Clip "rồng con" manh giông di chuyển lần đầu tiên trong 8 năm ở ẩn:
Bạn nghĩ mình là một người lười biếng, thích cuối tuần nằm ở nhà ăn bánh, xem phim thì bạn vẫn không phải là lười đâu bởi loài manh giông - loài vật được mệnh danh là rồng con này chắc chắn chính là "sư tổ" của giáo phái lười biếng.
Chỉ cần tưởng tượng chúng ta đã đi bao xa trong suốt 8 năm qua, thì bạn mới hiểu được những con manh giông này đã có cuộc sống nhàm chán đến mức nào.
Loài manh giông thích đứng yên một chỗ này sống chủ yếu trong hang động, có nguồn gốc từ Bosnia và Herzegovin (một quốc gia tại Đông Nam Âu).
Lần đầu tiên loài vật này được biết tới là nhờ một trận lũ quét qua một số hang động của châu Âu. Khi mới phát hiện ra, ai cũng nghĩ đây là rồng con, vì vẻ ngoài khá giống sinh vật trong truyền thuyết kia.
Trên quần thể ở hang động Vruljak 1, miền đông Herzegovina (Nam Âu), một nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh dấu theo từng đợt tổng cộng khoảng 40 cá thể manh giông và ghi chép quãng đường di chuyển của chúng trong những giai đoạn khác nhau trong suốt 8 năm ròng.
Trong một thí nghiệm, nhóm ghi nhận khoảng cách lớn nhất mà các manh giông di chuyển trong 230 ngày chỉ là 38m, ngoài ra, không con nào đi quá 50m tính từ cửa hang.
Chỉ 10 manh giông có thể đi quá 10m và vỏn vẹn 3 con đi hơn 20m, chuẩn mực nhất là 5 mét.
Đặc biệt, có cá thể chỉ ở đúng 1 chỗ trong suốt thời gian 2.569 ngày, tương đương hơn 7 năm.
Nhờ có nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhìn nhận được sâu sắc về cuộc sống hàng ngày của loài manh giông hang động đặc biệt.
Chúng quả thực rất lười biếng!
Manh giông hang động chỉ cần một cái lắc lư để giao phối, với sự lười biếng nổi tiếng của chúng, cứ 13 năm, manh giông lại giao phối 1 lần!
Do đặc điểm sống trong hang sâu và xung quanh toàn bóng tối, manh giông có ít kẻ thù phải đương đầu nên không cần di chuyển nhiều để trốn chạy. Ngoài ra, thức ăn của chúng chủ yếu là sinh vật phù du nên có thể "lấy tĩnh chế động" mà bắt con mồi.
Lớp da trơn của manh giông có lợi ích giúp chúng bảo tồn năng lượng, vì vậy dù đứng lâu một chỗ cũng không ảnh hưởng nhiều.
Hiện hoạt động của con người ảnh hưởng lớn đến manh giông vì chúng sinh sản thưa thớt nên số lượng cá thể cũng đang giảm mạnh.
Mặc dù không nằm trong danh sách các động vật sống thọ nhưng manh giông có thể sống đến khoảng 70 năm, tuổi thọ tối đa có thể đạt 100 năm.