Phát hiện sốc ở Sơn La: Dữ liệu bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa, rất khó phôi phục

PV |

Theo các chuyên gia về khảo thí, việc khôi phục dữ liệu bài thi gốc để xác định điểm và trả lại công bằng cho các thí sinh là rất khó.

Sai phạm ở mức nghiêm trọng

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với tổ công tác của Bộ GD-ĐT để kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm liên quan đến điểm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này.

Bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi. Đặc biệt là có dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm của một số thí sinh.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn và điều tra đã phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa.

Còn ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD-ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu mà Bộ GD-ĐT giữ (do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La gửi trước khi chính thức cho máy chấm thi) hoàn toàn giống nhau.

Phát hiện sốc ở Sơn La: Dữ liệu bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa, rất khó phôi phục - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh đánh giá, sai phạm trong khâu chấm thi trắc nghiệm của Sơn La ở mức nghiêm trọng.

Một công đoạn bắt buộc các ban chấm thi phải thực hiện là chụp ảnh dữ liệu (phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh), sau đó mới cho máy chấm thi.

Hình ảnh được quét này được sao ra đĩa CD để gửi về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trước khi tiến hành quét, phiếu trả lời trắc nghiệm của thí đã bị thay thế. Đây là lý do khiến việc chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm của tỉnh Sơn La là vô nghĩa.

Chính vì vậy, việc trả điểm thực về cho thí sinh phải phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng Bộ Công an.

Ông Trinh cũng chia sẻ tại cuộc gặp với báo chí chiều 23/7: "Tổ công tác đã phát hiện có việc sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Đĩa CD này hiện chưa biết là đã được đem đi đâu và ai cho phép đem đi", thông tin trên báo Thanh niên.

Điều khiến học sinh và phụ huynh tỉnh Sơn La quan tâm lúc này là bài thi trắc nghiệm có dấu hiệu nâng điểm hay không? Bởi bất thường trong điểm thi của Sơn La chủ yếu nằm ở môn trắc nghiệm, đặc biệt là các môn Toán, Lý, Sinh, Sử, Tiếng Anh và Hóa học.

Trong buổi công bố kết quả sai phạm trong khâu chấm thi của Sơn La, ông Mai Văn Trinh đánh giá, sai phạm trong khâu chấm thi trắc nghiệm của Sơn La ở mức rất nghiêm trọng, đến nay vẫn chưa thể tiến hành chấm thẩm định lại bài thi môn trắc nghiệm để biết rõ sai phạm ra sao.

Cũng vì lý do này nên tạm thời vẫn công nhận kết quả thi các môn trắc nghiệm của các thí sinh đã được công bố ngày 11/7.

Trả lại công bằng là rất khó

Theo các chuyên gia về khảo thí, việc khôi phục dữ liệu bài thi gốc để xác định điểm và trả lại công bằng cho các thí sinh là rất khó.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, một chuyên gia cho biết, nếu như việc chấm thi trắc nghiệm có ưu thế là chính xác, khách quan do máy chấm thì giờ đây cũng chính là điểm yếu khi dữ liệu làm bài dễ dàng bị tẩy xóa, thay đổi trên phiếu trả lời trắc nghiệm mà khó tìm lại dấu vết.

Một cán bộ phụ trách chấm thi trắc nghiệm chia sẻ: "Kho bài thi là tài liệu quan trọng nhất, vì thế phòng để bài thi chúng tôi có 3 khóa, do 3 người khác nhau giữ chìa. Một người không thể mở kho bài đó mà phải có đủ 3 người mới mở được. Còn nếu giao chìa khóa cho một người giữ thì sẽ khó để kiểm soát".

Cũng trao đổi với báo Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, khi chúng ta chưa hội tụ đủ yếu tố để xác nhận điểm thi của thí sinh là giả thì về nguyên tắc vẫn phải chấp nhận kết quả đã công bố.

Tuy nhiên, các trường ĐH có uy tín trong quá trình đào tạo sẽ có cơ chế đào thải. Những sinh viên không đủ năng lực, không thực sự cố gắng thì dù vào trường cũng sẽ tiếp tục bị sàng lọc.

Từ những "lỗ hổng" trong chấm bài trắc nghiệm, ông Bùi Việt Hà Giám đốc Công ty công nghệ tin học nhà trường đã nêu đề xuất trên báo Thanh niên:

Cần có thêm một biện pháp kỹ thuật cho phép sau khi scan bài làm của thí sinh (gửi về Bộ bản gốc) thì nhận dạng sẽ chia làm 2 giai đoạn: nhận dạng phần thông tin chung (phách phía trên) và nhận dạng phần bài làm phía dưới.

Khi nhận dạng phần bài làm thì thông tin thí sinh cần phải xóa, ẩn, che lấp đi trên màn hình (và có thể cả hình ảnh). Như vậy quy trình sẽ phải tăng thêm 1 bước bảo mật.

Theo ông Hà, không nên để việc chấm cuối cùng, trực tiếp bằng máy ở các địa phương, hội đồng thi mà chuyển toàn bộ về Bộ và xử lý chấm tập trung trong phòng máy tính của Bộ. Như vậy các hội đồng thi sẽ chỉ xử lý sơ bộ thông tin chấm thi.

Cụ thể, các hội đồng xử lý đến mức ra được các tệp bài làm của thí sinh. Nếu các tệp này là text file thì cần mã hóa ngay trước khi chuyển về Bộ.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại