Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh các hoạt động trang trí, dọn dẹp nhà cửa hay mua sắm những món đồ mới, việc đi chơi đâu ngày Tết cũng được nhiều người quan tâm. Mọi người thường gọi hoạt động này là du xuân.
Nhắc đến những địa điểm du xuân, du khách sẽ nhớ ngay tới những ngôi đền, chùa, mang vẻ đẹp yên bình. Tới đây dịp lễ Tết, du khách không chỉ tham quan, vãn cảnh mà mục đích chính còn là đi lễ, cầu mong cho một năm mới vạn sự may mắn. Đi lễ đầu năm cũng chính là một nét đẹp trong văn hóa Á Đông nói chung và văn hóa Việt nói riêng.
Nếu đã quá quen thuộc với những địa điểm như chùa Hương, Bái Đính, Yên Tử hay Tam Chúc, Tết năm nay, hãy thử tham khảo một địa điểm khác, mới nhận được nhiều sự quan tâm gần đây trên các diễn đàn du lịch. Đó là chùa Cây Thị, thuộc địa bản tỉnh Hà Nam, cách thủ đô Hà Nội chưa tới 100km.
Ngôi chùa cổ sở hữu cây thị trăm tuổi
Từ thành phố Phủ Lý, du khách cần di chuyển quãng đường khoảng 16km để tới thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Đây cũng chính là vị trí chính xác của chùa Cây Thị. Còn nếu xuất phát từ thủ đô Hà Nội, quãng đường sẽ dài 70km, mất khoảng hơn 1 giờ lái xe. Quãng đường thuận tiện, dễ dàng di chuyển, bởi vậy du khách có thể tùy chọn phương tiện từ ô tô, xe máy, cho tới xe khách.
Tên gọi chính xác của chùa là Tịnh Viện Di Đà, nằm trên lưng chừng núi, phía sau là rừng già. Vị trí này cũng là vị trí tách biệt so với khu dân cư trong vùng.
Sở dĩ chùa được gọi với cái tên khác cũng bởi nơi đây sở hữu cây thị cổ thụ. Theo lời của Đại Đức Thích Huệ Hạnh, trụ trì chùa, bên cạnh chùa cổ có một cây thị cổ thụ. Từ đời các cụ cao niên, đã thấy cây có gốc rất lớn. Bởi vậy, người ta dự đoán cây đã có tuổi đời hàng trăm tuổi.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa có nhiều thay đổi, song cây thị vẫn y nguyên ở vị trí ấy, không hề thay đổi và bị ảnh hưởng. Đến tháng 12 năm 2019, Tịnh Viện Di Đà được xây dựng, thành lập quần thể chùa mới. Còn ngôi chùa cổ vẫn được giữ lại, nằm cạnh cây thị trăm tuổi.
Ngôi chùa mang thiết kế pha trộn nhiều nét đẹp Á Đông
Tổng thể quần thể chùa mới được thiết kế chủ yếu với 2 sắc đỏ và đen. Từ dưới chân núi đi lên, du khách đã có thể thấy cánh cổng tam quan, có mái ngói, nổi bật giữa sắc xanh của núi rừng. Lối đi kên cổng lát đá trắng, trước cổng là bức tượng Phật Quan âm. Những điều trên khiến du khách vừa bước chân tới cửa chùa, đã cảm nhận được vẻ đẹp thanh tịnh, yên bình.
Đi sâu vào trong, du khách sẽ còn bất ngờ hơn nữa với lối kiến trúc đặc biệt nơi đây. Nó là sự kết hợp của nhiều nét đẹp khác nhau, đậm nét Á Đông. Phần lớn diện tích sân chùa được trải bằng sỏi trắng, tương tự như ở Địa Tạng Phi Lai Tự, đan xen với cỏ Nhật và những bức tượng hay cây bonsai. Du khách để di chuyển giữa các khu vực của chùa sẽ cần bước trên những mặt đá đã được trải sẵn chứ không được đi xuống nền sỏi.
Các sư thầy tại chùa cũng giải thích thêm, "đá trắng khiến cho lòng người trở nên thanh thoát, cùng với tiếng chuông tạo nên không gian thanh tịnh. Ai bước chân đến đây cũng có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái như về với với thiên nhiên, hay tìm về cái vô ngã của con người". Đi càng sâu vào trong, du khách sẽ đến được cổng Ngũ Quan, chiêm bái tượng Phật Tổ cao 2,5m. Sau lưng Ngài cũng chính là ngôi chùa cổ và cây thị trăm tuổi.
Gần hơn vách núi là điện thờ Bồ Tát Địa Tạng, phía dưới là khu giảng đường, nhà nghỉ, nhà bếp và hành lang để du khách tản bộ. Từ điểm cao nhất phóng tầm mắt nhìn xuống toàn cảnh chùa, nhiều du khách nhận xét chẳng khác nào chốn bồng lai tiên cảnh. Không chỉ được hít thở không khí trong lành, đến đây, chính tâm hồn con người cũng sẽ trở nên yên bình, nhẹ nhàng hơn.
Một số hình ảnh khác về chùa Cây Thị nhận được nhiều sự quan tâm của các du khách (Ảnh Doan Quoc Anh)
Chuyến đi tới chùa Cây Thị sẽ mất khoảng nửa đến 1 ngày tuỳ vào nhu cầu của du khách. Để chuyến du xuân thêm phần trọn vẹn, bên cạnh chùa Cây Thị, du khách có thể kết hợp thêm với một số địa điểm tâm linh, văn hoá, những ngôi chùa đẹp khác ở Hà Nam như Địa Tạng Phi Lai Tự, chùa Bà Đanh hay quần thể chùa Tam Chúc…