Đường Hoàng Gia (hay Ngự đạo) là con đường Hoàng đế đi nằm ở chính giữa Kinh đô theo trục Bắc - Nam trong quy hoạch tổng thể của các Kinh đô cổ Phương Đông. Hiện dấu tích đường Hoàng Gia trong nội thành Di sản Thành nhà Hồ còn lại rất rõ, được kè đá xanh và lát đá phiến nằm chính giữa cổng Nam thành nhà Hồ, hướng Bắc - Nam, nối thẳng về phía Nam đến di tích Nam Giao, nối về phía Bắc con đường hướng vào trung tâm nội thành.
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: Cuộc khai quật đã làm rõ địa tầng từ con đường hiện đại đến dấu tích móng, nền của con đường thời nhà Hồ gồm 3 lớp chính, tương ứng với ba giai đoạn của con đường.
Trong lần khai quật này, kết quả mang về đặc biệt nhất là dọc theo con đường Hoàng Gia đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc quan trọng của kinh đô. Trên trục đường Hoàng Gia tại các khu A, B hiện đã xuất lộ hàng chục dấu tích kiến trúc lớn của kinh đô.
Tại khu A, các kiến trúc đã xuất lộ trong các năm 2020 và 2021 với cụm kiến trúc trung tâm tại khu vực Nền Vua.
Tại khu B, từ cuối năm 2021 đến tháng 7/2022, cuộc khai quật cũng đã tiếp tục làm xuất lộ hai kiến trúc cổng và một cụm kiến trúc trung tâm tại khu vực đang có hai thành bậc đá chạm rồng thời Trần - Hồ.
Đặc biệt dấu tích cụm kiến trúc Con Rồng được đánh giá là kiến trúc quan trọng xét về mặt vị trí và thực trạng quy mô khá to lớn của kiến trúc và nằm gần ở vị trí có thành bậc đá chạm rồng thời Trần - Hồ, dự đoán có thể nơi đây sẽ tìm thấy dấu tích Chính điện của triều Hồ.
Ông Nguyễn Bá Linh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ nhận xét: Tuy chưa khai quật hết nhưng có thể tính toán đối xứng từ tâm kiến trúc tương ứng với tâm của con đường Hoàng Gia, kiến trúc này nếu xuất hiện đầy đủ có thể có 9 gian.
Bên cạnh đó, nhiều loại hình gạch trang trí hoa cúc, hoa sen, hoa đồng tiền thời Lý - Trần, hoa dây thời Lê sản xuất tại Thăng Long và nhiều loại hình gạch vuông, gạch chữ nhật, gạch trang trí có in chữ Hán được sản xuất tại Thành nhà Hồ tương tự như các cuộc khai quật trước đây. Ngoài ra, còn phát hiện được các mảnh lá đề trang trí rồng, mảnh ngói sen kép, ngói cong tráng men vàng thời Trần - Hồ.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đều cho rằng đối với các kiến trúc đã xuất lộ trên trục đường Hoàng Gia, một yêu cầu lớn đặt ra là cần nghiên cứu vị trí và chức năng của các kiến trúc đã xuất lộ.
Muốn tìm hiểu điều này đòi hỏi phải mở rộng công tác nghiên cứu tổng thể, khai quật khảo cổ học, nghiên cứu đối sánh cấu trúc của các kinh đô cổ ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia kiến nghị: Tỉnh Thanh Hóa cần tập trung việc giải phóng mặt bằng bên trong nội thành nhà Hồ để công tác khảo cổ học được nghiên cứu sâu, toàn diện hơn nữa, có sự so sánh với các di sản khác. Khẩn trương xây dựng bộ tư liệu chuẩn phục vụ đa mục tiêu trong việc tôn tạo, trùng tu, khôi phục, phát huy giá trị của Di sản Thành nhà Hồ.