Phép màu kinh tế Thâm Quyến: Sự đánh đổi quá đắt từ "máu và nước mắt" của người TQ

Hồng Anh |

Bên cạnh những thủ tục pháp lý bất cập, nhiều công nhân Trung Quốc còn đang phải chạy đua với thời gian, trước khi căn bệnh phổi quái ác cướp đi mạng sống của họ.

Sự thịnh vượng được đánh đổi bằng... tính mạng

Từ một người đàn ông khỏe mạnh, hiện nay sức khỏe của ông Wang Zhaogang, 52 tuổi, đã suy yếu đến mức ông không thể bước đi liên tục, mà phải dừng lại sau mỗi 4-5 bước để lấy hơi. Dù là mùa hè, nhưng ông vẫn phải mặc áo khoác để tránh cảm lạnh. Một trận cảm cúm thông thường cũng đủ khiến ông Wang gục ngã.

Phóng viên của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) miêu tả ông Wang luôn phát ra tiếng khò khè khi hít thở, và nhịp thở của ông nặng nhọc đến mức có thể nhìn thấy rõ qua sự chuyển động của xương sườn.

Chỉ trong năm ngoái, ông Wang đã sụt 15kg và suy yếu đi nhiều, nhưng ông vẫn gắng gượng di chuyển từ quê nhà Sangzhi đến phía Nam thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, để kêu gọi chính quyền địa phương giúp đỡ cho những trường hợp như ông.

Ông Wang cho biết ông đã tham gia xây dựng những tòa nhà chọc trời ở thành phố Thâm Quyến kể từ năm 2004 đến nay, và phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình: "Tôi đã trả giá đắt khi làm việc tại Thâm Quyến. Nếu biết trước rằng sử dụng máy khoan khí nén nguy hiểm đến thế, thì tôi sẽ không bao giờ nhận công việc này, kể cả khi tôi không còn xu nào dính túi".

Tháng 5 năm ngoái, ông Wang được chẩn đoán mắc chứng bệnh bụi phổi silic giai đoạn cuối do thời gian dài tiếp xúc với bụi silic tại các công trường xây dựng. Tuy vậy, ông không hề gục ngã, mà càng thêm quyết tâm đấu tranh đòi quyền lợi cho mình và những người chung cảnh ngộ.

Trước đây, thành phố Thâm Quyến của tỉnh Quảng Đông từng là một khu vực kém phát triển. Theo SCMP, để có được sự phát triển thần kì về cơ sở hạ tầng, và biến Thâm Quyến thành nguồn thu dồi dào của chính phủ như hiện nay (338 tỉ USD - theo số liệu năm 2017), rất nhiều công nhân Trung Quốc đã phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình.

Ông Wang là một trong số hơn 600 công nhân từ tỉnh Hồ Nam trong phong trào đòi tiền đền bù để chi trả chi phí thuốc thang và hỗ trợ cho gia đình của họ.

Phép màu kinh tế Thâm Quyến: Sự đánh đổi quá đắt từ máu và nước mắt của người TQ - Ảnh 2.

Ông Zhong Pingxie là một trong những công nhân mắc bệnh bụi phổi silic giai đoạn 3. Ảnh: Handout/SCMP.

Ông Gu Fuxiang, một cựu công nhân 51 tuổi mắc chứng bệnh bụi phổi silic giai đoạn 2, khẳng định Thâm Quyến không thể có được thành tựu như ngày hôm nay "nếu không có sự đóng góp của những bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi silic như chúng tôi".

Người anh trai của ông Gu cũng từng làm việc tại các công trường xây dựng, và đã qua đời ở tuổi 51 vì căn bệnh quái ác này. Em trai của ông Gu cũng đang bị nghi nhiễm bụi silic, và đang chờ kết quả xét nghiệm của bệnh viện.

"Tôi thực sự rất cần số tiền này", ông Gu nói. "Tôi cần nó để giúp đỡ cha mẹ, chi trả học phí cho các con và để trả nợ. Thời gian của tôi chẳng còn nhiều nữa rồi. Giờ tôi đang phải lo chuyện hậu sự cho chính mình".

Chứng bụi phổi silic là một biến chứng nan y của bệnh bụi phổi. Đây là một trong những chứng bệnh lao động phổ biến, do người bệnh hít phải quá nhiều bụi silic trong không khí.

Các đồng nghiệp của ông Wang và ông Gu cho biết, những người vận hành máy khoan khí nén thường được trả công từ 29-44 USD/ngày, cao hơn gấp 3 lần so với những công việc khác tại công trường.

Thông thường, các công nhân đến từ tỉnh ngoài sẽ nhận công việc này. Khắp Trung Quốc hiện nay có khoảng 287 triệu người như vậy.

Kể từ thập niên 90, những người lao động từ tỉnh Hồ Nam - các thành phố như Leiyang, Miluo, Zhangjiajie và Sangzhi - đã tràn đến các thành phố khác như Thâm Quyến. Họ thường nhận việc khoan móng trên các công trường xây dựng vì có thể nhận được khoản tiền công lớn hơn.

Tuy nhiên, đến những năm 2000, rất nhiều người trong số đó bắt đầu có dấu hiệu đổ bệnh, thậm chí là qua đời do ảnh hưởng từ công việc xây dựng.

Bệnh bụi phổi là căn bệnh lao động có số người nhiễm phải nhiều nhất, thông thường là những người thợ mỏ. Tuy nhiên, hơn 6 triệu công nhân Trung Quốc cũng mắc phải căn bệnh này.

"Rất nhiều người trong số đó nhiễm bụi silic do không sử dụng đồ bảo hộ lao động trong quá trình làm việc", ông Geoffrey Crothall, phát ngôn viên của một tổ chức đấu tranh vì quyền lợi của người lao động Trung Quốc tại Hồng Kông, cho biết.

Theo ông Gu, năm ngoái các quan chức y tế của tỉnh Hồ Nam đã tiến hành khám sức khỏe cho công nhân, và có thêm nhiều trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh bụi phổi silic.

Giáo sư Pun Ngai, một chuyên gia nghiên cứu về lao động Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông, cho biết nhiều người không tham gia phong trào vận động từ năm 2009 vì họ vẫn thấy mình khỏe mạnh. Tuy nhiên nhiều trường hợp mới đã được phát hiện trong 2 năm gần đây, có lẽ là do tính chất ủ bệnh lâu dài của căn bệnh này.

Bất cập trong các điều khoản hợp đồng và thủ tục pháp lý

Mãi tới tháng 9 năm nay, chính quyền Thâm Quyến mới chịu cam kết sẽ đẩy nhanh quy trình đền bù cho nhóm 227 công nhân có hợp đồng lao động với các chủ thầu xây dựng.

Trong thực tế, các cuộc vận động của người công nhân Trung Quốc chỉ đem lại cho họ một số tiền quyên góp rất nhỏ, bởi hầu hết trong số đó đều không có đủ giấy tờ để chứng minh họ từng làm việc tại các công trường xây dựng trước khi đổ bệnh.

Ông Crothall cho biết, quả thực những người công nhân này có thể làm đơn kiện, nhưng các thủ tục pháp lý thường tốn rất nhiều thời gian, và để làm được điều đó, họ bắt buộc phải có các giấy tờ chứng minh như hợp đồng lao động.

"Rất nhiều người không thể đưa ra các bằng chứng xác thực bằng văn bản", ông Crothall nói. "Một số người có thẻ lao động từ thập niên 90, tuy nhiên đối với các bệnh lao động, thì luật pháp quy định họ phải nộp đơn khiếu nại trong vòng 1 năm sau khi phát hiện mắc bệnh".

"Do đó những thủ tục pháp lý hiện hành hầu như không thể giúp ích cho họ... Họ chỉ còn lựa chọn duy nhất là kêu gọi chính quyền thành phố Thâm Quyến làm điều đúng đắn", theo ông Crothall.

Ông Wang Yuehua, 50 tuổi, một cựu công nhân mắc bệnh bụi phổi silic giai đoạn 3, cho rằng số người mắc căn bệnh này sẽ còn tiếp tục tăng lên.

"Bây giờ đã là năm 2018, vậy mà những công việc nguy hiểm như vậy vẫn tồn tại", ông Wang nói. "Chẳng có chút tiến bộ nào cả. Rất nhiều người lao động Trung Quốc tiếp tục mắc phải căn bệnh bụi phổi. Chính quyền [Thâm Quyến] thì vẫn chưa thấy tiến triển gì.

Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm. Nếu việc vận động ở [Thâm Quyến] thất bại, thì chúng tôi sẽ kêu gọi chính quyền tỉnh Quảng Đông. Nếu tiếp tục thất bại, thì chúng tôi sẽ gửi khiếu nại đến Bắc Kinh".

Phép màu kinh tế Thâm Quyến: Sự đánh đổi quá đắt từ máu và nước mắt của người TQ - Ảnh 5.

Nhóm những người công nhân xây dựng mắc căn bệnh bụi phổi tại Trung Quốc. Ảnh: Handout/SCMP.

Ông Pun cho rằng chính vì các bên không thực hiện nghiêm túc luật lao động, nên mới dẫn đến tình trạng quyền lợi của những công nhân Trung Quốc không được đảm bảo.

Nghiên cứu trong năm 2016 của nhóm Love Save Pneumoconiosis cho thấy chỉ 9,5 % trong số những người lao động nhiễm bụi phổi có hợp đồng lao động với công ty của họ. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để làm thủ tục chứng minh lao động và đòi đền bù cho căn bệnh bụi phổi quái ác.

Ông Zhong Jiaquan, 46 tuổi, một công nhân mắc bệnh bụi phổi silic giai đoạn 3, cho biết các phòng khám ở Thâm Quyến thậm chí còn từ chối khám bệnh cho những người không có giấy tờ hay hợp động lao động.

Bên cạnh những thủ tục pháp lý bất cập, những người lao động này còn đang phải chạy đua với thời gian. Rất nhiều người từng làm việc chung với ông Wang đã qua đời, và những người còn sống sót thì đang phải chật vật với căn bệnh ác tính và khoản tiền viện phí khổng lồ đè nặng trên vai những người thân của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại