Một nghiên cứu mới cho thấy đi bộ nhanh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, The Sun đưa tin.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh, xem xét tốc độ đi bộ của mọi người ảnh hưởng thế nào đến khả năng mắc bệnh tiểu đường.
Các nhà khoa học Iran đã xem xét 10 nghiên cứu được công bố từ năm 1999 đến năm 2022, với thời gian theo dõi từ 3 đến 11 năm. Tổng cộng có khoảng 508.121 bệnh nhân trưởng thành được xem xét trong nghiên cứu. Họ đến từ Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Kết quả, nhóm nghiên cứu nhận thấy việc đi bộ với tốc độ từ 3 km/h đến 5 km/h giúp giảm 15% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 so với việc đi bộ dưới 3 km/h.
Nguy cơ giảm hơn nữa khi đi bộ nhanh hơn – đi bộ với tốc độ từ 5 km/h đến 6 km/h làm giảm hơn 24% nguy cơ tiểu đường loại 2.
Cuối cùng, đi bộ với tốc độ 6 km/h làm giảm 39% nguy cơ tiểu đường so với việc đi bộ dưới 3 km/h. Nguy cơ giảm thêm 9% khi tốc độ tăng thêm 1 km/h.
Không chỉ tăng thời gian đi bộ mà tăng tốc độ đi bộ cũng giúp ích trong phòng ngừa tiểu đường. (Ảnh minh họa)
Tiến sĩ Ahmad Jayedi, thuộc Đại học Khoa học Y khoa Semnan, Iran, cho biết: “Đi bộ với tốc độ nhanh hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Mặc dù việc tăng thời gian đi bộ là có lợi nhưng việc khuyến khích mọi người đi với tốc độ nhanh hơn cũng có thể mang lợi ích”.
Hơn 5 triệu người Anh được cho là đang sống chung với bệnh tiểu đường, với số ca mắc bệnh tăng gấp đôi trong 15 năm qua.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) chi ít nhất 10 tỷ bảng Anh mỗi năm cho căn bệnh này – khoảng 10% toàn bộ ngân sách của họ.
Căn bệnh này làm cho lượng đường trong máu trở nên quá cao do các vấn đề xảy ra khi cơ thể sản xuất hormone insulin, loai hormone giúp phân hủy glucose.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy những người đi bộ nhiều hơn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn, đồng thời tập thể dục làm giảm nguy cơ béo phì - yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiểu đường là một bệnh chuyển hóa mãn tính, đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng ở tim, mạch máu, mắt, thận và dây thần kinh.
Khoảng 422 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh tiểu đường, phần lớn sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra, trên thế giới ghi nhận 1,5 triệu ca tử vong trực tiếp do bệnh tiểu đường mỗi năm. Cả số ca mắc và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đều tăng đều trong vài thập kỷ qua.
Theo NHS, các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2 bao gồm:
- Đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt là vào ban đêm
- Lúc nào cũng cảm thấy khát nước
- Cảm thấy rất mệt mỏi
- Giảm cân mà không cố gắng
- Ngứa quanh dương vật hoặc âm đạo, hoặc liên tục bị nấm miệng
- Vết thương lâu lành hơn
- Nhìn mờ.
(Theo The Sun)