Phóng sự điều tra của tờ báo Anh The Times hé lộ, các trường tư thục hàng đầu nước này đã kiếm được hàng trăm ngàn Bảng từ các học sinh người Việt sang Anh bằng visa du học và biến mất bí ẩn sau đó.
Theo tờ The Times, các nhóm buôn người đã đưa người trẻ Việt, có em mới 15 tuổi đến Anh thông qua visa du học hợp pháp do các trường tư thục bảo lãnh. Các học sinh này thường trả học phí của một học kỳ sau đó biến mất chỉ trong vòng vài tuần hoặc vài tháng khi bắt đầu tại trường. Những trường hợp mất tích như vậy được tin có nguy cơ bị lôi kéo vào làm việc cho các tiệm làm móng (nail), các trại trồng cần sa hoặc nhà thổ ở nước sở tại.
Cuộc điều tra của The Times phát hiện, ít nhất 21 trẻ người Việt đã biến mất khỏi các trường nội trú và cao đẳng tư thục trên khắp nước Anh trong 4 năm qua. Các em hầu hết là nữ và đều có "visa trường tư".
Phát hiện làm dấy lên các nghi ngại rằng, bọn buôn người đang lợi dụng visa cấp cho du học sinh để đưa lậu trẻ em từ Việt Nam sang đảo quốc sương mù. Cảnh sát và Bộ Nội vụ Anh đang điều tra về các vụ mất tích khả nghi nhưng rất nhiều trường hợp vẫn chưa được làm rõ.
Một thiếu nữ biến mất năm 16 tuổi vẫn mất tích suốt 3 năm qua và nhiều em khác được phát hiện đang làm việc trong các tiệm nail trên khắp nước Anh.
Thông tin được công bố sau vụ phát hiện 39 thi thể người nhập cư trong một thùng xe công-ten-nơ ở hạt Essex hồi tháng trước. Các công dân Việt Nam hiện nằm trong nhóm công dân 3 nước có nguy cơ hàng đầu là nạn nhân của bọn buôn người vào Anh.
Quỹ từ thiện "Mọi đứa trẻ đều được bảo vệ trước nạn buôn người" thống kê, các trường hợp trẻ người Việt được giới thiệu tư vấn hỗ trợ đã tăng từ 135 em năm 2012 lên 704 em hồi năm ngoái.
8 trẻ người Việt đã mất tích khỏi trường Chelsea Independent College, một trường tư thuộc sự quản lý của tổ chức giáo dục Astrum, có học phí 25.000 Bảng (gần 750 triệu đồng) mỗi năm ở phía tây London. Một cựu nhân viên của trường tiết lộ, một nữ sinh đã chạy trốn vào ban đêm thông qua một lỗ thoát hiểm hỏa hoạn. Sự cố đã khiến nhà trường vô cùng kinh hãi vì lo ngại bê bối.
Tại trường Abbey College ở Malvern, Worcestershire, nơi quảng cáo đã dạy học cho "con cái và cháu chắt của các vị vua, nguyên thủ và các nhân vật ưu tú khác khắp toàn cầu", một thiếu nữ 15 tuổi từ Việt Nam bắt đầu theo học từ tháng 9/2017 đã không quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Hơn một năm sau, người ta mới tìm thấy cô bé đến từ tỉnh Quảng Ninh này tại một tiệm nail ở Yorkshire.
Tại trường DLD College tại London, nơi cùng thuộc tập đoàn quản lý với trường dự bị đại học mà các Công tước xứ Cambridge và Sussex từng theo học, 3 cô gái người Việt đã biến mất ngay sau năm học mới. Một em mới 15 tuổi.
4 học sinh người Việt cũng biến mất khỏi trường Cambridge Tutors College (CTC) ở Croydon, miền nam London kể từ năm 2016. Trong số này có một thiếu nữ 16 tuổi đang ở cùng một gia đình bản địa. David Wilson, cựu hiệu trưởng trường nói: "Vụ việc đã gióng hồi chuông báo động về nạn buôn người. Nó đã trở thành một dạng bê bối".
Tương tự, nhóm trường Bellerbys, nơi đang "cung cấp cho các học sinh quốc tế tiếng Anh và sự chuẩn bị cần thiết để bước vào đại học" đã trình báo về sự biến mất của 3 học sinh Việt Nam tại các trường của họ ở London và Brighton. Một cựu giáo viên của nhóm trường này kể: "Vào các kỳ nghỉ, các em không quay trở lại. Không ai trả lời điện thoại. Có lỗ hổng là, ai đó đã nhận ra đây là một cách để đưa các cô gái Việt Nam này vào mạng lưới".
Theo trường Brook House College ở Leicestershire, nơi tuyển dụng rất nhiều học sinh tại các thị trường quốc tế, hai học sinh đến từ Việt Nam đã bỏ trốn khỏi đây.
Pat Saini, một luật sư nhập cư thuộc công ty Penningtons Manches Cooper chuyên tư vấn cho nhiều trường học, gọi các vụ mất tích như trên là "vấn đề bảo vệ" họ gặp phải và các trường đã đi tìm các học sinh ở một số khu vực nhất định tại Anh. Họ đang lùng sục quanh một số thị trấn với sự hỗ trợ của cảnh sát.
Năm 2017, Hội đồng các trường độc lập và Hiệp hội các trường nội trú đã gửi thư khuyến cáo các trường thành viên phải "cẩn trọng" khi chấp nhận du học sinh Việt Nam.
Tất cả các trường nêu tên trong điều tra của tờ The Times đều tuân thủ quy trình và trình báo các vụ mất tích cho cảnh sát cũng như Bộ Nội vụ Anh. Tất cả các trẻ nói trên đã đến Anh bằng visa diện du học cho trẻ em, vốn được các trường bảo lãnh và không đòi hỏi kiểm tra trình độ tiếng Anh. Các em hoặc ở nội trú hoặc được phân ở các gia đình người bản địa. Những đứa trẻ này phải trả từ 5.000 - 10.000 Bảng (150 - 300 triệu đồng) cho học kỳ đầu tiên nhưng đã biến mất trong vòng vài tuần sau nhập học.
Bộ Nội vụ Anh đã phê chuẩn cho 666 trường độc lập được bảo lãnh visa du học trẻ em cho các học sinh nước ngoài. Năm 2017, Anh đã cấp 220 visa dạng này cho các công dân Việt Nam.
Bà Yvette Cooper bày tỏ lo ngại trước hàng loạt vụ mất tích của du học sinh. Ảnh: Telegraph
Yvette Cooper, Chủ tịch Ủy ban tuyển chọn nội vụ đã kêu gọi Bộ Nội vụ phải khẩn cấp giải quyết tình trạng thao túng visa. "Điều này thực sự gây sốc. Không thể nào tưởng tượng được việc bọn trẻ phải rời xa nhà hàng ngàn cây số đáng lẽ để đi học nhưng thực tế lại bị biến thành nô lệ trên đất Anh", bà Cooper bộc bạch. Quan chức này cho rằng các trường "cần phải chịu một phần trách nhiệm cho việc tuyển chọn của họ".
Đáng nói, tất cả các trường được đề cập đến ở trên đều đã vượt qua những cuộc thanh kiểm tra của Bộ Nội vụ và vẫn được cấp phép là nhà bảo lãnh visa. Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Anh nhấn mạnh: "An toàn và lợi ích của trẻ em là điều được cân nhắc chính trong bất kỳ trường hợp nhận du học sinh nào, với sự chấp thuận bằng văn bản của cha mẹ và bằng chứng về việc sắp xếp chăm sóc trẻ em đầy đủ theo yêu cầu".
Tập đoàn giáo dục Astrum thừa nhận, họ đã trở thành mục tiêu tấn công của các hoạt động tội phạm có tổ chức. Song, tập đoàn đã xem xét lại các quy trình bảo vệ du học sinh.
Malcolm Wood, hiệu trưởng trường Abbey College quả quyết: "Chúng tôi coi việc này cực kỳ nghiêm túc. Không có bất kỳ cơ quan chức trách nào phát hiện bất kỳ sai sót nào trong trường của chúng tôi".
Trường DLD College cũng khẳng định luôn coi sự an toàn và khỏe mạnh của các học sinh là ưu tiên số 1 của họ. Sau sự cố, trường đã xem xét lại chính sách bảo lãnh và tiếp nhận du học sinh từ Việt Nam.
Các trường được nêu tên còn lại cũng khẳng định đã hợp tác đầy đủ với nhà chức trách và đã trình báo kịp thời cho cảnh sát về những trường hợp mất tích nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho các du học sinh.