Theo các nhà nghiên cứu, sự va chạm của các cụm thiên hà lớn, vốn là những cấu trúc có trọng lượng lớn nhất trong vũ trụ, đã tạo ra những vùng từ trường khổng lồ này. Nhiều vùng từ trường trải dài hàng triệu năm ánh sáng và lớn gấp hàng chục lần so với Ngân Hà.
Sự va chạm các thiên hà gây ra sự nén khí bụi nóng, tạo nên những vùng phát sóng vô tuyến được gọi là các relic.
Được phát hiện lần đầu từ thập niên 1970, các relic đã được phát hiện tại hơn 70 cụm thiên hà. Các nhà thiên văn ở Bonn và Tautenburg, thuộc Thuringia (Đức) đã phân tích dữ liệu từ 4 trong số chúng, để xác định chúng có tạo ra từ trường hay không.
"Chúng tôi phát hiện ra những vùng từ trường to lớn nhất trong vũ trụ, ước tính có thể kéo dài từ 5 đến 6 triệu năm ánh sáng", chủ nhiệm dự án Maja Kierdorf của MPIfR Bonn, là tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Thiên văn Vật lý, cho thấy các nhà khoa học đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến Effelsberg có kích thước lớn như một sân vận động, được đặt tại Đức, để chụp hình bốn relic nổi tiếng nhất, một trong số chúng được định danh là CIZA J2242+53.
Hình ảnh mới của CIZA J2242+53 và các relic khác được thực hiện bởi kính Effelsberg tiết lộ những chi tiết hoàn toàn mới mà chưa từng được biết trước đây.
Các relic là những cấu trúc khổng lồ có hệ thống, các phân tử trong chúng chuyển động và tạo ra những vùng từ trường lớn. Hình dạng của các relic cho thấy các cụm thiên hà có thể đã va chạm với nhau với tốc độ lên đến 2.000 km/giây.
"Những vùng từ trường này có sức mạnh như Ngân Hà của chúng ta, độ phân cực đo được từ chúng cao hơn 50%, cho thấy nguồn phát từ trường được sắp xếp một cách rất trật tự", nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Thiên văn vô tuyến Max Planck cho biết.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết kính viễn vọng Effelsberg là một công cụ rất tốt để sử dụng khi muốn tìm kiếm từ trường trong vũ trụ.
Đồng tác giả của nghiên cứu, ông Rainer Beck cho biết: "Giờ đây chúng ta có thể tìm kiếm những vùng từ trường có trật tự trong các cụm thiên hà bằng cách sử dụng phân cực sóng vô tuyến".
Nguồn: IBTimes