Trên thực tế đã xảy ra nhiều ca biến chứng khi thực hiện các thủ thuật liên quan đến nâng ngực. Vấn đề này đã được cảnh báo với những hậu quả để lại hết sức nặng nề.
Thời gian qua, khoa Tạo hình - Thẩm mỹ BV Đại học Y dược TP.HCM tiếp nhận, điều trị cho chị N.N.H. (34 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến khám trong tình trạng sưng và biến dạng ngực trái. Chị H. cho biết đã phẫu thuật nâng ngực vào đầu tháng 2/2020 tại một cơ sở thẩm mỹ do người quen giới thiệu.
Ngay sau phẫu thuật, chị thấy khó chịu, sưng đau nhiều vùng ngực trái. Khi trao đổi với người thực hiện, người này cho biết hiện tượng sưng đau không đáng lo ngại, chỉ vài ngày sẽ hết.
Tuy nhiên hơn một tuần sau, chị vẫn thấy đau âm ỉ ở ngực và nách trái. Dù cơn đau vùng ngực càng ngày càng tăng, nhưng chị H. vẫn ngại việc đến bệnh viện khám. Khi các cơn đau ngày càng nghiêm trọng, chị lo sợ mình có thể bị ung thư vú nên mới đến khám.
Qua quá trình thăm khám cho thấy: Túi ngực bên trái của người bệnh bị vỡ hoàn toàn và không phải là vật liệu được Bộ Y tế cấp phép trong phẫu thuật nâng ngực. Các bác sỹ đã thực hiện phẫu thuật lấy bỏ túi ngực ở cả hai bên.
Sau khi làm sạch, lấy hạch và bao xơ quanh túi ngực làm sinh thiết lạnh (giải phẫu bệnh tức thời), kết quả cho thấy sức khỏe của chị H. bình thường, chị được đặt túi ngực mới theo nguyện vọng.
Đây chỉ là một trong những trường hợp biến chứng do nâng ngực tại các cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ quan niệm sai lầm của chị em phụ nữ khi cho rằng phẫu thuật nâng ngực khá đơn giản, không có nhiều rủi ro.
Vì vậy, không ít người tìm đến các dịch vụ làm đẹp vùng ngực giá rẻ mà không tìm hiểu về uy tín của cơ sở thẩm mỹ hay trình độ chuyên môn của người thực hiện; trong đó có nhiều trường hợp bệnh nhân không được may mắn như chị H khi được phát hiện, điều trị đúng, kịp thời. Nhiều trường hợp bệnh nhân phải chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng như chảy máu, nhiễm trùng, sẹo lồi… thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Phẫu thuật nâng ngực là giải pháp giúp chị em phụ nữ tự tin hơn với “vòng 1” đầy đặn. Tuy nhiên, việc thực hiện các phẫu thuật này hoàn toàn không đơn giản như nhiều người tưởng. Để có thể thực hiện được phẫu thuật nâng ngực, chị em phụ nữ nên được tư vấn bởi bác sĩ có trình độ chuyên môn, có chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Đặc biệt, cần quan tâm đến nguồn gốc, giấy phép của các vật liệu khi độn, bơm tiêm trực tiếp vào cơ thể để đảm bảo độ an toàn và thẩm mỹ cho chính mình.
Những biến chứng thường gặp liên quan đến nâng ngực:
NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI CÁC TAI BIẾN KHI TẠO HÌNH NGỰC:
Phẫu thuật ở nơi không có điều kiện an toàn về vô trùng, trang thiết bị không đảm bảo; chất liệu nguồn gốc không rõ ràng, kém gây dễ vỡ; thứ 3 do là kỹ thuật viên không có chuyên môn.
Hai ngực không cân xứng:
Là tình trạng một bên vú có kích thước, hình dáng và vị trí khác với bên còn lại. Ngoài ra, vị trí của núm và nếp vú cũng có thể nằm lệch nhau. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn tác động đến sức khỏe của chị em.
Biến chứng nhiễm trùng:
Nhiễm trùng có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng đến kết quả cuối cùng thẩm mỹ của phẫu thuật, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đến sức khỏe tính mạng của bệnh nhân. Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là do phòng mổ không đảm bảo điều kiện vô trùng, dụng cụ y tế không được vệ sinh kỹ lưỡng… cũng như các thao tác chăm sóc sau phẫu thuật không đảm bảo.
Biến chứng tụ máu:
Tụ máu sau mổ là biến chứng sau khi nâng ngực do quá trình làm tổn thương mạch máu dẫn đến tích tụ máu quanh vết thương. Biểu hiện cụ thể là xuất hiện những vết bầm tím quanh ngực, vết thương không lành và dịch máu chảy ra bên ngoài.
Một số trường hợp biến chứng sau nâng ngực không xuất hiện ngay trong thời gian đầu phẫu thuật. Nhiều trường hợp phẫu thuật nâng ngực gặp biến chứng sau 1,2 năm, thậm chí lâu hơn sau quá trình nâng ngực. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cũng như thẩm mỹ, người thực hiện nâng ngực cần gặp bác sĩ định kỳ để thăm khám, kiểm tra sau phẫu thuật để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường nếu có.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LƯU Ý, KHI QUYẾT ĐỊNH PHẪU THUẬT THẨM MỸ VÙNG NGỰC:
1. Chọn cơ sở có giấy phép hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, được phép thực hiện phẫu thuật ngực.
2. Tư vấn đúng bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ.
3. Tư vấn kết quả và tất cả các rủi ro có thể xảy ra trong và sau mổ.
4. Hiểu rõ phương pháp phẫu thuật, đảm bảo độ an toàn của các vật liệu đặt trong ngực. Túi độn phải có giấy phép của Bộ Y tế, được cung cấp chính thức từ các bệnh viện, không phải hàng xách tay.
5. Cơ sở, vật chất của nơi thực hiện phải đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế.
6. Ngoài phẫu thuật viên chính, cần quan tâm đến đội ngũ gây mê – hồi sức tại cơ sở thực hiện.
7. Phẫu thuật viên có chuyên môn, tay nghề cao, đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật, kết quả thẩm mỹ tốt.
8. Chăm sóc, theo dõi và tập vận động theo hướng dẫn của phẫu thuật viên.