Giếng nước thời Lê Trung Hưng trong khu khai quật khảo cổ Hoàng thành Thăng Long năm 2021.
Cùng với những dấu tích có ý nghĩa quan trọng về kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ, đợt khai quật còn thu về hàng nghìn di vật là các loại vật liệu xây dựng hoàng cung Thăng Long và đồ sinh hoạt của Hoàng cung, hé mở thêm nhiều bí ẩn về Hoàng thành này.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, phụ trách cuộc khai quật thăm dò năm 2021 tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho biết, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Viện Khảo cổ học đã khai quật thăm dò 1.000m² tại khu vực phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên – Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Kết quả khai quật đã tiếp tục làm rõ tầng văn hóa, các di tích, di vật khảo cổ chồng xếp lên nhau có niên đại kéo dài từ thế kỷ 7-9 đến thế kỷ 19-20 của các thời kỳ Đại La, Đinh – Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn. Bước đầu, các nhà nghiên cứu đã xác định một số di tích quan trọng.
Trong đó, dấu tích kiến trúc thời Lý có một số móng cột sỏi. Thời Trần có dấu tích kiến trúc tròn đường kính trên 5m, xung quanh có dấu tích cống ngầm và lớp văn hóa dày đặc gạch, ngói, dấu tích cháy. Dấu tích tròn kiểu này đã từng xuất hiện ở gần Đoan Môn, chùa Báo Ân.
Có ý kiến gợi ý đây là một tiểu cảnh trong hoàng cung Thăng Long thời Trần. Cũng có ý kiến cho đây là dấu tích tâm linh để thực hiện một nghi lễ cúng tế nào đó. Hiện chưa xác định rõ chức năng của dấu tích kiến trúc bí ẩn này.
Kết quả khai quật còn cho thấy sự sáng rõ hơn về kiến trúc thời Lê Sơ với vì kèo 4 móng cột kiểu hành lang. Về thời Lê Trung Hưng có dấu tích vườn hoa cây cảnh, ngòi nước, kiến trúc dài kiểu hành lang, móng tường, cống nước, đường đi, chân gạch. Đặc biệt, các nhà khảo cổ còn phát hiện một giếng nước bằng đá, sâu 6,56m, được xây lắp khẩu giếng đá chạm khắc công phu.
Ở đáy ngòi nước gạch thời Lê Trung hưng còn xuất hiện dấu tích 2 mộ gạch song song với nhau, có niên đại khoảng thế kỷ 4-6.
Theo các nhà nghiên cứu, sự xuất hiện của 2 ngôi mộ gạch này cho thấy ở khu vực Hoàng cung Thăng Long đã có dấu tích cư trú từ rất sớm. Hoàng cung nằm chồng lên 2 ngôi mộ chứ không phải mộ được chủ động đặt trong khuôn viên hoàng cung.
Đợt khai quật đã thu về hàng nghìn hiện vật, gồm các loại gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, đất nung, đồ kim loại, đồ đá…. Đây là các loại vật liệu xây dựng Hoàng cung Thăng Long, đồ dùng sinh hoạt Hoàng cung thời kỳ Thăng Long và một số ít thời kỳ tiền Thăng Long. Trong đó, mảng mô hình kiến trúc được xác định niên đại thời Lê Sơ là hiện vật đặc sắc.
Mảng mô hình kiến trúc này tráng men xanh, men vàng và có thể là mô hình 1 kiến trúc nhiều tầng mái. Phần còn lại chưa cho phép hình dung tổng thể của kiến trúc này nhưng lại cung cấp nhiều chi tiết quan trọng của 1 kiến trúc thời Lê Sơ như cấu trúc một phần mái ngói, các cấu kiện đấu củng, độ cong của góc đao và lá mái, cấu kiện gỗ đỡ điềm mái, đầu dư chạm rồng.
Một số di vật thời Lê Sơ.
Đây là phát hiện mới, đặc biệt, lần đầu tiên cung cấp một số chi tiết quan trọng của kiến trúc cung đình thời Lê Sơ. Bởi lẽ, đến nay, kiến trúc thời kỳ Lê Sơ đã không còn trên mặt đất nên hình thái kiến trúc Lê Sơ là một dấu hỏi rất lớn cho giới nghiên cứu lịch sử kiến trúc cổ truyền Việt Nam.
Dấu tích kiến trúc được phát hiện lần này, dù chỉ ở mức độ mô hình, nhưng đó là một mô hình khá chi tiết. Tuy nhiên, PGS.TS Tống Trung Tín cũng cho biết, các nhà khảo cổ học cũng chưa rõ đây là mô hình của cung điện tại Hoàng thành hay đưa từ nơi khác đến, hoặc là mô hình để làm nơi thờ cúng ở trong hoàng cung thời Lê Sơ.
Trong số các di vật, dấu tích được phát hiện lần này còn cho thấy có những chỉ dấu về sự giao thoa giữa các thời kỳ và có sự tương đồng nhất định với di tích kiến trúc ở Huế và cả Tử Cấm Thành của Trung Quốc.
Có khá nhiều hiện vật rất đáng chú ý, cần được quan tâm nghiên cứu, từ đó có thể cho thấy rõ hơn đời sống ở hoàng cung. Trong đó, chiếc chậu đất nung cao 55cm, đường kính miệng 120cm, có trang trí hoa sen, hoa mai và liên châu, được chôn ngay ngắn trong lòng đất.
Đây có thể là chiếc chậu đất nung có kích thước lớn nhất còn khá nguyên vẹn thuộc thời Trần. Tuy nhiên, chậu đất này được sử dụng làm gì ở trong Hoàng cung thì chưa nhà nghiên cứu nào khẳng định được.
Trao đổi về đợt khai quật lần này, TS Nguyễn Gia Đối, quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học nhận định, kết quả khai quật cho thấy nhiều nội dung mới về không gian Điện Kính Thiên, giúp chúng ta hình dung rõ hơn về mô hình của cung điện.
Riêng với mảng mô hình kiến trúc thời Lê Sơ được phát hiện lần này, ông Đối cho rằng chưa có căn cứ để khẳng định đây là mô hình cung điện của Việt Nam và cần nghiên cứu xem đó có phải mô hình Điện Kính Thiên không?
GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia chia sẻ, kết quả khai quật khảo cổ năm 2021 đã giúp phát hiện, làm rõ hơn các tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La cho đến thời Nguyễn nhưng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi để các nhà chuyên môn nghiên cứu, trao đổi thêm.
Kết quả cho thấy sự giao thoa giữa khu vực trung tâm Hoàng thành và khu vực xung quanh nhưng chưa làm rõ cái gọi là giao thoa này cụ thể là như thế nào. Khu vực trước Điện Kính Thiên, trước đây có phát hiện được đường nước rất lớn, rộng 2m, cao sâu 2-3m, có cắm cọc bên trong…
Liệu đường nước này có mối liên hệ gì với đường nước vừa được phát hiện hay không? Các nhà khảo cổ khai quật được bể nước rộng 1,95m, dài hơn 2m, dưới đáy có 1 cái lỗ có thể bịt lại hoặc tháo nước ra nhưng chưa xác định đây là cái gì, có chức năng gì trong hoàng cung.
Một số hiện vật như cái chậu lớn thời Trần, những chữ xuất hiện trên các dấu tích, hiện vật còn sót lại có ý nghĩa như thế nào cũng cần được làm sáng tỏ. Việc nghiên cứu có thể mở rộng sang tác nguồn tư liệu khác, kể cả tham vấn, đối chiếu tài liệu của nước ngoài…