Du khách nước ngoài tại chợ nổi Cái Bè trước dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Ngọc Duy
Hôm qua, người Việt dậy sóng trước tin đồn thương hiệu thời trang H&M thay đổi bản đồ online có sự xuất hiện của "đường lưỡi bò" phi pháp và kêu gọi tẩy chay H&M .
Sau khi kêu gọi tẩy chay H&M, trên các diễn đàn, cộng đồng mạng Việt Nam tiếp tục phát hiện webiste phiên bản tiếng Trung của một loạt thương hiệu quốc tế lớn như Zara, Uniqlo, Gucci, Louis Vuitton… cũng sử dụng bản đồ online có đường lưỡi bò.
Bản đồ online của Louis Vuitton phiên bản tiếng Trung có sự xuất hiện của đường lưỡi bò phi pháp. (Ảnh chụp màn hình)
Cụ thể, trên website phiên bản tiếng Trung của các thương hiệu lớn này, phần bản đồ hiển thị định vị cửa hàng được để ngay đầu trang. Phần bản đồ khu vực Đông Á và Đông Nam Á có sự xuất hiện của đường lưỡi bò phi pháp.
Ở phân khúc thời trang nhanh, website phiên bản tiếng Trung của các thương hiệu như Zara, Uniqlo có sự xuất hiện của đường lưỡi bò trong bản đồ online. Các thương hiệu thời trang cao cấp như Gucci, Louis Vuitton... cũng tương tự.
Cộng đồng mạng cũng phát hiện một số thương hiệu xe hơi như Mercedes-Benz cũng đều sử dụng các bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp trên website phục vụ thị trường Trung Quốc.
Điểm chung trong website của các thương hiệu này là đều sử dụng bản đồ Baidu Maps cho thị trường Trung Quốc. Baidu Maps là một sản phẩm do doanh nghiệp Trung Quốc phát triển.
Trong khi đó, hầu hết website các quốc gia còn lại trên thế giới đều dùng bản đồ của Google Maps. Nhưng Google Maps bị chặn tại Trung Quốc nên nhiều thương hiệu toàn cầu có mặt tại Trung Quốc hầu hết đều sử dụng Baidu Maps để phục vụ thị trường này.
Bản đồ online của Gucci phiên bản tiếng Trung có sự xuất hiện của đường lưỡi bò phi pháp. Ảnh chụp màn hình.
Trước phát hiện mới, sau khi kêu gọi tẩy chay H&M, làn sóng phẫn nộ tiếp tục lan sang các thương hiệu như Zara, Uniqlo, Gucci… đang kinh doanh tại Việt Nam.
Trên fanpage chính thức của các thương hiệu này tại Việt Nam, cộng đồng mạng phản đối đường lưỡi bò phi pháp, khẳng định: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" và yêu cầu các thương hiệu phải lên tiếng trước vụ việc.
Theo AP, cơ quan quản lý Trung Quốc hôm 2/4 thông báo, website của thương hiệu thời trang H&M đã đồng ý thay đổi "bản đồ có vấn đề" sau khi người dùng mạng Trung Quốc phát hiện H&M đăng tải bản đồ mà theo họ là "không hiển thị đúng về lãnh thổ Trung Quốc".
Cũng theo AP, trong thông báo, cơ quan quản lý Trung Quốc không nêu ra các chi tiết cụ thể, nhưng các thương hiệu bị áp lực phải thay đổi một số điều, trong đó có các khu vực nhạy cảm khác mô tả trên web của họ. Phía H&M chưa đưa ra phản hồi gì thêm.
Trước đó, H&M chịu sức ép bị tẩy chay tại Trung Quốc sau những căng thẳng gần đây giữa quốc gia này và phương Tây liên quan vấn đề tại khu tự trị Tân Cương. Sau đó, vị trí các cửa hàng H&M bị xóa khỏi bản đồ online của Trung Quốc, thậm chí, một số cửa hàng cũng bị yêu cầu đóng cửa.