Phe ủng hộ cấm vận Nga đang thất thế tại EU

Anh Tuấn |

Theo một số thông tin, Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng ý kéo dài lệnh cấm vận kinh tế đối với Nga thêm sáu tháng nữa, song ngày càng có nhiều người đã bày tỏ mong muốn dỡ bỏ hoặc nới lỏng lệnh trừng phạt này.

Vào năm 2014, EU đã áp đặt ba lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi Crimea sáp nhập vào Nga và xung đột ở Ukraine xảy ra. Tất cả các vòng cấm vận đối với Moscow đã được kéo dài thêm 6 tháng nữa.

Trong khi đó, nhiều người bày tỏ những nghi ngại về tính hiệu quả của lệnh trừng phạt trên. Một số quan chức ngoại giao Hy Lạp, Hungary, Bulgaria, Slovakia và đảo Cyprus nhiều lần kêu gọi nới lỏng lệnh cấm vận đối với Nga.

Tuần trước, Thủ tướng Ý Matteo Renzi có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg rằng ông muốn bàn về lệnh cấm vận với Nga một cách kỹ càng hơn nữa.

Thêm vào đó, trong một buổi phỏng vấn với báo giới, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết châu Âu không nên tự động kéo dài lệnh trừng phạt mà nên tăng cường đối thoại với Nga.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cũng kêu gọi EU có những biện pháp tích cực hơn đối với Nga.

Gân đây, Văn phòng Ngoại thương Nga – Đức đã tiến hành một khảo sát đối với 800 công ty Đức. Kết quả cho thấy, hơn 80% số doanh nghiệp tin rằng lệnh cấm vận hoàn toàn không hiệu quả và 60% bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các lệnh này.

Kim ngạch thương mại giữa Nga và Đức đã giảm xuống từ 80 tỉ euro vào năm 2012 xuống còn 50 tỉ euro.

“Lệnh cấm vận thực chất là một sự bế tắc chính trị. Chúng ta cần phải đối thoại với Nga, như thế mới phù hợp với lợi ích của Đức và EU cũng như có lợi cho nền kinh tế Nga”, ông Rainer Zele, người đứng đầu Văn phòng Ngoại thương Nga – Đức cho biết.

Giáo sư Dmitry Travin thuộc Đại học Châu Âu tại thành phố St. Petersburg (Nga) cho biết, lệnh cấm vận không thể buộc Nga thay đổi chính sách của mình, do đó EU mới quyết định kéo dài thời hạn của lệnh này.

“Mặt khác, nước Nga hiện rất ổn định bởi người dân ủng hộ chính sách của chính phủ. Điều này cho thấy lệnh cấm vận không thực sự phát huy tác dụng và cần phải được dỡ bỏ”, ông Travin nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại