"Kính đa chiều" là talk show đối thoại, bàn luận về một chủ đề hoặc một sự kiện đang được công chúng, xã hội quan tâm. Với chủ đề "Nghệ thuật múa rối", khách mời tập mới nhất là Giám đốc Nhà hát Múa rối Nụ Cười – ông bầu Huỳnh Anh Tuấn.
Trong chương trình, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết, 40 năm trước, ông đã lựa chọn múa rối cạn vì dễ dàng tổ chức và tiếp cận khán giả nhanh chóng. Sau đó 10 năm, ông nhận ra rằng múa rối nước còn "kinh khủng khiếp" hơn gấp ngàn lần ở giá trị văn hóa và đặc trưng nghệ thuật. Chính vì thế mà sau này, ông phát triển ở cả hai loại hình múa rối.
"Duy nhất trên thế giới, gần 215 nước không có nước nào có loại hình tương tự. Và chỉ có múa rối nước, khán giả mới chen chúc hằng đêm để đi xem. Múa rối nước bao gồm gần như 80% các thể loại nghệ thuật dân tộc và bao quát cả đời sống nằm trong một show diễn", ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.
Khi host Lê Hoàng hỏi "Làm cách nào để múa rối Việt Nam có thể phát triển hơn nữa?", ông Huỳnh Anh Tuấn nhận định, sự quan tâm và cái nhìn của đa phần người Việt dành cho các loại hình nghệ thuật dân tộc, trong đó có múa rối nước, còn khá bị thờ ơ.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết, hiện tại TPHCM có hai đơn vị múa rối nước, một là Nhà hát nghệ thuật Phương Nam trực thuộc nhà nước quản lý và đơn vị tư nhân Múa rối Nụ Cười của ông.
Riêng nhà hát Múa rối Nụ Cười của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, trung bình diễn 5-10 suất một tuần với rối cạn và khoảng 14 suất một tuần với rối nước, tính ra 1 năm, đơn vị này diễn khoảng 800 suất.
Nghe ông Huỳnh Anh Tuấn nói về suất diễn, đạo diễn Lê Hoàng tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Nam đạo diễn thốt lên: "Một năm đến 800 suất múa rối? Vậy thì thế này, nhân đây tôi mới nói. Có một sự bất công quá nhỉ. Sao lại không có NSND, NSƯT trong múa rối nhỉ. Đó là biểu diễn, mà người biểu diễn là nghệ nhân".
Đáp lại lời Lê Hoàng, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cười nói: "Chính xác, họ hi sinh lớn lắm. Họ đưa cái tiêu biểu của nghệ thuật dân tộc đấy chứ nhưng không được quan tâm vì đâu có những liên hoan được huy chương vàng, huy chương bạc".
Đạo diễn Lê Hoàng hỏi lại: "Không có Liên hoa múa rối toàn quốc à?", ông Tuấn đáp: "Cũng có nhưng hiếm lắm. Đó là sự thật. Cho nên, các em cứ lặng lẽ bám nghề để giữ tinh hoa Việt Nam và kiếm sống thôi".
Phần trao đổi của đạo diễn Lê Hoàng và anh Tuấn nhanh chóng gây chú ý và tranh cãi. Nhất là việc cho rằng, múa rối không có NSND, NSƯT. Vì thực tế, có rất nhiều nghệ sĩ ở lĩnh vực này đã được phong NSND, NSƯT.
Và hàng năm, các liên hoan múa rối trong nước và quốc tế vẫn được tổ chức thường xuyên và nhà nước vẫn luôn khuyến khích các đơn vị tư nhân tham gia. Song, hầu như rất ít đơn vị tư nhân tham gia.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, đạo diễn Trần Được - Phó trưởng đoàn múa rối Rồng Phương Nam - Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam nói: "Các đơn vị tư nhân được phép tham gia liên hoan nhưng họ không tham gia. Ví dụ như cuộc thi Tài năng múa rối toàn quốc diễn ra hồi tháng 8/2023 có đơn vị tư nhân của anh Lê Hay tham gia.
Đơn vị Múa rối Nụ Cười của anh Huỳnh Anh Tuấn không tham gia. Lý do các đơn vị tư nhân không tham gia là vì chi phí đưa đồ đạc ra Hà Nội dự thi rất tốn kém và mất công. Chỉ có các đơn vị nhà nước mới có kinh phí.
Hy vọng tháng 10/2024 khi diễn ra Liên hoan múa rối quốc tế ở Hà Nội sẽ có những trung tâm, đơn vị múa rối tư nhân mạnh dạn đầu tư tham gia. Nhưng cái này cũng chỉ là mong muốn thôi chứ chưa biết thế nào".
Quay lại chuyện xét duyệt danh hiệu, theo quy định, nghệ sĩ - nghệ nhân được xét tặng danh hiệu NSƯT - NSND khi đủ chỉ tiêu huy chương, giải thưởng. Với đơn vị Múa rối Nụ Cười của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, do không dự thi nên không có huy chương, giải thưởng để xét tặng danh hiệu.