" Đàn ông Hàn không có kinh tế, địa vị xã hội mới lấy vợ Việt ", Khoa Pug, một nam Vlogger có lượng theo dõi 2,1 triệu người - phát ngôn trong một clip review của du lịch Hàn Quốc của mình.
Khoa còn khẳng định, phụ nữ Việt lấy chồng Hàn chỉ có thể làm nội trợ, nấu ăn và hay bị đánh vì đàn ông Hàn rất gia trưởng. Đoạn nhận định khoảng 10 giây của Khoa Pug ngay lập tức gây ra tranh cãi dữ dội.
Theo thống kê về hôn nhân quốc tế của Hàn Quốc tại Index.go.kr (website thống kê các chỉ số phát triển của Hàn Quốc), cô dâu Việt Nam chiếm tới 38.2% các cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc.
Biểu đồ cũng chỉ ra, từ 2010 đến 2018, mỗi năm Hàn Quốc có trung bình khoảng 5.000 đến 6.000 cô dâu Việt, thậm chí vào năm 2010, con số này là gần 10.000 người. Một báo cáo khác cho biết tuổi trung bình của các cô dâu Việt là 25,2 trong khi tuổi trung bình của các chú rể bản địa là 43,6.
Dù chưa có nghiên cứu chính thức nào được công bố, song phần lớn các cuộc hôn nhân chồng Hàn - vợ Việt được cho là thông qua môi giới.
Lâu nay, các vụ việc bạo hành gia đình đối với cô dâu Việt cũng được xem là xảy ra ở nhóm này. Truyền thông cũng thường tập trung khai thác vào các cuộc hôn nhân Hàn - Việt nhờ môi giới. Đó cũng là một phần cơ sở cho phát ngôn của Khoa Pug trong clip đăng ngày 14/9.
"Vợ Việt - chồng Hàn", đừng nhìn một bộ phận và vơ đũa cả nắm
Một group của các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc đã đưa phát ngôn của Khoa Pug ra trao đổi, làm nổ ra một cuộc bàn luận thu hút hàng nghìn người tham gia. Phản bác chỉ trích nhiều, và đồng tình cũng không ít.
"Em thấy ổng nói khá đúng, rất nhiều người Việt Nam nghĩ như vậy nhưng do ổng thẳng ổng nói luôn nên bị cho là không tế nhị. Phải thừa nhận chị em qua Hàn để tìm cuộc sống mới, quan trọng là thật sự muốn có môi trường tốt để phát triển, hay muốn qua vì tiền chồng, vì quốc tịch thôi…"
Có những ý kiến cho rằng Khoa Pug chỉ phản ánh một sự thật đang diễn ra. Đó là có cô dâu Việt lấy chồng Hàn với những mục đích rất cụ thể: đổi đời, quốc tịch… hay thậm chí là những giấc mộng xa xôi như phim Hàn.
Chị Hương, 34 tuổi, người đã có hơn 15 năm sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc nhận xét: "Về số đông, người đàn ông Hàn kết hôn qua môi giới với phụ nữ ngoại quốc nói chung và Việt Nam nói riêng thường họ có khuyết điểm gì đó mà không thể kết hôn với phụ nữ bản địa bình thường. Ví dụ: tuổi cao, có bệnh, thu nhập thấp, học vấn thấp…"
Tuy nhiên, theo chị Hương, còn một bộ phận không hề ít những cặp đôi Hàn - Việt kết hôn nhờ tự do tìm hiểu và yêu đương.
Đó là những trường hợp phụ nữ Việt sang Hàn Quốc học tập, làm việc rồi kết hôn với người địa phương, hay đàn ông Hàn sang Việt Nam học tập, làm việc rồi lấy vợ Việt, thậm chí có cả những trường hợp trai Hàn - gái Việt gặp nhau ở một nước thứ ba khác rồi yêu và lập nên một gia đình. "Ở nhóm này, thường đàn ông Hàn có trình độ học vấn, có địa vị xã hội và cả hai vợ chồng đều có công việc ổn định, thu nhập cao."
Chị Hương cho rằng, nhận xét của Khoa Pug phiến diện vì chỉ nhìn ở một bộ phận và lại mang tính "vơ đũa cả nắm".
Ảnh: thediplomat.com
Cùng quan điểm, chị Mai, 29 tuổi, sang Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động và kết hôn với chồng Hàn được 4 năm bày tỏ: "Số đông không phải là tất cả. Hơn 40 ngàn chú rể người Hàn không thể ai cũng giống ai. Có người nọ cũng có người kia. Tôi quen một gia đình kết hôn do môi giới nhưng chồng làm cảnh sát đàng hoàng và mới ngoài 40, không già yếu bệnh tật."
Chị Mai cũng phản bác nhận xét của Khoa Pug cho rằng phụ nữ Việt lấy chồng Hàn chỉ làm nội trợ, nấu ăn và hay bị đánh vì đàn ông Hàn gia trưởng. "Chuyện bạo hành gia đình trong các cuộc hôn nhân Hàn - Việt là có nhưng không phải đa số.
Mâu thuẫn gia đình xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phần lớn là do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, sự chênh lệch tuổi tác quá lớn của nhiều cặp vợ chồng… Quy kết đàn ông Hàn gia trưởng nên hay đánh vợ là rất phiến diện, thiếu sự tôn trọng."
Chị Cao Tuyền lấy chồng Hàn và xây dựng cuộc sống gia đình trên cơ sở đôi bên cùng tạo lập vì một mình đàn ông gánh vác kinh tế sẽ rất mệt mỏi.
Cũng phản bác lại ý kiến của Khoa Pug, chị Cao Tuyền (Giáo viên dạy tiếng Anh tại Hàn Quốc) cho hay: "Có một thực tế theo hiểu biết của mình có nhiều đàn ông Hàn không lấy được vợ Hàn, hoặc không thích lấy vợ Hàn vì phụ nữ Hàn thường muốn chồng phải có nhà, có xe, công việc tốt để đảm bảo được cuộc sống.
Nhưng áp lực công việc ở đây rất cao, nếu chỉ mình các đấng ông chồng gánh vác thì ông nào chả mệt. Vì vậy đàn ông dù có công việc tốt họ cũng sẽ chỉ lấy người phù hợp dù đó là người nước nào. Phù hợp ở đây là trên nhiều phương diện như trình độ, tính cách…
Mình quen chồng mình khi anh ấy sang Việt Nam làm dự án và làm cùng công ty mình. Cũng phải trải qua việc gia đình đôi bên phản đối để đến được với nhau. Cưới nhau xong mình sang Hàn cùng chồng, cuộc sống tự lập tạo nên.
Vợ chồng cũng có lúc này lúc kia, nhưng nhìn chung là hài lòng vì chồng mình hiền lành, quan tâm đến vợ, tâm lý. Vợ chồng sống chung, sinh con xong thì tình cảm càng gắn kết hơn".
Một nhận xét dù đúng hay sai nếu không có sự tôn trọng cũng là kém văn minh
Theo số liệu trên trang Index.go.kr, Việt Nam mỗi năm có khoảng 5.000 đến 6.000 cô dâu Việt lấy chồng Hàn. Hàng ngàn phụ nữ đang độ tuổi xuân xanh tình nguyện rời bỏ quê hương, cha mẹ, người thân để làm dâu xứ người với một tương lai không định trước cùng người chồng ngoại quốc "không có điều kiện", học vấn thấp, địa vị xã hội thấp.
Đó vốn là nỗi bất an, nỗi đau lòng. Hoàn toàn không phải câu chuyện để đem ra nói chơi trên mạng xã hội, đính kèm tư tưởng miệt thị có chủ đích.
Nếu những người đàn ông Hàn vì cao tuổi, vì nghèo kia mà phải lấy vợ Việt là đáng coi thường thì câu hỏi đặt ra là: Tại sao họ cao tuổi, nghèo, không có địa vị mà vẫn lấy được vợ Việt, lại là những cô gái trẻ và đẹp, trong khi tỉ lệ nam - nữ ở Việt Nam đang mất cân bằng giới về phía nam?
Điều gì khiến hàng ngàn cô gái Việt ở tuổi đôi mươi mỗi năm dắt díu nhau sang Hàn Quốc lấy chồng mà không chọn trai Việt?
Thông kê số gia đình chồng Hàn - vợ Việt trong các năm từ 2010 đến 2018 - Ảnh chụp màn hình
Trong cuộc tranh cãi về chủ đề câu nói của Khoa Pug, nhiều cô dâu Việt thẳng thắn chia sẻ: "Đàn ông Hàn dù không có điều kiện để lấy vợ Hàn thì vẫn có thu nhập ổn định, đủ lo cho vợ con, sống có trách nhiệm với gia đình.
Đàn ông Hàn không có điều kiện mới lấy vợ Việt như bạn kia nói thì họ cũng không để cho vợ phải lao động vất vả, kiệt sức mà luôn nhận phần gánh vác, nhiều người còn cưng chiều vợ con hết mực. Còn ở Việt Nam, đàn ông đi nhậu, đàn bà bụng mang dạ chửa vẫn đi làm ca kíp đến đêm", một tài khoản bức xúc chia sẻ.
"Đàn ông Việt mà chăm chỉ làm ăn thì phụ nữ đâu phải lưu lạc xứ người như thế" đó là một bình luận của một cô dâu Việt tại Hàn trong cuộc tranh cãi không hồi kết về phát ngôn của Vlogger đồng hương.
Chị Phạm Quỳnh Hoa
Chị Phạm Quỳnh Hoa, một cô dâu Việt đã sinh sống tại Hàn 14 năm nay, hiện đang công tác tại Tòa thị chính Seoul, thì gửi lời nhắn tới Khoa Pug: "Chị chỉ muốn nói với em Vlogger thế này thôi. Em là người đi lắm học nhiều, điều gì cũng có mặt trước, mặt sau đa chiều nhiều phương diện.
Cùng là người Việt với nhau, các chị em người Việt có lấy chồng Hàn địa vị xã hội thấp hay xã hội cao đấy không phải là điều để em đem ra bàn tán rêu rao. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Hoa nào cây nào cũng cần được tôn trọng và yêu thương.
Bản thân những người phụ nữ lấy chồng ở nước ngoài bởi bất cứ lý do hay hoàn cảnh nào đi chăng nữa họ có lòng dũng cảm và ý chí thì mới có thể vượt qua nhiều vất vả nơi đất khách quê người. Họ cần được tôn trọng, chở che và yêu thương ít nhất là từ phía những người cùng dân tộc với mình".
Còn theo chị Mai, sự lựa chọn của các cô dâu Việt tại Hàn Quốc cần được tôn trọng và người chồng Hàn của họ cũng cần được tôn trọng. "Đưa ra một nhận xét dù đúng hay sai nếu không có sự tôn trọng cũng là kém văn minh", chị Mai nhận xét.
Nguồn tham khảo: The Seoul Times; Index.go.kr; NYTimes; Korea Times