Phát hiện mực khổng lồ 6 mét ngoài khơi Vịnh Mexico
Mực vây lớn là một trong những sinh vật quý hiếm nhất trong lòng đại dương. Các nhà khoa học phát hiện trong chuyến thám hiểm ở Vịnh Mexico một cá thể mực vây lớn có thể dài hơn 6 mét ở khu vực cách bề mặt nước khoảng 1.500 mét.
Mực vây lớn mới được xác định cách đây 20 năm và chỉ có một số lần ghi nhận phát hiện ngoài thực tế. Có rất ít thông tin về loài sinh vật 'ma quái' này.
Cơ thể của mực vây lớn có tám cánh tay và hai xúc tu có cùng chiều dài và trông giống hệt nhau. Các phần phụ giữ vuông góc với cơ thể, uốn cong giống như khuỷu tay, mang đến cho loài mực vây lớn vẻ ngoài đặc biệt, thường sống ở độ sâu lớn trong các đại dương.
Các nhà khoa học cho biết có rất ít thông tin về tập tính kiếm ăn của những con mực này ngoài việc chúng thường sử dụng cánh tay và xúc để bẫy mồi.
Chúng kéo cánh tay và xúc tu dọc theo đáy biển, cuốn lấy các sinh vật khỏi khu vực lẩn trốn, hoặc có thể đơn giản hơn đó là đặt bẫy, chờ đợi con mồi va vào một cách thụ động. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có mô tả chính xác cách các cánh tay và xúc tu hoạt động.
"Với mỗi lần nhìn thấy, chúng tôi hiểu thêm về những loài động vật kỳ diệu khó nắm bắt này, nhưng có quá nhiều điều để tìm tòi, nghiên cứu", đại diện Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết.
Để phát hiện ra mực khổng lồ, các nhà khoa học đã sử dụng phương tiện điều khiển từ xa ROV để lặn xuống phần Vách đá Tây Florida, dùng máy ảnh ROV ghi lại cảnh quay.
Con mực vây lớn nhất từng được biết đến dài 6,4 mét, cánh tay và xúc tu dài 6,1 mét. Năm 2020, các nhà khoa học đã 5 lần nhìn thấy mực vây lớn ngoài khơi bờ biển Australia.
Ghi nhận hình ảnh đầu tiên về loài mực vây lớn là vào tháng 9/1988. Phi hành đoàn của tàu lặn Nautile bắt gặp một con mực khổng lồ ngoài khơi bờ biển phía bắc Brazil ở độ sâu 4.735 mét.
Vào tháng 7/1992, tàu Nautile lại bắt gặp những sinh vật này và đây là lần đầu tiên ghi nhận việc quan sát được một con mực lớn hai lần. Lần thứ hai là khi các nhà nghiên cứu lặn ngoài khơi bờ biển Ghana ở độ sâu 3.010 mét.