Thông tin bí mật
Trong đoạn tweet được đăng tải vào tối ngày 12/8 (giờ Mỹ), ông Trump cho rằng Mỹ đang có "những tên lửa tiên tiến hơn" của Nga. Thông điệp này được đưa ra giữa lúc một vụ nổ tên lửa vừa xảy ra ở Nga khiến 5 chuyên gia của tập đoàn hạt nhân Rosatom thiệt mạng.
"Mỹ đang học được rất nhiều điều từ vụ nổ tên lửa ở Nga. Chúng tôi có những công nghệ tương đương - nhưng tiên tiến hơn - của họ. Vụ nổ "Skyfall" đã khiến người dân lo ngại về bầu không khí xung quanh cơ sở này, và những khu vực xa hơn nữa. Không tốt chút nào!" - ông Trump viết.
Được biết, vụ nổ đã khiến mức phóng xạ tăng đột biến, nhưng các quan chức nói không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Công nghệ mà Nga đang thử nghiệm được Rosatom mô tả là "nguồn năng lượng đồng vị hạt nhân" cho động cơ tên lửa. Chi tiết về vụ tai nạn được các nhà chức trách Nga cập nhật liên tục kể từ thời điểm phát sinh vụ việc.
Lời khẳng định của ông Trump cho rằng Mỹ đang có "công nghệ tương tự nhưng tiên tiến hơn của Nga" đã khiến các chuyên gia quốc phòng bối rối. Một mặt, đây được coi là hành vi tiết lộ bí mật quân sự và mặt khác, nó đi ngược lại cam kết rằng Mỹ đã dừng nghiên cứu các loại công nghệ như vậy từ năm 1964.
Nếu tweet của ông Trump chính xác, điều đó cho thấy Mỹ hiện đã sở hữu công nghệ đáng nhẽ phải bị hủy bỏ cách đây nửa thế kỉ. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng ông Trump đã hé lộ những thông tin tuyệt mật về loại vũ khí mà quân đội Mỹ đang nắm giữ.
Ông Putin thông báo về chương trình phát triển tên lửa hành trình hạt nhân. Ảnh: Marat Abulkhatin/TASS via Getty Images
Trong khi đó, một số chuyên gia quân sự cho rằng có thể ông Trump không nói thật.
Joe Cirincione, chủ tịch của Quỹ Ploughshares về Không phổ biến Hạt nhân và là tác giả của cuốn "Cơn ác mộng Hạt nhân" chia sẻ: "Thật lạ lùng. Mỹ không có chương trình cho tên lửa hành trình hạt nhân. Mỹ đã thử chế tạo loại vũ khí này vào những năm 1960, nhưng đó là điều quá điên rồ, không thực tế và quá tàn bạo, thậm chí nếu đặt trong bối cảnh những năm tháng Chiến Tranh Lạnh."
Giải thích với MSNBC, ông Cirincione cho biết Mỹ đã từng theo đuổi "Dự án PLUTO", một tên lửa có thể chứa lò phản ứng hạt nhân không có lớp bảo vệ và phát ra phóng xạ trên quỹ đạo bay của nó. Các nhà nghiên cứu đã kết luận loại vũ khí này "quá tàn nhẫn, quá điên rồ, quá lố bịch" và không cần thiết, như ông Cirincione đã mô tả ở trên.
Chương trình Skyfall của Nga được cho là có một chút khác biệt. Cụ thể, tên lửa Nga sẽ không phát ra phóng xạ khi bay. Tuy nhiên, khi phát nổ, phóng xạ vẫn được giải phóng trên một khu vực rộng.
Lo ngại của chuyên gia
Mặc dù Mỹ không có nhiều khả năng bí mật theo đuổi loại công nghệ này, nhưng một số chuyên gia an ninh quốc gia vẫn quan ngại rằng ông Trump đang nói thật.
Stephen Schwartz, một học giả cấp cao tại Tổ chức Các nhà khoa học Nguyên tử, tỏ ra nghi ngờ về lời nói của ông Trump. Nhưng ông cho rằng nếu Mỹ thực sự theo đuổi loại công nghệ này, thì đã phải là "một chương trình rất bí mật".
Cũng như ông Cirincione, ông Schwartz cho rằng Dự án PLUTO trong quá khứ rất "không cần thiết, ngớ ngẩn và cực kì độc hại".
Dòng tweet của ông Trump cũng khiến những học giả về chính sách đối ngoại như Michael McFaul, cựu đại sứ tại Nga và David Burbach, phó giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ quan ngại.
"Thật là một ý tưởng tồi khi ông Trump nói với thế giới rằng Mỹ có siêu vũ khí hạt nhân bí mật và chúng ta đã nói dối về điều đó trong nhiều năm. Đặc biệt là khi chúng ta không thực sự sở hữu chúng, mà gần như chắc chắn là không rồi," ông Burbach viết.
"Chúng ta có công nghệ tương tự ư? Tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân? Tôi còn không biết tới chương trình đó khi tôi làm việc tại Ủy ban An ninh Quốc gia. Ai đó cho tôi biết rõ hơn được không?" - ông McFaul lên tiếng.