Hầu hết chuyên gia an ninh quốc gia ban đầu đều chỉ trích quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc gặp mặt trực tiếp ông Kim Jong Un, và dự đoán rằng cuộc gặp sẽ là một thất bại. Tuy nhiên, ông Graham Allison - giám đốc Trung tâm khoa học và sự vụ quốc tế Belfer thuộc ĐH Harvard - nhận thấy những cơ hội thắng lớn giành cho Mỹ.
Mặc dù chẳng ai dự đoán chính xác về tương lai, ông Allison tin vào khả năng của "giải pháp sáu bên cùng thắng lợi".
Câu hỏi hóc búa nhất luôn là: Các giải pháp khả thi còn lại của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là gì?
Vào tháng 11/2017, Graham Allison dự đoán có ba kịch bản: Thứ nhất, ông Kim có thể tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm công nghệ tên lửa xuyên lục địa (ICBM) cho phép các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tấn công các thành phố của Mỹ. Thứ hai, Mỹ có thể quyết định tấn công Triều Tiên để ngăn chặn kịch bản số 1. Hoặc thứ ba, có thể có những "phép màu nhỏ".
Tại thời điểm này, lãnh đạo Mỹ-Triều đã mở cửa cho khả năng thứ ba. Từ đó, có thể đoán được hai bên sẽ đạt thỏa thuận lịch sử và giành sự ủng hộ từ cử tri trong nước. Nếu điều này xảy ra thì đây cũng thể coi là chiến thắng cho cả Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và cả Nga.
Thỏa thuận 6 bên mới sẽ như thế nào?
Allison đánh giá, về bản chất, lãnh đạo Mỹ- Triều Tiên sẽ tuyên bố đồng ý thiết lập một khuôn khổ tiến hành phi hạt nhân hóa bán đảo, thiết lập cơ chế hòa bình - trong đó các bên cam kết tôn trọng chủ quyền và an ninh của nhau, tiến tới bình thường hóa quan hệ và kí kết hiệp ước hòa bình để kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên (vốn đang trong trạng thái ngừng bắn từ sau năm 1953).
Ông Trump và ông Kim sẽ chỉ đạo các đặc phái viên và các nhóm đàm phán ngay lập tức bắt đầu thực hiện các hành động cụ thể hiện thực hóa các mục tiêu này. Trong kết quả mới nhất mà các nỗ lực ngoại giao mang lại, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 21/4 dẫn tuyên bố của ông Kim Jong Un cho biết Bình Nhưỡng sẽ dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, cũng như đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền Bắc đất nước.
Hai bên có thể sẽ nhất trí phía Mỹ không áp đặt thêm cấm vận Triều Tiên. Họ sẽ thông báo rằng cả quá trình sẽ tiến hành từng bước một, dễ dàng kiểm chứng . Và để đảm bảo rằng lợi ích của bốn quốc gia còn lại, các nhà đàm phán song phương sẽ xây dựng một quá trình đàm phán sáu bên tương tự như các cuộc đàm phán P5+1 cho vấn đề hạt nhân của Iran.
Nếu lãnh đạo Triều Tiên muốn tạo ấn tượng tốt với phía Mỹ, ông có thể đề xuất phá hủy số lượng ít các vũ khí hạt nhân. Và để đáp lại hành động thiện chí này, tổng thống Trump có thể ủng hộ Hàn Quốc tiến hành các hoạt động viện trợ nhân đạo dù vẫn đang áp gây "sức ép tối đa" với Bình Nhưỡng.
Trong quá trình đàm phán, nếu có chứng cứ rõ ràng Triều Tiên đã đóng băng hoạt động sản xuất nguyên liệu thô hạt nhân và tiếp tục giảm kho vũ khí dự trữ thì Mỹ và Hàn Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp cấm vận và cung cấp các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Mỹ sẽ nhắc lại quan điểm về việc duy trì quân đội tại Hàn Quốc là do lời yêu cầu của chính phủ Hàn Quốc. Nếu trong tương lai hai nước trên bán đảo Triều Tiên xây dựng được chính phủ liên bang, thì nước Mỹ sẽ nhanh chóng rút quân ngay.
Ông Trump thắng lớn
Đối với ông Kim Jong Un, việc tổng thống Mỹ nhận lời họp thượng đỉnh đã đưa ông vào danh sách các nhà lãnh đạo đẳng cấp thế giới. Trước khi có diễn biến ngoại giao mới này, ông tuyên bố "nhiệm vụ đã hoàn thành" trong việc xây dựng Triều Tiên thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Còn đối với tổng thống Trump, thoả thuận với Bình Nhưỡng sẽ cho phép ông hoàn thành một lời hứa chủ chốt với cử tri hồi còn vận động tranh cử: Cam kết chặn đứng khả năng tên lửa có đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên tấn công nước Mỹ.
Do đó, bằng cách này hay cách khác, chỉ cần đạt một thỏa thuận không cho Triều Tiên tiến hành các cuộc thử nghiệm ICBM tiếp theo thì Trump có thể khẳng định rằng ông đã ngăn chặn thành công kế hoạch của Bình Nhưỡng. Chắc chắn đây là một chiêu thức gây dựng dấu ấn cho cá nhân tổng thống.
Các bên cùng có lợi
Đối với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, lợi ích của một thỏa thuận quá rõ ràng: Nước Mỹ sẽ không tấn công Triều Tiên và Hàn Quốc tránh được những cuộc tấn công trả đũa từ Bình Nhưỡng có thể gây thương vong cho hàng trăm ngàn dân thường. Tất nhiên, ông Moon cũng được ghi nhận có đóng góp lớn cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên sắp tới nếu nó diễn ra như dự tính, từ việc mời Triều Tiên tham dự Thế vận hội, đưa phái viên đặc biệt tới Bình Nhưỡng đến khéo léo đề cao ông Trump đã có công đưa lãnh đạo Triều Tiên đến bàn đàm phán.
Một hội nghị thượng đỉnh thành công cũng sẽ là một chiến thắng chính trị lớn cho ông Moon trước kỳ bầu cử địa phương diễn ra vào ngày 13/6 tới đây. Đây sẽ yếu tố thuận lợi giúp ông đánh bại các đối thủ trong nước để thực hiện các mục tiêu tham vọng.
Nhật Bản luôn lo ngại Triều Tiên tấn công hạt nhân trả đũa nước này, nếu họ bị Mỹ tấn công trước. Do vậy, phía Nhật sẵn lòng chấp nhận bất cứ điều gì có thể giúp tránh được một cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai. Hơn nữa, nhiều tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ Nhật năm ngoái, mà Tokyo chỉ có thể phản ứng lại bằng các tuyên bố phản đối mạnh mẽ, nên nếu chiến tranh nổ ra thì hình ảnh nội các thủ tướng Shinzo Abe sẽ đi xuống, đặc biệt sau các bê bối gần đây liên quan đến vợ ông.
Còn với Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định Bắc Kinh vẫn là " người chơi" có vị trí quan trọng, sau khi ông Kim Jong Un cùng phu nhân Ri Sol Ju có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh hồi cuối tháng 3. Mối quan tâm đặc biệt của Trung Quốc ở bán đảo chỉ là khu vực này giữ ổn định để ban lãnh đạo có thể thực hiện các kế hoạch trong nước. Nếu ông Trump và ông Kim đạt thỏa thuận làm giảm nguy cơ chiến tranh, thì về cơ bản ông Tập đã hoàn thành kế hoạch.
Phía Nga vẫn tỏ ra khá im hơi lặng tiếng trong diễn biến ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy không có chuyện Moscow sẽ ở ngoài cuộc chơi. Tổng thống Vladimir Putin sẽ tìm mọi cách để khẳng định Nga là một nhà thương thuyết hàng đầu. Theo Allison, thậm chí có khả năng ông Putin sẽ thăm Vladivostok trong vài tuần tới.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, tháng 3/2018 (Ảnh: Xinhua)
Thỏa thuận Mỹ-Triều sẽ gây tranh cãi
Nếu một thỏa thuận như trên được kí kết trong hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim, thì không khó để dự đoán rằng nó sẽ hứng chịu gạch đá từ cả hai giới phân tích tại Mỹ.
Những người phản đối cho rằng thỏa thuận với Bình Nhưỡng không hoàn toàn "giải quyết" vấn đề hạt nhân Triều Tiên như điều ông Trump hứa trước đó, bởi nước này vẫn duy trì kho vũ khí hạt nhân để sử dụng trong tương lai gần. Nhưng đây là giải pháp ít để lại hậu quả nhất ở thời điểm hiện tại. Tại thời điểm này, lựa chọn duy nhất khác mà Washington có thể nghĩ đến là tấn công Triều Tiên và gây ra cuộc chiến tranh trên diện rộng.