Đảm nhận vai Phật Tổ Như Lai trong Tây Du Ký, Chu Long Quảng được nhận xét là "Phật sống" trong lòng người hâm mộ. Từ gương mặt đầy đặn, tướng người phúc hậu, cương nghị đến giọng nói từ tốn, trầm ấm, tạo hình của ông quá giống với những gì mà khán giả tưởng tượng về Đức Phật.
Đã hơn 30 năm kể từ ngày Tây Du Ký lên sóng, Chu Long Quảng nay đã là một ông lão 80 tuổi tóc bạc phơ và không còn đóng phim nhiều như trước. Dù vậy, nghệ sĩ vẫn rất minh mẫn và tỏ tường. Nhắc đến Tây Du Ký và vai diễn Phật Tổ Như Lai, ông không giấu được sự tự hào.
Trò chuyện với Trí Thức Trẻ, Chu Long Quảng tâm sự dù đây chỉ là một vai diễn rất nhỏ trong Tây Du Ký, nhưng lại khiến ông vô cùng tâm đắc. Cho đến tận bây giờ, nhân vật Phật Tổ của ông vẫn được khán giả yêu mến và có tầm ảnh hưởng không thua kém gì Tôn Ngộ Không hay Đường Tăng.
Phỏng vấn độc quyền "Phật Tổ Như Lai" - Chu Long Quảng
Vai diễn Phật Tổ Như Lai đến với tôi là một sự tình cờ. Lúc đó tôi đang quay phim điện ảnh tên "Ngôi nhà gỗ" thì thầy Hoàng - chuyên gia hóa trang của Học viện điện ảnh Bắc Kinh bảo tôi qua phòng hóa trang của thầy trao đổi.
Không hiểu có chuyện gì, tôi hỏi: "Anh muốn tôi làm gì thế?". Vậy là thầy Hoàng bảo: "Mời anh cứ qua cho tôi, qua là biết", nên tôi đến chỗ thầy.
Khi đến nơi, tôi thấy có mấy người đang ngồi ở đấy rồi. Họ nhìn thấy tôi thì cười cười. Còn thầy Hoàng thì hỏi tôi: "Chúng tôi sắp quay phim truyền hình Tây Du Ký, có một vai không biết anh có muốn đóng không?".
Tôi trả lời: "Diễn viên mà có vai diễn là điều tuyệt vời rồi, lẽ nào lại không nhận chứ, tôi sẽ diễn vai gì vậy?". Thầy Hoàng đáp: "Là vai trong Tây Du Ký".
Lúc đó, tôi nghĩ ngợi: Đường Tăng thì mới 18, 19 tuổi thôi, còn Tôn Ngộ Không lại biết đánh võ, Bát Giới cũng vậy, cả 4 thầy trò mình đều không diễn được rồi. Nghĩ vậy, tôi bảo: "Thầy Hoàng, không được, không có nhân vật nào phù hợp với tôi cả".
Thầy Hoàng liền nói: "Nhiều vai diễn như vậy chẳng lẽ lại không có vai cho anh?".
Tôi đáp: "Mấy cảnh đánh võ tôi không hợp rồi, chắc tôi chỉ diễn phim hiện đại được thôi". Thầy Hoàng lại thuyết phục: "Anh có thể diễn được mà, bao nhiêu vai như vậy, có cả những nhân vật khác nữa?".
Tôi lại nghĩ: Nhân vật khác? Mình cũng đọc tiểu thuyết Tây Du Ký rồi, mấy vai khác toàn là yêu ma quỷ quái thôi. Thế nên tôi nói: "Tôi chỉ muốn đóng vai anh hùng, vai chính diện, lẽ nào lại phải đóng yêu ma quỷ quái, không ổn, tôi không diễn đâu."
Thầy Hoàng lại bảo: "Không không, vẫn còn vai khác, sao có mỗi yêu ma quỷ quái được, có cả người tốt nữa".
"Người tốt là ai?", tôi hỏi. Anh ấy nói: "Vai thần tiên anh có muốn diễn không?".
"Thần tiên à? Tôi chưa diễn thần tiên bao giờ. Không biết phải diễn thế nào?". Thầy Hoàng đáp: "Có rất nhiều người đóng thần tiên rồi, anh xem ai đã từng diễn thì thầy diễn theo như vậy là được"."Vậy thì để tôi thử xem sao", tôi trả lời.
Sau đó họ yêu cầu tôi nằm xuống một cái ghế bằng ngà voi. Rồi tổ hóa trang bê nguyên một chậu thạch cao, bôi bôi chát chát lên mặt tôi để tạo hình. Xong xuôi họ nói với tôi: "Thế này đi, anh về trước đi, 3 ngày sau quay lại".
3 ngày sau khi tôi quay lại, họ liền đội cho tôi một cái mũ giả lên đầu rồi hóa trang cho tôi. Hóa trang xong thì mấy người xung quanh bật cười. Họ nói: "Đây chính là Phật Tổ Như Lai rồi, gương mặt phúc hậu đầy đặn, dái tai dài, chuẩn tướng Phật không sai".
Sau này tôi mới biết, thì ra khi quay Tây Du Ký, đạo diễn Dương Khiết có hỏi hội trưởng hội Phật giáo Trung Quốc. Ông ấy nói: "Các diễn viên khác thì cũng dễ tìm thôi, nhưng có một nhân vật này tương đối khó tìm".
Đạo diễn hỏi là nhân vật nào, thì ông ấy trả lời: "Là Phật Tổ Như Lai. Bởi Như Lai không có nhiều động tác, chỉ ngồi một chỗ thôi nhưng phải có sự uy nghiêm". Vì vậy họ đã tìm tổng cộng 16 vị Như Lai, nhưng các vị trước đều không phù hợp nên tôi là vị Như Lai cuối cùng được chọn.
Xét về mặt hình tượng, tôi đã ghi điểm trong mắt đạo diễn. Hơn nữa, trong bộ phim này, một tay thầy Hoàng thiết kế tạo hình nhân vật. Thầy cũng đã xem rất nhiều tạo hình Như Lai của các diễn viên khác nhưng không thấy hợp, đến khi xem tạo hình của tôi thì mới quyết định chọn tôi. Vậy nên tôi cho rằng chuyện tôi được đóng Phật Tổ Như Lai là một sự tình cờ.
Tôi quay Tây Du Ký tổng cộng trong 4 ngày. Ngày đầu tiên quay cảnh hội bàn đào. Khi đó, Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung nên bị nhốt dưới núi Ngũ Hành Sơn, thiên đình mở hội, mời chư phật đến tham dự.
Thực sự lúc quay cảnh này, tôi chẳng biết mình phải làm gì cả. Khắp nơi thì đốt hương, chăng đèn hoa, giống như trên thiên đình vậy.
Thế rồi, đạo diễn Dương Khiết hô lên: "Các bộ phận chú ý... Chuẩn bị... Bắt đầu". Nghe hiệu lệnh, mọi người cùng đi lên phía trước. Tôi nhìn các diễn viên đóng vai thần tiên xung quanh, xem họ làm thế nào rồi làm theo tương tự.
Nhưng đạo diễn bất ngờ hô: "Cắt". Không ai hiểu gì cả. Mọi người đều nghĩ quay cảnh này tốn kém như vậy, mất thời gian như vậy mà sao lại phải dừng. Còn tôi thì nghĩ bụng: "Là ai sai thế, mọi người phải chú ý chút chứ! Quay phim nghiêm túc vào!".
Bởi khi đó tôi cũng được coi là sao lớn rồi, nên thấy hơi khó chịu. Mấy người Lục Tiểu Linh Đồng, Mã Đức Hoa chỉ nhận được 7-10 đồng thù lao cho mỗi tập phim, còn tôi quay một ngày là được cả trăm đồng rồi.
Đến lần quay thứ hai, tôi lại diễn y như trước. Nhưng vừa vào quay, đạo diễn lại hô lên: "Cắt, cắt ngay". Tôi chẳng hiểu có chuyện gì. Đạo diễn thì hỏi: "Anh đang làm cái gì vậy". Tôi đáp: "Tôi chả làm gì cả".
Đạo diễn lại hỏi: "Anh đi kiểu gì vậy?". Tôi nói: "Mọi người đi thế nào thì tôi đi như vậy". Vậy là, phó đạo diễn hớt hải chạy tới chỗ tôi bảo: "Những người kia là thần tiên, họ phải bái Phật Tổ nên mới diễn như vậy, còn anh là Phật Tổ rồi, anh bái ai?"
Lúc này, tôi mới biết thì ra là lỗi của mình. "Vậy tôi phải làm như thế nào?", tôi thắc mắc. "Anh có biết tư thế ngũ tâm triều thiên không?", phó đạo diễn hỏi. "Ngũ tâm triều thiên là thế nào?", tôi lại hỏi.
Phó đạo diễn đáp: "Anh biết tư thế của các vị hòa thượng khi ngồi thiền không, hai chân xếp bằng, lòng bàn chân hướng lên trời, hai lòng bàn tay cũng hướng lên trời, trái tim cũng hướng lên trời, tư thế đó gọi là ngũ tâm triều thiên".
Tôi hỏi tiếp: "Vậy khi đi, tôi phải diễn như thế nào?" Phó đạo diễn liền giải thích: "Mọi người đi như vậy là để bái Phật, còn Phật Tổ phải đi như thế này, như thế này này...". Lúc ấy tôi mới biết, thì ra cách đi đứng của Phật Tổ cũng thể không giống người khác được.
Câu chuyện này chứng minh cho điều gì? Đó là dù đóng phim thì cũng phải học không ngừng. Cũng từ đây, tôi mới bắt đầu nghiên cứu chăm chỉ và nghiêm túc về Phật Tổ Như Lai.
Đến ngày thứ hai, tôi quay cảnh Phật Tổ Như Lai dùng bàn tay Phật phong bế Tôn Ngộ Không dưới núi. Còn cảnh thứ 3 được thực hiện ở Côn Minh. Khi đó, La Hán rồi các vị tiểu tiên xếp thành hai hàng, còn tôi thì ngồi ở liên hoa đài, ở vị trí cao nhất.
Thế rồi, người dân địa phương nghe ngóng được chuyện "thần tiên trên trời" đến quay phim ở đây nên kéo đến, có người bệnh, người già, rồi mẹ bồng con bế… Họ đều mong được Phật Tổ xoa đầu và ban phước lành, họ tin tôi là Phật Tổ thật.
Nhưng đạo diễn thì gào ầm lên: "Trời ơi là trời, phim thì vẫn chưa quay xong, sao đã loạn như vậy rồi? Mời họ ra ngoài, mời họ ra ngoài đi!". Song những người ở đấy vẫn không chịu đi, cứ đứng đợi ở hai bên.
Đến giờ nghỉ giải lao, vì phải ngồi quá lâu, chân quá mỏi nên tôi đi xuống. Kết quả, cửa vừa mở thì mọi người ào ào lao vào. Vừa vào họ liền xin tôi xoa đầu, xoa cánh tay, trẻ con thì xoa bụng.
Vậy nên khi người dân đi khỏi, đạo diễn Dương Khiết liền bảo: Xem ra tôi cũng phải chụp ảnh với Phật Tổ Như Lai một bức. Vì vậy hiện tại mới có bức ảnh đạo diễn Dương Khiết ngồi dưới đài sen của tôi.
Còn ngày quay thứ 4 thì là phần sau của Tây Du Ký rồi, chính là tập Mỹ hầu vương thật giả. Trong tập đó, Lục Nhĩ Hầu giả mạo Tôn Ngộ Không, ai cũng không phân biệt được, chỉ Phật Tổ Như Lai nhận ra.
Sau khi đóng Tây Du Ký xong, vai diễn Như Lai của tôi gây tiếng vang lớn. Vốn dĩ đây chỉ là một vai nhỏ trong Tây Du Ký thôi, nhưng tôi lại nhận được giải thưởng đặc biệt nhờ vai diễn này. Hơn nữa, vai Phật Tổ của tôi còn có có ảnh hưởng lớn đến cả về sau.
Vì vào vai Phật Tổ, tôi từng gặp rất nhiều chuyện thú vị. Chuyện thứ nhất là khi đến Hương Sơn chơi, tôi thấy người ta bán rất nhiều mặt dây chuyền hình tượng Phật, nhìn kỹ thì phát hiện ra hình Phật đó chính là mình.
Chuyện thứ hai là khi tôi tới Hồ Bắc dự sự kiện, tôi muốn đi cắt tóc, nhưng lại không biết đường. Vậy là tôi đành hỏi thăm một người dân địa phương, rồi nhờ anh ta đưa tới chỗ cắt tóc.
Trên đường đi, anh ấy cứ nhìn nhìn tôi. Đến nơi, tôi trả 10 đồng, nhưng anh ấy từ chối nhận. Thấy thế tôi mới nói: "Anh đưa tôi tới chỗ này, tôi gửi anh tiền là đúng rồi". Nhưng anh ấy bảo: "Tiền này tôi không thể nhận được, nhận tiền của Phật Tổ là có tội, tôi sao dám nhận".
Tôi biết hiện tại có rất nhiều phiên bản Tây Du Ký được làm ra. Theo tôi, việc làm lại các bộ phim kinh điển không có gì là không tốt, bởi đây là sự sáng tạo và phát triển. Nhưng làm gì cũng cần dựa trên cơ sở của kịch bản gốc hoặc nội dung gốc, chứ không thể sáng tạo mà không có cơ sở.
Ví dụ, chuyện Tôn Ngộ Không yêu đương nhăng nhít, rồi Đường Tăng đến Nữ Nhi Quốc thì mệt quá không thèm đi nữa... là không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ những chi tiết này là một sự thiếu tôn trọng với nguyên tác và Phật giáo.
Nếu muốn làm lại Tây Du Ký, bạn nhất định phải mài giũa, nâng tầm tác phẩm lên từ nền tảng có sẵn. Ngoài ra cũng không được phép bỏ qua yếu tố tôn giáo, bởi vốn dĩ đây là tác phẩm về Phật giáo.
Việc để Tôn Ngộ Không, Đường Tăng yêu đương nhăng nhít trong phim là không tôn trọng Phật giáo, bẻ cong những giá trị tín ngưỡng tốt đẹp.
Xã hội luôn phát triển và đi lên, sự nhận biết của con người về sự vật, sự việc cũng ngày càng sâu sắc. Vì thế khi làm lại một bộ phim, chúng ta nên căn cứ vào kịch bản gốc, rồi từ đó bổ sung, kiến giải những điều còn chưa rõ, đó mới là cách làm đúng đắn.
Tôi rất tán thành với cách làm này, nhưng không chấp nhận việc sáng tạo bừa bãi.