Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 sau 3 ngày làm việc đã kết thúc. Tại cuộc đối thoại lần này, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm chính là thái độ của Mỹ cũng như của Trung Quốc trước những tranh chấp tại Biển Đông.
Đồng thời, dư luận cũng hết sức "ấn tượng" với việc Trung Quốc phát tờ rơi xuyên tác sự thật ngay tại Đối thoại.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế (CSSD), nguyên đại sứ Việt Nam tại 5 quốc gia, về vấn đề này.
***
PV: Tại đối thoại, Mỹ đã tuyên bố hành động bất hợp pháp của TQ sẽ châm ngòi cho "những hành động" của Mỹ và các quốc gia khác.
Và phía TQ, ông Tôn Kiến Quốc cũng tuyên bố đầy thách thức: "Trung Quốc không gây rắc rối, nhưng Trung Quốc cũng không ngại rắc rối".
Dưới góc độ một nhà bình luận, ông đánh giá như thế nào về hai tín hiệu được phát đi từ đại diện của hai nước Mỹ - Trung?
Ông Nguyễn Ngọc Trường: Cả hai bên tuyên bố như vậy cho thấy Trung Quốc sẽ không theo luật pháp quốc tế, còn Mỹ thì sẽ tuân theo luật pháp quốc tế. Và Mỹ sẽ có hành động đáp trả nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn ở Biển Đông làm ảnh hưởng đến an ninh hàng hải ở khu vực này.
Phát biểu của Trưởng đoàn Trung Quốc Tôn Kiến Quân tham dự Shangri-La lần này
PV: Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những hành động Mỹ có thể đáp trả lại các hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc?
Ông Nguyễn Ngọc Trường: Dự đoán về hành động của Mỹ thì khó nhưng chúng ta có thể nhìn ra những điểm yếu của Trung Quốc hiện nay.
Một điểm yếu của Trung Quốc hiện nay ai cũng có thể thấy đó chính là Đài Loan. Mỹ hoàn toàn có thể bán vũ khí cho Đài Loan, đưa tàu đến thăm Đài Loan và thậm chí mời Đài Loan gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc Mỹ tăng cường quan hệ với Đài Loan cũng chính là một cách đáp trả Trung Quốc.
Thêm nữa, lãnh đạo Đài Loan hiện nay (bà Thái Anh Văn-PV) lại là người vốn không mặn mà với Bắc Kinh nên những hành động tăng cường quan hệ với Đài Loan sẽ càng khiến Trung Quốc đại lục khó chịu.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng còn rất nhiều điểm yếu khác, trong đó có mâu thuẫn nội bộ các khu vực của chính nước này.
PV: Thưa ông, còn các nước khác thì sao, họ sẽ có động tĩnh gì nếu Trung Quốc tiếp tục các hành động mà theo họ là "không ngại rắc rối"?
Ông Nguyễn Ngọc Trường: Về ngoại giao thì giữa Trung Quốc với các nước khác sẽ không xấu hơn nhưng Nhật Bản và Ấn Độ hoàn toàn có thể kết hợp với Australia để tạo thành "liên minh mềm" gây sức ép lên Trung Quốc.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc phía Trung Quốc phát tờ rơi gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, cung cấp thông tin xuyên tạc sự thật cho rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc?
Ông Nguyễn Ngọc Trường: Trung Quốc ngày càng ngang ngược hơn, điều này đã thể hiện qua lời tuyên bố của Trưởng đoàn Trung Quốc tham dự Shangri-La lần này.
Họ ngang ngược như vậy là do tự tin đã nắm được thế chủ động trên thực địa. Những hành động của Trung Quốc vừa qua, tôi cho rằng đó là sự đối phó với phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) trong thời gian tới.
Còn hành động phát tờ rơi, tôi cho đó là "trò mèo", có lẽ họ bí quá hoá liều bởi họ phải mang thành tích về cho lãnh đạo họ.
Nhưng nước lớn sao lại làm như vậy? Đó là một cách tiếp thị rẻ tiền vì ở Shangri-La, ai chẳng biết lập trường của nhau.
Hiện Trung Quốc đang phát động "chiến dịch" quốc tế: Vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, chống quốc tế hoá vấn đề Biển Đông. Với một số biện pháp ngoại giao về kinh tế, trong vấn đề này, họ đã thu được những kết quả nhất định.
Xin cám ơn ông.