Nhắc đến du lịch khu vực miền núi phía Bắc nước ta, đa phần các du khách sẽ nhớ tới những ngọn núi cao, những hang động hoang sơ, hùng vĩ, những con đường đèo quanh co thử thách tay lái hay những cánh đồng lúa ruộng bậc thang... Song thời gian gần đây, có một điểm đến khác mang nét riêng biệt, thậm chí được nhiều người nhận xét là "như trong phim", nhận được nhiều sự quan tâm.
Điểm đến này nằm ở địa bàn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái - một cái tên vô cùng quen thuộc trên bản đồ du lịch Việt nói chung cũng như khu vực miền núi phía Bắc nói riêng, nhất là vào dịp cuối năm. Đây là rừng trúc, thuộc địa phận xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải. Từ trung tâm thị trấn, du khách chỉ phải di chuyển khoảng 3,5km để tới đây. Cũng bởi vị trí, khu rừng cũng được nhiều người gọi tắt là "rừng trúc Mồ Dề".
Rừng trúc "cảnh như phim kiếm hiệp"
Sở dĩ được ví như một địa điểm xuất hiện trong phim, là bởi toàn bộ không gian nơi đây được phủ một màu xanh của số lượng lớn những cây trúc cao. Nhắc tới hình ảnh những rừng tre, rừng trúc, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến bối cảnh trong bộ phim kiếm hiệp Trung Hoa đã xem qua màn ảnh nhỏ. Chính bởi vậy khi đặt những bước chân đầu tiên tới rừng trúc Mồ Dề, du khách cũng sẽ liên tưởng ngay như mình đang bước vào "cảnh như phim kiếm hiệp".
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tại đây có hàng trăm nghìn cây trúc vươn mình thẳng tắp, được trồng trên diện tích khoảng 3ha, phủ xanh cả một vùng rộng lớn. Người dân bản địa hay các hướng dẫn viên trong vùng cũng giới thiệu thêm, rừng trúc đã có tuổi đời hơn 80 năm.
Ban đầu, mục đích của rừng là để lấy trúc để làm nhà, rào đường, làm máng nước, hay phục vụ nhiều công việc khác trong đời sống sinh hoạt của người dân. Lâu dần, diện tích rừng ngày càng được mở rộng. 1-2 năm trở lại đây, rừng trúc Mồ Dề mới được biết đến nhiều và thu hút sự chú ý và ghé thăm của đông đảo du khách.
Không phải ai muốn cũng tới được rừng trúc
Tới rừng trúc Mồ Dề, du khách sẽ được hít thở bầu không khí trong lành, hòa mình vào không gian thiên nhiên tràn ngập màu xanh, yên bình, tĩnh lặng. Thi thoảng là tiếng cành trúc, lá cây xào xạc nhờ có gió, hay tiếng chim muông, tiếng thú rừng vang vọng từ xa.
Tuy nhiên theo nhiều du khách đã có kinh nghiệm trước đó, dù quãng đường từ trung tâm Mù Cang Chải đến rừng trúc Mồ Dề chỉ chưa tới 4km, nhưng nó không hề dễ dàng, thậm chí là có phần khó khăn, đòi hỏi du khách phải có sức bền, sức khỏe tốt và cả 1 tay lái vững vàng.
"Lên được đến đây là cả 1 sự gian nan", "Đi lên đây tốt nhất nên nhờ tài xế địa phương chở đi", "Cảnh thì giống phim lắm nhưng đường đi đúng là khó thật"... Đó là những nhận xét của loạt du khách về con đường tìm đến rừng trúc Mồ Dề.
Bởi lẽ con đường dẫn tới đây khá nhỏ, hẹp, nhiều đoạn đất đá khó đi. Đặc biệt sau những diễn biến thời tiết tiêu cực vừa qua tại khu vực miền núi phía Bắc nói chung cũng như Mù Cang Chải, Yên Bái nói riêng, đường đi sẽ càng khó khăn hơn. Nếu du khách không tự tin vào tay lái, tốt nhất nên thuê dịch vụ đưa vào tận nơi của người bản địa. Việc đi bộ cũng sẽ mất nhiều thời gian và công sức.
Thời điểm lý tưởng nhất được gợi ý để du khách ghé thăm rừng trúc là vào buổi sáng cho đến chiều. Du khách không nên ở lại quá muộn. Thay vào đó khi trời đã tối, có thể đăng ký nghỉ lại hay dùng bữa tại nhà của những người bản địa quanh khu vực, để thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc sản địa phương. Cuối cùng khi rời đi, đừng quên dọn dẹp rác thải để giữ gìn cảnh quan, môi trường chung.
Ảnh Mùa A Giàng
Bên cạnh rừng trúc xã Mồ Dề, du khách đến Mù Cang Chải có thể tham khảo thêm một khu rừng trúc khác - rừng trúc Nả Háng Tủa Chử. Đây là rừng trúc thuộc xã Púng Luông, đường đi từ trung tâm Mù Cang Chải sẽ xa hơn, khoảng 20km. So với rừng rúc Mồ Dề, rừng trúc Nả Háng Tủa Chử có diện tích nhỏ hơn - chỉ vào khoảng 1ha,, và tuổi đời cũng ít hơn, khoảng hơn 60 năm.
Thời điểm 3 tháng cuối năm cũng là thời điểm được đánh giá là đẹp nhất để tới Mù Cang Chải, du khách có thể thỏa sức đắm chìm trong sắc vàng của mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang, mang về những tấm hình, thước phim check in đẹp như "chốn thần tiên".