img


Trời tờ mờ sáng, không khí khẩn trương bao trùm Trung đoàn Không quân 923 - Sư đoàn Không quân 371 (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Một cán bộ khí tượng báo cáo Trung đoàn trưởng, Thượng tá Trần Thanh Hải: “Thời tiết đảm bảo triển khai bay huấn luyện”.

7h, xe chở các phi công dừng trước phòng chỉ huy. Sau khi được bác sĩ quân y kiểm tra sức khỏe, các chiến sĩ nhanh chóng di chuyển vào phòng họp, nơi có những tấm bảng chi chít các loại ký hiệu về đường bay, tọa độ. Họ cùng thảo luận kỹ về độ cao, các hình thái bay cần có trong buổi bay huấn luyện.

Từ phòng họp nhìn ra, những “hổ mang chúa” Su-30MK2 nằm ngay ngắn dưới mái vòm sân đỗ, xòe cánh hiên ngang. Su-30MK2 là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất hiện nay của Quân chủng Phòng không - Không quân, lớn gấp gần ba lần máy bay MiG-21 thời chống Mỹ, cấu hình bên trong vô cùng tinh vi.

Đây là dòng tiêm kích đa năng siêu âm hai chỗ ngồi, có khả năng tác chiến độc lập, hoặc theo biên đội trong nhiều loại địa hình, thời tiết khác nhau. Su-30MK2 có thể đạt tốc độ 1.350 km/h tại độ cao thấp và vận tốc leo cao 230m/s, có hệ thống vũ khí tiến công điều khiển chính xác tầm xa với lượng vũ khí mang theo lên đến 8 tấn.

Trong lúc các phi công họp bàn triển khai nhiệm vụ, bầy "hổ mang chúa" Su-30MK2 được đánh thức bởi cán bộ kỹ thuật sân bay. Tổ kỹ thuật hàng chục người làm công tác chuẩn bị trước một ngày và trước giờ bay cả tiếng đồng hồ, để máy bay thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện.

Chuyến bay đầu tiên do Trung đoàn trưởng, Thượng tá Trần Thanh Hải và Phó Chính ủy, Thượng tá Nguyễn Trường Nam, thực hiện. Đây là chuyến bay khí tượng, đánh giá tình hình thời tiết trước khi những chiếc Su-30MK2 lần lượt cất cánh, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.

Kết thúc chuyến bay, cởi bộ đồ bay treo lên mắc, Thượng tá Hải nhanh chóng về phòng giao nhiệm vụ bay chính thức tới các phi công. Sau đó, anh di chuyển lên đài kiểm soát không lưu thực hiện giám sát và chỉ huy ban bay.

Ngồi trên đài quan sát, vị Trung đoàn trưởng không rời mắt theo dõi các thông số hàng không nhấp nháy trên màn hình, bộ đàm luôn trên tay sẵn sàng ra khẩu lệnh. Căn phòng làm việc nghe rõ từng tiếng thở. Những câu thoại nghiệp vụ được trao đổi nhanh, ngắn, rõ. Đối với Thượng tá Hải, những nút bấm chi chít trên bảng điều khiển thân thuộc đến mức dù có nhắm mắt lại, anh vẫn biết chúng nằm ở đâu để thành thục điều khiển “hổ mang chúa” thực hiện các kỹ thuật bay cao cấp, đầy khó khăn.

Từ đài kiểm soát không lưu, vị Trung đoàn trưởng chăm chú quan sát từng chiếc tiêm kích Su-30MK2 di chuyển ra điểm cất cánh ở cuối đường băng. Sau khi kiểm tra các thông số hàng không, khí tượng, thông qua bộ đàm anh cho phép từng chiếc cất cánh.

Theo Thượng tá Hải, trong mỗi đợt huấn luyện, phi công thực hiện bay những khoa mục khác nhau. Các bài bay kinh điển như: bổ nhào, cơ động giản đơn, cơ động phức tạp theo biên đội và đơn chiếc; bay bắn, ném bom, phóng rốc-két..., mọi phi công đều phải thành thạo.

Ngoài kỹ thuật điều khiển máy bay, những người lính không quân còn phải thuộc lòng tính năng của các loại vũ khí mình đang sử dụng. Khi không may gặp sự cố, chỉ có kinh nghiệm, bản lĩnh mới giúp họ bảo toàn máy bay, tính mạng của mình và đồng đội.

Trung đoàn trưởng Trần Thanh Hải cho hay, tuyển chọn được phi công đã khó, đào tạo được phi công lái máy bay chiến đấu lại càng khó hơn. “Từ hàng ngàn ứng viên mới chọn ra được một người đủ điều kiện học phi công chiến đấu, và trong hàng trăm học viên, những người xuất sắc nhất mới có thể lái Su-30MK2” , vị Trung đoàn trưởng nhấn mạnh.

Là một trong những phi công lái máy bay chiến đấu có nhiều giờ bay nhất Việt Nam với hơn 2.000 giờ bay tích lũy, Thượng tá Trần Thanh Hải kể, trước khi ngồi vào buồng lái Su-30MK2, anh được huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ qua các loại máy bay Yak-52, L-39, Mig-21, Su-22M4.

“Khi vận hành máy bay, cả trí não và tay chân đều hoạt động với cường độ cao, môi trường lao động đặc biệt với ảnh hưởng của tiếng ồn, rung xóc, chênh lệch nhiệt độ và áp suất. Những chuyển động của máy bay trong suốt quá trình lượn vòng trên không tác động trực tiếp lên cơ thể họ, đặc biệt là tai, mắt, độ nhạy cảm thần kinh” , Thượng tá Hải nói và phân tích vì sao chương trình huấn luyện thể lực cho phi công và chế độ ăn phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt.

4.860 kcal/người/ngày là định lượng đối với phi công lái máy bay Su-30MK2, cao gấp đôi khẩu phần ăn của người thường. Mỗi bữa ăn của các chiến sĩ phi công Trung đoàn 923 phải có tối thiểu 6 món, trong đó có 4 món chính, 2 món phụ, thực đơn phong phú, thay đổi linh hoạt theo ngày.

Thượng tá Trần Thanh Hải cho biết, trên thế giới, theo tính toán của các nhà chuyên môn, để đào tạo được một phi công chiến đấu mất khoảng 5 - 10 triệu USD, tùy thuộc vào từng loại máy bay. Còn ở Việt Nam, mọi người vẫn thường ví giá trị của một phi công được tính bởi số vàng cân nặng đúng bằng trọng lượng cơ thể anh ta.

“Việc tuyển chọn phi công giống như đãi cát tìm vàng, chưa kể quá trình huấn luyện, đào tạo kéo dài với chi phí vô cùng tốn kém. Vì vậy, việc coi người phi công chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam như "tài sản quốc gia" là điều không thể phủ nhận” , Thượng tá Trần Thanh Hải nói.

Một tháng chỉ được về thăm nhà 2 lần, Trung đoàn trưởng Trần Thanh Hải cùng đồng đội sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, gác hạnh phúc riêng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Anh tâm niệm, những người lính canh trời, bất kể ngày đêm phải luôn vững vàng, không để Tổ quốc bị bất ngờ vì các tình huống trên không.

VTC News
Đắc Huy, Hoàng Minh