Theo nhà khoa học địa cực Britney Schmidt của Đại học Cornell, các nhà khoa học đã nhìn thấy một khu vực băng tan chảy rất nhanh tại sông băng Thwaites.
Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Trước đây, các nhà khoa học không quan sát được các điểm khó tiếp cận trên sông băng Thwaites. Tuy nhiên, khi sử dụng robot giống ngư lôi có tên là Icefin - giúp nghiên cứu tìm hiểu về thế giới đại dương ở các khu vực khác nhau trong hệ mặt trời - thì họ đã thấy được các kẽ hở trong quá trình băng tan - một nguy cơ lớn đối với thềm băng ở đây.
"Chúng là nguyên nhân khiến sông băng tan rã. Nó không mỏng đi hay biến mất mà là vỡ tan", bà Schmidt, tác giả chính của một trong hai nghiên cứu trên tạp chí Nature nhận định.
Trong khi đó, ông Paul Cutler, Giám đốc chương trình sông băng Thwaites của Quỹ Khoa học Quốc gia lại cho rằng sự đứt gãy đó có thể đẩy nhanh quá trình sụp đổ chung của thềm băng. Sông băng này có kích thước ngang bằng với bang Florida, với biệt danh là "Sông băng Ngày tận thế" vì lượng băng lớn và khi tan có thể đẩy mực nước biển dâng cao, mặc dù hiện tượng này được cho là sẽ phải mất hàng trăm năm.
Ông Peter Davis, nhà hải dương học tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và là tác giả chính của một trong những nghiên cứu mới cho biết sự tan chảy của sông băng Thwaites bị chi phối bởi những gì đang xảy ra bên dưới, nơi nước ấm hơn thẩm thấu vào đáy.
"Sông băng Thwaites đang thay đổi nhanh chóng, nhanh hơn nhiều so với khi chúng tôi bắt đầu công việc này 5 năm trước. Tôi cho rằng sự thay đổi nhanh chóng sẽ tiếp tục và tăng tốc trong vài năm tới", Nhà nghiên cứu băng Erin Pettit của Đại học Bang Oregon nói.
Sự tan chảy của băng
Nhà băng học Richard Alley của Đại học bang Pennsylvania cho rằng công trình mới mang đến góc nhìn quan trọng về các quá trình ảnh hưởng dẫn đến các kẽ nứt, theo đó cuối cùng có thể phá vỡ và gây mất phần lớn thềm băng.
Tuy nhiên, theo ông Davis, tín hiệu này cũng mang đến tin tốt là hầu hết diện tích bằng phẳng dưới nước đang tan chảy chậm hơn nhiều so với dự kiến. Và tin xấu là điều đó không thay đổi lượng băng đang rời khỏi phần đất liền của sông băng.
Chuyên gia Davis cũng cho rằng sự tan chảy gần như không phải là vấn đề tại sông băng Thwaites mà là sự nứt vỡ của sông băng. Sông băng càng vỡ ra thì càng có nhiều băng trôi nổi trong nước. Khi băng ở trên mặt đất thì không khiến nước biển dâng lên, nhưng khi nó tách ra khỏi đất liền và đi vào biển thì lại gia tăng mực nước tổng thể, giống như băng được thêm vào cốc nước sẽ làm gia tăng mức nước trong cốc.
Các nhà nghiên cứu không thể hạ cánh an toàn một chiếc máy bay và khoan một lỗ trên băng ở thảm băng chính, nơi đang vỡ ra nhanh hơn nhiều. Chìa khóa để biết chính xác điều kiện tồi tệ như thế nào trên sông băng là phải đi đến tảng băng đó và quan sát sự tan chảy từ bên dưới. Và điều đó sẽ cần một chiếc trực thăng hạ cánh trên băng vì hoàn cảnh hạ cánh vô cùng khó khăn, đồng tác giả nghiên cứu Eric Rignot của Đại học California Irvine cho biết.
Các nhà khoa học trước đây thường phụ thuộc vào hình ảnh vệ tinh để dự đoán tình hình của băng, gây khó khăn cho việc lấy thông tin chi tiết. Bà Schmidt cho biết đây là lần đầu tiên một nhóm trực tiếp đi đến được khu vực tiếp nối của một sông băng lớn và cung cấp một cái nhìn trực quan về tình hình tại đây.
"Khi robot len lỏi qua các khe hở trên băng thì các camera không chỉ cho thấy nước tan chảy mà còn là các khe nứt quan trọng và cả đáy biển. Camera phát hiện các sinh vật, đặc biệt là hải quỳ, đang bơi dưới lớp băng", ông Scambos chia sẻ.
"Tình cờ chúng tôi tìm thấy môi trường ở đây thực sự rất tuyệt. Thiên nhiên thực sự hoang dã", bà Schmidt nói thêm.