trung lập, trong khi Liên Xô khẳng định chiếc RB-50 đã xâm phạm không phận đất nước họ.
Sau khi đáp trả nhau bằng những đòn đau đớn và nhận ra rằng cuộc đối đầu nếu kéo dài sẽ không dẫn đến điều gì, hai siêu cường quyết định giảm căng thẳng và để hai vụ việc vào quên lãng.