Các nhà khảo cổ học bên bộ xương hóa thạch.
Phần còn lại của con plesiosaur cổ dài chưa trưởng thành cao 6 mét, còn được gọi là elasmosaur, được tìm thấy bởi bộ ba nhà sinh vật học cổ nghiệp dư (được biết đến với cái tên "Những chú gà con hóa thạch") tại một trạm gia súc ở vùng hẻo lánh phía tây Queensland vào tháng 8.
Ông Espen Knutsen, người phụ trách sinh vật học cao cấp tại Bảo tàng Queensland, đã ví phát hiện này với Đá Rosetta - khối đá granit Ai Cập cổ đại được tái phát hiện vào năm 1799 giúp các chuyên gia giải mã chữ tượng hình.
Ông Knutsen cho biết, phát hiện này có thể giúp các nhà sinh vật học hiểu rõ hơn về nguồn gốc, sự tiến hóa và hệ sinh thái Kỷ Creta trong khu vực.
"Bởi vì những con plesiosaur này có 2/3 chiều dài cơ thể là cổ, nên thường thì đầu sẽ tách ra khỏi cơ thể sau khi chết, điều này khiến rất khó tìm thấy một hóa thạch nguyên vẹn cả hai bộ phận cùng nhau", ông Knutsen nói.
Khủng long đầu rồng dài từ 8 đến 10 mét, sống ở biển Eromanga, bao phủ phần lớn nội địa Australia với vùng nước sâu 50 mét khoảng 150 triệu năm trước. Trước đây, hộp sọ hóa thạch khổng lồ của loài ichthyosaur - một loài bò sát biển đã tuyệt chủng – từng được phát hiện ở dãy núi Augusta của Nevada.
Ông Knutsen chia sẻ trên CNN cho biết, khi một con khủng long đầu rồng chết, cơ thể đang phân hủy của nó sẽ phồng lên cùng với khí khiến nó nổi lên mặt nước và thường thì đầu sẽ gãy ra khi những kẻ săn mồi nhặt xác – khiến cho những khám phá toàn thân rất hiếm.
Ông Knutsen nói thêm rằng, vì phát hiện mới nhất là một mẫu vật còn non nên nó sẽ làm sáng tỏ hình dạng cơ thể của khủng long đầu rồng thay đổi như thế nào từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành. "Chúng tôi sẽ xem xét thành phần hóa học của răng và điều đó có thể cho chúng tôi biết điều gì đó về hệ sinh thái của nó, liệu nó có di cư trong suốt cuộc đời hay không, hay liệu nó có ở trong cùng một môi trường sống hay không, đồng thời cũng làm sáng tỏ chế độ ăn uống của nó", ông nói.
Các loài bò sát biển cổ đại như plesiosaur và ichthyosaur không được phân loại là khủng long mặc dù chúng sống cùng thời. Plesiosaur tiến hóa từ tổ tiên sống trên cạn, do đó không có mang và thỉnh thoảng phải nổi lên mặt nước để lấy không khí. Vẫn chưa biết nó có thể ở dưới nước trong bao lâu.
Đây là khám phá lớn mới nhất về thời tiền sử được thực hiện ở Australia trong những năm gần đây.
Vào tháng 6 năm ngoái, các nhà khoa học đã xác nhận rằng, bộ xương hóa thạch được phát hiện năm 2007 ở Queensland là loài khủng long lớn nhất tại Australia. Con khủng long có biệt danh là "Cooper" cao khoảng hai tầng lầu và dài bằng một sân bóng rổ.
Hai tháng sau, các nhà khoa học phát hiện ra rằng đã từng có một loài "rồng" biết bay bay vút qua Australia 105 triệu năm trước. Thằn lằn bay được các nhà nghiên cứu mô tả là một "con thú đáng sợ" ăn thịt khủng long con.