Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí khoa học Gondwana Research đã tái hiện chân dung của "ông tổ" loài bọ cạp: một "quái thú" có chiều dài gấp rưỡi chiều cao một người trưởng thành, lang thang ở vùng biển gần khu vực sau này sẽ tách ra thành châu Đại Dương của siêu lục địa Pangaea.
Cận cảnh hóa thạch các bọ cạp biển "quái thú" cổ đại - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Sinh vật thuộc đại Cổ Sinh này được gọi là bọ cạp biển Jaekelopterus rhenaniae, đã xuất hiện trên trái đất vào 541 triệu năm trước, tuyệt chủng khoảng 252 triệu năm trước, gần thời điểm các con khủng long đầu tiên manh nha xuất hiện trên trái đất.
" Vua bọ cạp " này sở hữu những móng vuốt sắc nhọn đến đáng sợ để săn những con mồi cũng thuộc hàng "quái thú" của biển khơi cổ đại. Với thể hình vượt trội và khả năng "sát thủ", các nhà khoa học cho rằng nó xếp ngang hàng với cá mập trắng lớn hiện đại trong chuỗi thức ăn của đại dương.
Một người đàn ông cao to được đem so sánh với "vua bọ cạp" và các bọ cạp quái thú khác thuộc đại Cổ Sinh - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Russell Dean Christopher Bicknell từ Đại học New England (Úc) cho biết một số bọ cạp đại Cổ Sinh khác cũng được phát hiện, có phần nhỏ hơn "vua bọ cạp" nhưng vẫn lớn và nguy hiểm đến không tưởng so với mọi động vật chân đốt hiện đại.
Siêu lục địa Pangaea, nơi sở hữu vùng biển quái thú cổ đại chính là tiền thân của các châu lục ngày nay. Trong kỷ Jura, nó tách ra thành siêu lục địa phía Bắc Laurasia và siêu lục địa phía Nam Gondwana, sau đó tiếp tục phân nhỏ như ngày nay.
Theo các nghiên cứu trước đó, hoạt động kiến tạo mảng của trái đất sẽ liên tục khiến các lục địa "khắc nhập" và "khắc xuất". Ít nhất các châu lục đã hợp thành siêu lục địa và tan rã 3 lần trong lịch sử địa cầu. Trong một tương lai xa, các châu lục ngày nay sẽ được hợp nhất thành siêu lục địa giả thuyết Pangaea Proxima.