Mới đây, một nghiên cứu đã công bố phát hiện nhiều bông hoa có tuổi đời lên tới 99 triệu năm, được bảo quản hoàn hảo trong các lớp hổ phách. Từ phát hiện này, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng một số loài thực vật có hoa tại Nam Phi ngày nay vẫn giữ được hình dáng giống với tổ tiên của chúng 99 triệu năm trước.
Sự tiến hóa và lan rộng của thực vật có hoa (thực vật hạt kín) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phần lớn sự sống của chúng ta ngày nay. Nó mang lại sự đa dạng cho côn trùng, động vật lưỡng cư, chim và động vật có vú. Robert Spicer – Giáo sư danh dự tại Đại học Mở ở Vương quốc Anh cho biết: “Thực vật có hoa sinh sản nhanh hơn các thực vật khác, có cơ chế nhân giống phức tạp hơn. Điều này thúc đẩy sự phát triển của nhiều dòng thực vật và động vật, định hình hệ sinh thái”. Hai trong số những loài hoa mới phát hiện trong nghiên cứu được các nhà khoa học đặt tên là Eophilica pricatellata và Phylica piloburmensis, cùng chi với loài hoa Phylica có nguồn gốc từ Nam Phi.
Trong lịch sử, sự xuất hiện đột ngột của các loài thực vật có hoa trong mẫu hóa thạch ở kỷ Phấn trắng (145 triệu đến 66 triệu năm trước), không có dòng dõi tổ tiên rõ ràng đã khiến nhà tự nhiên học nổi tiếng Charles Darwin bối rối. Nó mâu thuẫn với một yếu tố then chốt trong lý thuyết chọn lọc tự nhiên của ông, rằng những thay đổi tiến hóa diễn ra từ từ, trong một thời gian dài. Trong một bức thư gửi cho nhà thực vật học Joseph Hooker năm 1879, Darwin mô tả hiện tượng này như một “bí ẩn ghê tởm”. Những phát hiện 99 triệu năm tuổi mới đây có thể góp phần giải mã được bí ẩn đó.
Cây họ Phylica (Ảnh: CNN)
Theo Spicer, thời điểm chính xác thực vật có hoa mới xuất hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng. Những bông hoa trong hổ phách được tìm thấy gần đây có thể giúp làm sáng tỏ bí ẩn đó. Spicer cho biết: “Hổ phách đã lưu giữ được tất cả các chi tiết của một bông hoa cổ như vậy, vào thời điểm các loài thực vật có hoa bắt đầu lan rộng trên toàn cầu. Mẫu vật cho thấy sự thích nghi tuyệt vời với môi trường khô hạn theo mùa, hỗ trợ thảm thực vật thường xuyên bị cháy rừng”.
Hóa thạch hổ phách từ thời kỳ khủng long có thể được tìm thấy trong các mỏ từ bang Kachin – phía bắc Myanmar. Do lo ngại về vấn đề nhân quyền và đạo đức liên quan đến việc khai thác hổ phách, Hiệp hội Cổ sinh vật có xương sống đã kêu gọi tạm hoãn nghiên cứu hổ phách có nguồn gốc từ Myanmar sau năm 2017. Spicer cho biết miếng hổ phách được nghiên cứu mới đây đã được mua hợp pháp từ năm 2016.