Hướng tới 100% xe không phát thải
Theo dự báo của BloombergNEF (BNEF), xu hướng ô tô điện sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới, nếu doanh số ước tính năm 2021 tăng gần 70%, vượt mốc 5 triệu xe thì con số đó tiếp tục tăng và đạt mốc 30 triệu xe bán ra vào năm 2028, tỷ trọng xe điện sẽ đạt 48% tổng số xe ô tô thương mại bán ra vào năm 2030. Doanh số tăng trưởng mạnh liên tục được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sự phổ biến của các dòng ô tô điện, hướng tới mục tiêu 100% xe không phát thải vào năm 2050.
Theo Global EV Outlook 2021, có thể nói năm 2020 là một năm quan trọng đối với xe điện, khi nguồn cung ô tô điện toàn cầu đạt 10 triệu chiếc, cao hơn 41% so với năm 2019. Châu Âu chứng kiến thị phần đăng ký xe điện mới cao vào năm 2020 với 1,4 triệu lượt đăng ký, tiếp theo là Trung Quốc với 1,2 triệu xe và Hoa Kỳ 295.000 xe.
Sự gia tăng đăng ký ô tô điện ở châu Âu có thể do các biện pháp kích thích của chính phủ đưa ra. Ngoài ra, Đức cũng đăng ký gần 300.000 xe điện, Vương quốc Anh đạt 176 000 xe điện... Nhìn chung, sự phát triển toàn cầu của doanh số và thị phần xe điện tăng trưởng trong 2 năm gần đây. Đặc biệt, hơn 100 thành phố ở châu Âu bắt đầu vận hành xe tay ga điện tử kể từ tháng 7/2020, sự tập trung lớn của xe hai/ba bánh chạy điện do tư nhân sở hữu là ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, chiếm 99% số lượng đăng ký. Trên toàn cầu, hiện có khoảng 290 triệu xe điện hai/ba bánh.
Hãng Hyundai giới mẫu xe ô tô điện IONIQ tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/8/2020. Ảnh minh họa: YONHAP/TTXVN.
Bên cạnh đó, xe buýt điện cũng chứng kiến sự gia tăng phổ biến vào năm 2020 với nguồn cung xe buýt điện toàn cầu đạt hơn 600.000 xe. Trung Quốc đã đăng ký 78.000 xe buýt điện mới trong năm qua, giữ vị trí thống trị thị trường của họ. Chile cũng là một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đội xe buýt điện với mục tiêu điện khí hóa tất cả các phương tiện giao thông công cộng vào năm 2040. Ở các nước thuộc Liên minh châu Âu, chỉ thị về phương tiện sạch cũng cung cấp việc mua sắm công cộng xe buýt điện.
Các chuyên gia dự báo, đến năm 2030, lượng xe điện toàn cầu (không bao gồm xe hai/ba bánh) sẽ đạt gần 145 triệu xe và sẽ chiếm 7% đội xe toàn cầu, dự báo có thể "tham vọng" hơn với việc 30% tất cả các loại xe sẽ chạy bằng điện vào năm 2030.
Sự bùng nổ của xu hướng ô tô điện là nhờ ảnh hưởng của nhiều yếu tố như giá bán và chi phí vận hành, chính sách về môi trường khi mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó sự hỗ trợ từ chính phủ thực hiện mục tiêu tại COP26, khiến các nhà sản xuất cũng thay đổi chiến lược...
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí toàn cầu khiến nhiều quốc gia phải siết chặt các tiêu chuẩn về khí thải của các phương tiện cơ giới, trong đó có xe ô tô. Vì vậy, nhiều quốc gia đã có kế hoạch “khai tử” các dòng xe hơi sử dụng động cơ đốt trong và khuyến khích việc sản xuất, sử dụng xe không phát thải như ô tô điện.
Do đó, nhiều nước trên thế giới như các nước thành viên EU, Trung Quốc, Na Uy, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... đang có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hãng sản xuất và người mua xe điện. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có quy định rõ ràng nhưng Chính phủ cũng đang xem xét áp dụng một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người dùng sử dụng xe 100% không phát thải như xe bus, ô tô điện.
Các "gã khổng lồ" công nghệ tham gia thị trường
Xu hướng ô tô điện đã tạo nên sự dịch chuyển cơ cấu của ngành công nghiệp ô tô hiện nay khi các hãng sản xuất xe hơi và công nghiệp phụ trợ cũng bắt đầu thay đổi chiến lược để phù hợp với xu thế mới. Xe ô tô điện đang ngày càng chứng tỏ ưu thế trong ngành công nghiệp ô tô khi có được bước tăng trưởng nhảy vọt trong vài năm gần đây. Không chỉ các hãng sản xuất xe ô tô, các “gã khổng lồ” công nghệ cũng bắt đầu tham gia vào thị trường khiến xu hướng ô tô điện có triển vọng hơn bao giờ hết.
Với triển vọng của xu hướng ô tô điện trong tương lai, các hãng sản xuất xe hơi đã có chiến lược dịch chuyển cơ cấu sản xuất, tập trung vào nghiên cứu, sản xuất các dòng xe điện. Volkswagen, GM, Mercedes, Ford, Audi và 29 hãng xe khác đã có kế hoạch đầu tư khoảng 500 tỷ USD trong vòng 5 - 10 năm tới để sản xuất các mẫu xe điện và lai điện.
Bên cạnh đó, sự tham gia của “gã khổng lồ” công nghệ vào thị trường tiềm năng này dự kiến sẽ tạo nên bước đột phá cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện. Trong tương lai, những chiếc xe hơi chạy điện không chỉ có khả năng tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải, mà còn có thể tự vận hành, kết nối với đường phố và điều kiện xung quanh bằng hệ thống cảm biến phức tạp. Đó là sự khởi đầu cho sự phát triển của các dòng xe điện có chức năng tự lái.
Các chuyên gia năng lượng cho rằng tham vọng và vai trò ngày càng sâu, rộng đối với thị trường xe ô tô điện của các hãng công nghệ lớn như Apple, Amazon, Google, Foxconn, Alphabet, Huawei, Xiaomi... chắc chắn sẽ tạo nên một kỷ nguyên mới cho ngành sản xuất ô tô nói chung và ô tô điện nói riêng.
Một trong những cái tên đáng chú ý nhất trong danh sách những tập đoàn, công ty công nghệ lớn đang tìm cách sản xuất xe điện là Apple. Với đầy đủ tiềm lực từ tài chính tới công nghệ, Apple được xem là đối thủ “xứng tầm” với Tesla khi lấn sân vào ngành công nghiệp sản xuất xe ôtô tự hành chạy điện.
Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị viễn thông, hãng điện thoại đứng thứ ba thế giới sau Apple và Samsung, từng là đối trọng một thời của Apple trong mảng kinh doanh thiết bị điện tử. Nay Huawei cũng đã tham gia vào lĩnh vực kinh doanh ôtô và hành động này được cho là để bù đắp vào mảng kinh doanh điện thoại thông minh bị giảm sút do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hiện Huawei đã có chiếc ôtô đầu tiên khi hợp tác cùng Cyrus, nhưng Huawei Seres SF5 cũng chưa phải là xe thuần điện hoàn toàn. Mẫu ôtô điện đầu tiên của Huawei được giới thiệu tại Triển lãm ôtô Thượng Hải 2021, được trang bị máy xăng 1.5l kết hợp cùng 2 mô-tơ điện, một dạng động cơ hybrid để làm tiền đề cho các sản phẩm xe điện tiếp theo.
Cũng tiếp bước Huawei, Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Xiaomi chính thức gia nhập thị trường xe điện khi thành lập Công ty sản xuất xe điện với tên gọi Xiaomi EV Inc với số vốn 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,55 tỷ USD) và dự kiến tăng vốn đầu tư lên khoảng 10 tỷ USD trong thập kỷ này để xây dựng vị thế trong ngành xe điện.