Phi công ACE KQVN hạ gục F-4 Mỹ: Kẻ đi săn bị chính MiG hạ đo ván - "Gậy ông đập lưng ông"

Nguyễn Việt Cường - Nguyên Sĩ quan Dẫn đường KQNDVN |

Khi cự ly cách 7-8 km, đội hình 4 chiếc F-4 phân tốp chiến thuật: 2 chiếc số 1 và số 2 vòng xuống dưới; còn số 3 và số 4 kéo lên cao tạo thế gọng kìm nhằm kẹp MiG-21 KQVN vào giữa.

Những năm tháng khốc liệt ở "mặt trận trên không"

Trong mỗi chúng ta không ai có thể quên được những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh giữ nước năm xưa. Hàng triệu con người đã ngã xuống để có cuộc sống yên bình ngày hôm nay.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đấy, các phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam (KQNDVN) Anh hùng đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đối mặt với quân thù trong những trận không chiến nảy lửa. Nhiều phi công đã hy sinh hoặc phải nhảy dù trong những lần đọ sức.

Phi công ACE KQVN hạ gục F-4 Mỹ: Kẻ đi săn bị chính MiG hạ đo ván - Gậy ông đập lưng ông - Ảnh 1.

Tác giả - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường, Nguyên Sĩ quan Dẫn đường KQNDVN.

Các phi công chiến đấu may mắn còn tồn tại qua những cuộc không chiến với Không quân Mỹ, kỷ niệm về những trận đánh khắc sâu mãi trong tâm khảm của mỗi người.

Với Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Nghĩa, một trong 19 phi công ACE của KQNDVN, ngày 23/6/1972 là ngày kỷ niệm nhớ đời: nổ súng bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trong cuộc đời chiến đấu của mình.

Năm 1972, hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Việt Nam, Tổng thống Mỹ Ni-xơn đã huy động lực lượng lớn máy bay của cả không quân và hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc Việt Nam.

Nhưng ngay từ cuối năm 1971, các triệu chứng địch sẽ đánh phá rất ác liệt miền Bắc đã xuất hiện khá rõ ràng. Binh chủng Không quân sau 3 năm (1969-1971) được củng cố, lực lượng được tăng cường thêm, trình độ về mọi mặt được nâng cao, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.

Chiến công đầu của một phi công tiêm kích xuất sắc

Ngày 21, 22/6/1972, Mỹ cho máy bay tập trung đánh phá các trọng điểm giao thông, các khu vực tập kết nguồn hàng của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Các chân hàng nằm rải rác trên trục đường 1A, đường số 2, đường số 3.

Các tin tình báo chiến lược thông báo về Sở Chỉ huy (SCH) Không quân cho thấy nhiều khả năng ngày 23/6 Mỹ sẽ dùng máy bay của không quân và hải hải quân tập trung đánh lớn vào các trọng điểm giao thông huyết mạch và các mục tiêu nằm sâu trong Hà Nội.

Phi công ACE KQVN hạ gục F-4 Mỹ: Kẻ đi săn bị chính MiG hạ đo ván - Gậy ông đập lưng ông - Ảnh 2.

Tiêm kích MiG-21 KQVN đối đầu với F-4 Mỹ. Ảnh minh họa.

Bộ Tư lệnh Không quân đã phân tích tình hình và đưa ra ý định tác chiến: sử dụng đồng thời cả 3 loại máy bay MiG-17, MiG-19, MiG-21 của 3 Trung đoàn hợp đồng chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội và các trọng điểm.

Chiều ngày 22/6/1972, Biên đội MiG-21 của Trung đoàn 927 gồm Nguyễn Văn Nghĩa – số 1 & Nguyễn Văn Toàn – số 2 chuyển trường xuống sân bay Gia Lâm.

10h25 sáng ngày 23/6/1972, Biên đội MiG-21 vào cấp 1; lúc 10h30 Biên đội được lệnh cất cánh. SCH dẫn Biên đội bay theo hướng 240 độ, lên ngay độ cao 6.000m, hướng về phía Suối Rút, Hòa Bình.

SCH liên tục thông báo vị trí mục tiêu. Trên bầu trời Suối Rút, số 1 Nghĩa phát hiện mục tiêu 4 chiếc F-4 bên trái 45 độ, cự ly 15 km, anh xin phép công kích và lệnh cho số 2 vứt thùng dầu phụ đồng thời tăng lực kéo lên độ cao 8.000m giữ thế có lợi về độ cao và tiếp cận mục tiêu.

Khi cự ly cách 7-8 km, đội hình 4 chiếc F-4 phân tốp chiến thuật: 2 chiếc số 1 và số 2 vòng xuống dưới; 2 chiếc số 3 và số 4 kéo lên cao tạo thế gọng kìm nhằm kẹp MiG-21 của ta vào giữa.

Lúc này, ở vòng ngoài còn nhiều tốp F-4 yểm trợ khu vực chờ thời cơ tấn công vào Biên đội MiG-21. Biên đội MiG-21 rơi vào thế bất lợi. Sau khi lệnh cho số 2 Toàn tấn công 2 chiếc F-4 vòng xuống, số 1 Nghĩa tấn công 2 chiếc F-4 đang bay lên.

Phi công ACE KQVN hạ gục F-4 Mỹ: Kẻ đi săn bị chính MiG hạ đo ván - Gậy ông đập lưng ông - Ảnh 4.

Tiêm kích MiG-21 KQVN đối đầu với F-4 Mỹ. Ảnh minh họa.

Hai chiếc F-4 đang bay lên bất ngờ vòng gấp bay đối đầu với số 1 Nghĩa. Tình huống diễn biến rất nhanh và khó có thể tạo thế có lợi vì 2 bên đều nhìn thấy nhau ở thế đối đầu và cùng chủ động tấn công nhau.

Phi công Nguyễn Văn Nghĩa phải sử dụng những động tác rất mạnh và nhanh, tạo gia trọng rất lớn trên máy bay.

Trong một tình huống thuận lợi, bằng kỹ thuật bay không chiến đã được tập luyện kỹ trên máy bay tiêm kích MiG-21, số 1 Nghĩa nhanh chóng chiếm lĩnh được bán cầu sau của 2 chiếc F-4 và đưa mục tiêu vào vòng ngắm.

Anh bật chế độ tăng lực toàn phần, chiếc MiG-21 tiếp cận mục tiêu rất nhanh, khi cự ly khoảng 1.200m, anh phóng 1 quả tên lửa, chiếc F-4 bốc cháy và đâm xuống đất; 2 phi công nhảy dù xuống phía Tây Hà Nội 45km, phi công ngồi ghế trước được cứu thoát, còn phi công ngồi sau đã bị ta bắt sống.

Biên đội MiG-21 hạ cánh an toàn xuống sân bay Đa Phúc lúc 10h51.

Chiếc máy bay F-4 bị bắn rơi trong đội hình máy bay có mật danh Barstow làm nhiệm vụ MiGCAP (chế áp MiG).

Đi săn MiG nhưng lại bị chính MiG hạ gục, các phi công nhà nghề của Mỹ đã phải tâm phục khẩu phục trước sự mưu trí, táo bạo tuyệt vời của phi công tiêm kích Không quân Việt Nam.

Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên mà Nguyễn Văn Nghĩa bắn rơi trong cuộc đời phi công chiến đấu của ông. Ngay ngày hôm sau, ngày 24/6/1972, phi công Nguyễn Văn Nghĩa bắn rơi thêm 1 chiếc F4 nữa.

Kể về trận đánh, số 2 Nguyễn Văn Toàn tâm sự: tuy ông không bắn rơi được chiếc nào, nhưng qua trận đánh đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, giúp ông bắn hạ được 2 chiếc F4 vào ngày 26/8/1972 và ngày 12/9/1972.

Trong những lần họp mặt kỷ niệm về các trận đánh, lớp phi công trẻ được trực tiếp nghe những câu chuyện rất bổ ích, những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ phi công ông cha.

Tự hào được phục vụ và tiếp nối truyền thống hào hùng của KQNDVN, sẵn sàng xuất kích chiến đấu và chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào xâm phạm bầu trời, xâm phạm lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Anh hùng LLVTND - Đại tá phi công Nguyễn Văn Nghĩa sinh năm 1946 tại Quảng Ngãi, nguyên quán tại Hà Nam. Năm 1955, ông theo cha tập kết ra Bắc, theo học Trường Học sinh Miền Nam, nhập ngũ năm 1963.

Năm 1965, ông trúng tuyển phi công quân sự và được đưa đi đào tạo phi công MiG-21 tại Trường đào tạo phi công tiêm kích "KRASNODAR" Liên bang Xô Viết. Năm 1968, ông về nước, chiến đấu trong Trung đoàn 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ).

Đến năm 1972 thì chuyển qua làm lực lượng nòng cốt để xây dựng Trung đoàn 927 (Đoàn Không quân Lam Sơn).

Từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1972, ông đã nhiều lần xuất kích, bắn hạ 6 máy bay Mỹ trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ, 1 chiếc bị trọng thương đến Tuyên Quang thì rơi.

Ông trở thành một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp "Ách" (Ace) - thuật ngữ chỉ những phi công ưu tú, đặc biệt xuất sắc bắn rơi 5 máy bay đối phương trở lên (chỉ có 5 phi công Mỹ đạt được đẳng cấp này trong chiến tranh Việt Nam).

Với thành tích này, ông được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973, khi mới 27 tuổi.

Đầu tháng 5/1975, ông dẫn đầu phi đội 13 máy bay MiG-21 bay chuyển sân vào tiếp quản sân bay Biên Hoà và tham gia diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 trên bầu trời Sài Gòn. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt để xây dựng Trung đoàn Không quân 935.

Sau khi Trung đoàn 935 thành lập, ông được giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu loại máy bay F-5 với sự trợ giúp của các phi công Nguyễn Thành Trung, Trần Ngọc Xanh và một số nhân viên kỹ thuật còn lại, nhanh chóng làm chủ và huấn luyện chuyển loại cho số phi công MiG.

Ông cũng là phi công MiG-21 đầu tiên điều khiển bay loại máy bay F-5 chiến lợi phẩm mà không có giáo viên, đồng thời trở thành giáo viên bay đầu tiên trên loại máy bay này của Không quân Nhân dân Việt Nam.

Ông được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ nhanh chóng làm chủ khi tài và đưa vào phục vụ cho chiến tranh biên giới Tây Nam vài năm sau đó.

Sau nhiều năm công tác trong lực lượng Không quân, năm 1992, ông được cử sang công tác trong ngành Hàng không, làm hiệu trưởng Trường Hàng không Việt Nam (HKVN).

Từ công tác chỉ huy chiến đấu sang công tác đào tạo hàng không, ông vừa nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức cho bản thân, vừa xây dựng nền tảng đào tạo chính quy hiện đại, đưa Trường HKVN trở thành Học viện HKVN và trở thành Giám đốc đầu tiên của Học viện này.

Hiện tại, dù đã nghỉ hưu, nhưng ngọn lửa nhiệt tình của ông vẫn chưa hề dịu. Anh "Nghĩa cáp", một biệt danh thân thương mà bạn hữu, đồng chí đặt cho ông, vẫn không có dấu hiệu mệt mỏi. Sợi cáp ngày nào vẫn rắn chắc, dù đã trải bao năm sương gió.

Ông tham gia tích cực vào các hoạt động của CLB HKVN, bên cạnh nỗ lực xây dựng sinh hoạt cho sân chơi các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực hàng không, ông không ngừng vận động sự ủng hộ của mọi cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để - như cách ông nói - chuẩn bị "mở cửa bầu trời".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại