Theo Live Science, đó là một đầu mũi tên đã được phát hiện từ cuối những năm 1.800, được xác định là cổ vật ít nhất 3.000 năm tuổi của thời đại đồ đồng. Niên đại đó đủ khiến nó trở thành một báu vật giá trị, được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Bern (Thụy Sĩ).
Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu mới của TS Beda Hofmann, người đứng đầu về khoáng vật học và thiên thạch của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Bern cho thấy báu vật này có giá trị lớn hơn thế rất nhiều, bởi nó không được làm bằng nguyên liệu của địa cầu.
Đầu mũi tên được làm bằng vật liệu lấy từ một tiểu hành tinh nặng 2 tấn - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Bern
"Nhìn bên ngoài nó trông như một đầu mũi tên điển hình được bao phủ bởi gỉ sét. Phân tích cho thấy vẫn còn rất nhiều kim loại được bảo quản" - TS Hofmann nói.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Journal of Archeologycal Science, một số phương pháp tinh vi bao gồm chụp cắt lớp tia X và phép đo phổ gamma cho thấy đầu mũi tên có kích thước bằng lòng bàn tay không chỉ chứa đồng vị nhôm Al-26 không tự nhiên mà còn có dấu vết của hợp kim sắt và niken không thể của Trái Đất .
Đối chiếu với các hồ sơ về thiên thạch trong khu vực, các nhà nghiên cứu xác định được vật liệu làm nên đầu mũi tên đến từ một tiểu hành tinh nặng tới 2 tấn rơi xuống khu vực Kaalijarv ở Estonia cách đây 3.500 năm.
Địa điểm thiên thạch này cách khu vực mũi tên được khai quật tận 2.250 km, một quãng đường rất xa xôi, càng cách trở khi các phương tiện di chuyển của 3 thiên niên kỷ trước rất thô sơ.
Điều đó vô tình "nâng cấp" độ quý giá của báu vật này một lần nữa: Nó phải là bằng chứng cho một mạng lưới thương mại rộng lớn thời cổ đại, trong đó tảng đá không gian này đã được khai thác như một vật liệu giá trị và bán đi đến những miền đất xa xôi.
Hiện vật vô song này sẽ được trưng bày đặc biệt tại Bảo tàng Lịch sử Bern từ ngày 1-2-2024 đến 25-4-2025.