Phát phiếu điều tra 231 cái tát: Chối tội cho nhà trường!

N.Huyền |

“Dư luận xã hội và cha mẹ học sinh cần thầy cô, nhà trường rút kinh nghiệm về việc này như thế nào. Thực ra không phải để thanh minh cho cô giáo mà mục tiêu lớn lao hơn nhằm chối tội cho nhà trường”.

Đây là quan điểm của thầy giáo, TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) xung quanh diễn biến mới nhất của vụ việc một học sinh hứng 231 cái tát vì chửi bậy.

"Lấy lời khai không có gì sai trái"

Theo đó, thay vì hay vì chấp hành nghiêm các ý kiến chỉ đạo của các lãnh đạo của tỉnh Quảng Bình, Ban giám hiệu Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) lại yêu cầu 23 học sinh của lớp 6/2 “viết lời khai” để tìm ra sự thật của 231 cái tát mà em H.L.N phải nhận.

Cụ thể vào sáng 3/12, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) xác nhận, đơn vị vừa nhận được báo cáo số 46 từ Ban Giám hiệu Trường THCS Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) về việc nhà trường điều tra các học sinh bằng phiếu điều tra liên quan đến vụ em H.L.N (11 tuổi) bị 231 cái tát.

Phiếu gồm 19 câu hỏi học sinh lớp 6/2 bắt buộc phải trả lời: Cô T quy định phạt tát thời gian nào?; Bạn N bị tát vào thời gian nào?; Khi tát bạn N cô T có mặt ở lớp không?; Em tát vào mặt bạn N bao nhiêu cái?; Em tát vào bạn N mạnh hay nhẹ?; Bạn N có nói tục không?; Khi tát bạn N có khóc không?; Sau khi tát má bạn N có đỏ không?; Cô T vào đã tát được mấy bạn?; Cô T có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?; Cô T tát bạn N mấy cái?; Sau khi tát bạn N có bị chảy máu không?; Sau khi tát bạn N cả lớp có sợ hãi bật khóc không?; Trước khi tát bạn N cô T có ra lệnh tát phạt mấy bạn?; Khi tát bạn N cô T ra lệnh hay tự ý?; Cô T có phải là người cuối cùng tát bạn N không?; Cô T đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N?; Sau khi tát bạn N có ở lại học không?

Kết quả phiếu lấy ý kiến từ 23 HS như sau: Sự việc xảy ra HS bị các bạn tát 231 cái là có thật nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, tám em tát vừa, hai em tát mạnh.

Cô T. có chứng kiến một bạn tát sau đó mới rời khỏi lớp (11/23 em trả lời), một em trả lời chứng kiến bốn bạn tát, một em trả lời chứng kiến ba bạn tát, ba em không để ý. Cô T. không ra lệnh nếu ai tát nhẹ thì bị tát (23/23 em).

Khi bị các bạn tát, N. có khóc (23/23 em trả lời), khi bị tát má N. không bị chảy máu (23/23 em trả lời), cô T. tát N. một cái (23/23 em trả lời), cô T. không phải là người cuối cùng tát N. (16/23 em trả lời; còn lại không có câu trả lời).

Khi tát N., các bạn trong lớp không có ai sợ hãi và khóc (23/23 em trả lời), cô T. đứng cùng chiều tát N. (23/23 em trả lời), sau khi bị tát N. vẫn ở lại học bình thường đến cuối buổi học (23/23 em trả lời). N. vào bệnh viện khám và điều trị chứ không phải cấp cứu”.

Trả lời về việc này, bà Phạm Thị Lệ Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh thừa nhận, có sự việc "điều tra" này và cho rằng, việc điều tra 23 em học sinh bằng việc "lấy lời khai" này không có gì sai trái, mục đích là nhằm tìm ra sự thật của 231 cái tát mà em H.L.N phải nhận.

Việc che đậy chẳng có ý nghĩa gì nữa!

Câu chuyện đặt ra ở đây theo thầy Tùng Lâm cần tập thể sư phạm nhận thức ra vấn đề, hành vi sai phạm của cô giáo. Và bản thân hội đồng sư phạm cần rút kinh nghiệm về công tác quản lý, vì “cô giáo này không phải lần đầu tiên tát học trò”.

“Việc phát phiếu điều tra là thanh minh cho cô ấy. Dư luận xã hội và cha mẹ học sinh cần thầy cô, nhà trường rút kinh nghiệm về việc này như thế nào chứ không cần cái việc thanh minh cho cô ấy.

Cũng có báo hỏi tôi rằng việc này có phản giáo dục không, nhưng thôi tôi xin không bàn sâu về chuyện này vì “không hay ho gì đâu”.

Tôi chỉ băn khoăn tại sao một tập thể sư phạm không nêu lên được việc mình làm để rút kinh nghiệm mà lại còn đi phát phiếu như thế.

Thực ra mục tiêu không phải để thanh minh cho cô giáo ấy mà cái mục tiêu lớn lao hơn theo tôi là nhằm chối tội cho nhà trường. Mà căn nguyên chính là bệnh thành tích”, thầy Tùng Lâm nhấn mạnh.

Thầy Tùng Lâm cho rằng, trong mọi tình huống như thế này, học sinh là người hứng chịu tất cả. Nếu nhà trường, giáo viên đặt học trò là trung tâm thì cần phải giải tỏa tâm lý cho học sinh.

“Nhà trường phải dũng cảm nói với các em rằng vừa qua, việc làm của cô không đúng, ảnh hưởng đến học sinh trong lớp.

Giáo viên, nhà trường phải nói thẳng với học sinh, cô giáo phải xin lỗi, làm gương cho học trò và khích lệ cho các em lần sau có điều gì chưa bằng lòng phải mạnh dạn có ý kiến.

Không ý kiến với cô giáo chủ nhiệm thì ý kiến với BGH nhà trường, chứ không thể để tình trạng như vậy.

Hành động như vậy thì hay hơn, trong sáng hơn là đi phát phiếu. Bây giờ việc che đậy chẳng có nghĩa lý gì nữa”, thầy Tùng Lâm nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại