Vài ngày qua, câu chuyện Tùng Dương và Bolero đang gây xôn xao dư luận, khi anh tuyên bố: "Bolero có giá trị về mặt hoài niệm nhưng nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc".
Phát ngôn gây sốc khiến nhiều nghệ sĩ và công chúng lên tiếng chỉ trích Tùng Dương. Trao đổi ngắn với Tùng Dương, anh cho biết: "Hiện tại, tôi không muốn nói thêm gì trong thời điểm này".
Tuy nhiên, Tùng Dương cũng chia sẻ: "Mọi phát ngôn của tôi trước giờ đều xuất phát từ lương tâm và trái tim mình, chứ không phải một sự hồ đồ".
Trước đó, Tùng Dương từng trải lòng mình khi đụng chạm tới những vấn đề gây tranh cãi khác: "Tôi không sốc. Nếu tôi sốc thì tôi đã không bao giờ phát ngôn như vậy, tôi phát ngôn bằng cái tâm của mình.
Tôi muốn dù bạn ở trường phái nào và giá trị bạn hướng đến số đông hay số ít thì giá trị bạn làm vẫn là tích cực, nó là một chỉnh thể riêng biệt của chính bạn chứ không phải là một chỉnh thể sao chép của ai đó".
Vậy, động cơ nào khiến Tùng Dương có những phát ngôn sốc như vậy về Bolero?
Tín đồ của sáng tạo và đam mê cái mới
Tùng Dương là kẻ đam mê sáng tạo và lấy nó làm tôn chỉ cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Anh từng nói: "Cha mẹ cho tôi năng lực ca hát. Nếu dừng ở hát hay thì không đủ. Để tiếp tục con đường nghệ thuật chông gai, điều tiên quyết để nghệ thuật tồn tại là sáng tạo".
Đối với Tùng Dương, hát hay, hát giỏi mới chỉ là thợ hát, còn nghệ sĩ là phải tư duy, sáng tạo, để làm nên những điều mới mẻ, khai phá những cánh cửa mới và đào sâu những nguồn chưa ai khơi.
Chính vì thế, 15 năm sự nghiệp vừa qua của Tùng Dương là công cuộc "nổ mìn" để tìm ra những con đường mới cho nhạc Việt đương đại, chứ không phải chỉ hát lại những thứ vàng son đã qua.
Từ lần đầu tiên xuất hiện trên Sao Mai Điểm Hẹn 2004, Tùng Dương đã cho công chúng thấy rõ mình là kẻ cuồng tín của sự sáng tạo, khi anh lập dị và không giống với bất cứ nghệ sĩ nào ở Việt Nam trước đó.
Anh khác biệt ở cả ngoại hình lẫn chất nhạc, nhưng trưởng thành trong tư duy và bản lĩnh nghệ thuật.
Ở độ tuổi trẻ, lại trong thời điểm "hoang sơ" như vậy, phải rất bản lĩnh và sáng tạo mới dám làm những điều khác biệt đến thế. Cho tới tận bây giờ, để kiếm được một nghệ sĩ trẻ dám quái và độc như Tùng Dương ngày đó vẫn không đơn giản.
Là một sinh viên nhạc viện, được đào tạo bài bản trong nền tảng thanh nhạc chính thống, nhưng Tùng Dương lại không chịu nép vào khuôn khổ như các đồng môn của mình mà luôn tìm tòi cái mới, vốn không có trong giáo trình học.
Suốt 15 năm qua, Tùng Dương dấn thân vào nhiều thể phong cách, thể loại khác nhau như Jazz, Blues, Trip Hop, Soul, New Wave, Symphony Rock, Electronic… chỉ với mục đích duy nhất là trải nghiệm bản ngã và sáng tạo nghệ thuật. Album Li ti của anh được giới chuyên môn đánh giá cao về tính sáng tạo và thể nghiệm.
Âm nhạc của Tùng Dương thường đào sâu và thể nghiệm những cái mới
Không những vậy, Tùng Dương còn luôn nhắc học trò và fan của mình phải nghe thật nhiều nghệ sĩ nước ngoài để học hỏi, không thể bó gọn trong nghệ sĩ Việt. Không chỉ những nghệ sĩ nổi tiếng như Nina Simone, Leontyne Price, Bob Dylan, David Bowie… Tùng Dương còn tìm nghe cả những nghệ sĩ rất ít người biết tới.
Đặc điểm chung của các phong cách, dòng nhạc mà Tùng Dương từng hát là mới so với văn hóa âm nhạc Việt Nam nhưng lại dễ khơi nguồn sáng tạo hơn.
Tùng Dương hiểu rằng, với những loại nhạc quen thuộc ở Việt Nam, đã có những tượng đài khó có thể vượt qua, và cũng khó có thể sáng tạo nhiều mà vẫn ra được chất của nó.
Bởi vậy, lựa chọn của anh là tìm tòi cái mới để đưa vào nhạc Việt, làm đa dạng nền nghệ thuật nước nhà và bắt kịp thế giới, thay vì quẩn quanh với những thứ vàng son kinh điển.
Nhạc của Tùng Dương hay hay dở tùy vào tai nghe của từng người. Tuy nhiên, xét toàn cảnh tiến trình âm nhạc, Tùng Dương đã có nhiều đóng góp vào việc định hình nhạc Việt đương đại, với việc khai phá những trường phái mới – cái mà người ta hay gọi là "lên đồng".
Nói như vậy không có nghĩa là Tùng Dương quay lưng với nhạc Việt xưa. Anh vẫn hát và ngưỡng mộ nó, nhưng chỉ hát với tâm thế tri ân, chứ không lấy nó làm hướng đi, bản sắc của mình, vì rất khó để sáng tạo một cách đột phá.
"Có những lúc tôi vẫn hát Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9, Phú Quang và cả Trịnh Công Sơn. Tôi vẫn hát và được công chúng yêu mến, chấp nhận dòng âm nhạc đó.
Tuy nhiên dòng âm nhạc đó vẫn chỉ có một giá trị nhất định, tức là mình gìn giữ, bảo tồn những giá trị bất hủ, còn giá trị về mặt sáng tạo thì ít hơn bởi vì đó là ca khúc cũ, chỉ có qua cách thể hiện của mình có mới hay không, qua cách làm mới như thế nào còn đó không phải là giá trị mới hoàn toàn, sứ mệnh của mình vẫn phải là những giá trị mới" – Tùng Dương nhận định.
Tùng Dương vẫn thường hát nhạc xưa
Tuy nhiên, là một người cầu toàn nên với Tùng Dương, sáng tạo và biến hóa phải nằm trong giới hạn bản thân. Anh biết rằng, mỗi dòng nhạc đều có cái khó của riêng nó, mà nếu không tôi luyện, không để nó ngấm vào máu thịt thì có hát cũng chỉ là hời hợt. Đó chính là lí do vì sao anh từ chối hát Bolero:
"Vâng, cái sự biến hóa của tôi là việc tôi mở rộng khả năng âm nhạc, biên độ trong không gian của mình, nó rộng hơn nhưng nó vẫn là con người của tôi. Tôi không làm gì quá khác với bản thân tôi, những gì tôi không làm được thì tôi sẽ không làm.
Chẳng hạn như trào lưu Bolero, tôi nghĩ rằng mình chưa đủ dũng cảm để hát Bolero, có thể mình không có cái chất ấy, để hát được ra cái mùi của Bolero" – Tùng Dương nhận thức rõ về giới hạn bản thân với Bolero.
Những phát ngôn gai góc, chưa khéo léo của Tùng Dương dễ khiến công chúng nhìn nhận anh là kẻ kênh kiệu. Nhưng thực sự, Tùng Dương chỉ đơn giản là tín đồ của sự sáng tạo, và anh yêu quý, tôn trọng mọi nghệ sĩ có sự sáng tạo.
Bởi thế mới có chuyện, Tùng Dương không tiếc lời Hoàng Thùy Linh vì làm được MV Bánh trôi nước quá độc đáo, dù đây chỉ là ca sĩ trẻ bị gán mác nhạc thị trường. Hay, Tùng Dương cũng rất yêu quý và thường xuyên song ca với Lê Cát Trọng Lý, vì trân trọng cá tính sáng tạo của cô.
Tùng Dương song ca với Lê Cát Trọng Lý
Thậm chí, người ta còn bắt gặp Tùng Dương vui vẻ song ca với một ca sĩ trẻ vô danh ở Hải Phòng. Đó không phải hành động của một người chảnh và kênh kiệu.
Bản thân Tùng Dương, ở tuổi 35 vẫn miệt mài luyện thanh để bứt phá giới hạn bản thân. Anh đã từng vui mừng như một đứa trẻ khi mở rộng được quãng giọng, hay thực hiện được một kĩ thuật khó. Bởi vậy nên Tùng Dương khá khắt khe với tình trạng già trẻ, lớn bé, ai cũng hát được Bolero mà chẳng cần khổ luyện nhiều.
Trở lại vấn đề với Bolero, Tùng Dương nói "già trẻ, lớn bé đổ xô hát Bolero là sự thụt lùi" vì anh cho rằng, điều này sẽ làm giảm sức sáng tạo của nghệ thuật, khi cứ quanh quẩn với những hợp âm, cách hát, lối hát, lời hát quen thuộc ngày này qua tháng khác.
Phát ngôn của Tùng Dương có thể đúng, cũng có thể sai, hoặc thiếu đi chừng mực của một người thuộc về công chúng. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó xuất phát từ cái tâm của một nghệ sĩ tâm huyết với nghề, trọng sự sáng tạo và lo lắng cho nền âm nhạc nước nhà.
Cá tính mạnh mẽ và thẳng thắn
Tùng Dương là người thẳng thắn, bộc trực và cá tính khá mạnh, giống với Thanh Lam. Tính cách này thể hiện rõ trong xu hướng âm nhạc của anh là cuồng nhiệt và giàu đam mê.
Nếu ai từng đến xem Tùng Dương trình diễn sẽ thấy được sự mạnh mẽ ở anh. Người ca sĩ này ngoại hình nhỏ bé, nhưng khi hát lại không biết mệt là gì.
Tùng Dương có thể hát hàng chục bài một lúc, và khi được khán giả yêu cầu, anh vẫn hát lại một cách khí thế. Lúc nào anh cũng hát trong tâm thế đầy hứng khởi và đam mê, không bao giờ có dấu hiệu của sự mệt mỏi, chán nản, dù là tình ca, rock, hay giao hưởng thính phòng.
Giọng Tùng Dương không quá to, nhưng luôn hát khỏe khoắn, nổi hẳn trên dàn nhạc. Nhiều khi phải hát những bài khó, nhiều nốt cao, ngân dài, Tùng Dương vẫn giữ được sự căng tràn, hừng hực lửa sống.
Cái mà người ta gọi rằng "lên đồng" thực chất chính là biểu hiện cho sự cuồng nhiệt và đam mê của Tùng Dương, khi anh luôn tràn trề sức lực tới mức "quẩy" tung sân khấu lên mà vẫn hát ngon lành, không hề hấn gì.
Tùng Dương "quẩy" tung sân khấu với Rock mà không biết mệt
Chính vì bộc trực nên Tùng Dương thường dễ bức xúc trước các vấn đề trong cuộc sống.
Tùng Dương cũng ít rào trước đón sau trong phát ngôn. Anh nghĩ sao nói nấy, không giấu diếm điều gì. Và cái cá tính mạnh ấy đôi khi lại đẩy những phát ngôn của anh trở nên gai góc, khiến nó khó nghe với nhiều người. Điều này dễ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.
Trong câu chuyện về Bolero cũng vậy. Tùng Dương dễ dàng bức xúc trước một số vấn đề nổi cộm của Bolero ngày nay. Sẵn tính bộc trực, anh nói hết trên mặt báo, nên gây đụng chạm và làm nhiều nghệ sĩ khác tự ái.