Việc thiếu vắng của một bên quan trọng trong cuộc chiến tại Syria sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực lớn của Nga phối hợp với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 7 năm qua tại Syria.
Phát biểu sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ 9 về hòa bình Syria do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Vienna (Áo), người phát ngôn Ủy ban Đàm phán Syria (SNC) Yahya al-Aridi cho biết, chính phủ Syria và Nga không đưa ra các cam kết cần thiết và hội nghị tại Sochi là bước đi nhằm hủy hoại nỗ lực của Liên Hợp Quốc làm hòa giải cho một thỏa thuận hòa bình Syria.
Ông Yahya al-Aridi nhấn mạnh: “Hội nghị Sochi có thể là một bức tranh gửi tới thế giới rằng người dân Syria đang hòa giải. Tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu rằng có một nghị quyết chính trị 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần được thực hiện và các cuộc đối thoại hòa bình tại Geneva vẫn đang diễn ra”.
Trước đó, hàng chục nhóm đối lập ở Syria cũng đã từ chối tham gia Đại hội đối thoại dân tộc ở Sochi. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, khoảng 1.600 người đã được mời tới khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen của Nga. Chính phủ Syria sẽ cử 680 đại biểu tới tham dự Đại hội Đối thoại dân tộc nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về một hiến pháp thời hậu chiến cho Syria.
Tuy nhiên, việc lực lượng đối lập không tham dự sẽ tác động không nhỏ đến hiệu quả của hội nghị lần này. Liên Hợp Quốc hiện vẫn chưa đưa ra quyết định có tham gia đại hội này hay không. Trong một tuyên bố, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cho biết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ đưa ra quyết định đối với lời mời tham dự Đại hội đối thoại dân tộc tại Sochi.
Việc chuẩn bị cho Hội nghị Sochi được xúc tiến trong bối cảnh vòng đàm phán do Liên Hợp Quốc chủ trì diễn ra tại Vienna (Áo). Tuy nhiên vòng đàm phán thứ 9 do Liên Hợp Quốc bảo trợ tiếp tục bế tắc trong chương trình nghị sự khi, Mỹ, Jordan, Anh, Pháp và Saudi Arabia đã trình Đặc phái viên Mistura một văn kiện do các nước này soạn thảo, trong đó kêu gọi một "cách tiếp cận thiết thực" đối với tiến trình chính trị do Liên Hợp Quốc bảo trợ.
Phe đối lập ủng hộ văn kiện này nhưng Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria bác bỏ văn kiện này, coi văn kiện này là "hoàn toàn không thể chấp nhận".
Một số nước phương Tây hiện vẫn đặt ra câu hỏi về sáng kiến hòa bình của Nga, đang nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, có thể làm trệch tiến trình đối thoại hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ về Syria hay không. Tuy nhiên, với những kết quả cuộc đối thoại do Liên Hợp Quốc bảo trợ vẫn không có bước tiến, hội nghị tại Nga sẽ là một phép thử mới cho cam kết của tất cả các bên đối với một giải pháp chính trị hơn là giải pháp quân sự.
Phe đối lập Syria tuyên bố không tham dự hội nghị hòa bình tại Sochi VOV.VN - Đó là thông báo vào sáng ngày 27/1 của ông Yahya al-Aridi, người phát ngôn phái đoàn đối lập Syria tại vòng hòa đàm do Liên Hợp Quốc tổ chức ở Vienna.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura hôm qua cũng thừa nhận những bế tắc hiện nay và kêu gọi các bên cần đối thoại với ý nguyện chính trị giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
“Tôi thực sự lo ngại về tình hình trên tất cả các phương diện chính trị, an ninh, nhân đạo và nhân quyền tại Syria. Điều quan trọng đó là chấm dứt tất cả bạo lực, khôi phục đầy đủ chủ quyền Syria và toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất, độc lập vì nguyện vọng hợp pháp của người dân Syria thông qua một tiến trình do người dân Syria tự quyết định và sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc. Đây là thời điểm để đàm phán, đối thoại được thúc đẩy vì lợi ích của người dân Syria”, ông Mistura nói.
Giới quan sát nhận định, cơ hội hòa bình cho Syria đang nhen nhóm từ Geneva, rồi Astana và bây giờ đến Sochi của Nga. Nếu hội nghị sắp tới đưa ra một kết quả cụ thể sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của Nga là một nhà hòa giải hòa bình không chỉ tại Syria mà còn cả ở Trung Đông nói chung- một vai trò mà vốn do người Mỹ nắm giữ bấy lâu nay./.