Sáng 28/9, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Trong đó, có Nghị định số 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 28/9 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, thay thế Nghị định 176.
Điều 30 Nghị định số 117 quy định cụ thể các mức phạt hành nhằm chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia.
Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu bia tại địa điểm không được uống rượu, bia theo quy định của pháp luật (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc); xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia.
Phạt tiền từ 1 triệu - 3 triệu đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Ép buộc người khác uống rượu bia.
Bên cạnh đó, tại Điều 34 Nghị định cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, với mức phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức;
Không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành… Từ 15/11/2020, tổ chức nhậu tại cơ quan, sếp trưởng bị phạt đến 5 triệu đồng.
Cảnh báo tác hại của rượu bia, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, gánh nặng của bệnh không lây nhiễm đang là trở ngại lớn cho ngành y tế và sự phát triển của đất nước.
Trong đó, việc sử dụng bia rượu là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh không lây nhiễm. Theo WHO, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác.
“Uống rượu bia gây ra hậu quả cấp tính và mãn tính, với tác hại cho cả người uống, người xung quanh và cả cộng đồng xã hội, như gây chấn thương, gây tai nạn sau khi sử dụng hay ngộ độc bia rượu và một số tác hại khác diễn ra từ từ, kéo dài gây tổn hại mãn tính đối với sức khỏe như bệnh ung thư, bệnh tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do người mẹ sử dụng bia rượu.
Hay các vấn đề xã hội lâu dài như các tác hại với gia đình, phá vỡ mối quan hệ trong gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số”, ông Tuyên nói.
Do ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng, nên bia rượu là loại hàng hóa được hầu hết các nước đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.
Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu bia, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong việc phòng chống các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh không lây nhiễm, phòng chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm… góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của bia rượu gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội và đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật hoàn chỉnh đối với những vấn đề về phòng chống tác hại của rượu bia, đồng thời đây là đạo luật khó cả trong xây dựng và tổ chức thực hiện do liên quan đến thói quen và hành vi tiêu dùng của người dân.
Do vậy, ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công thương đã tích cực xây dựng các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành và xử lý các hành vi vi phạm… góp phần tạo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về phòng chống tác hại của rượu bia./.