Phát hiện này dựa trên việc khảo sát các tinh thể đá zircon siêu nhỏ trong các khối đá ở khu vực Pilbara Craton, Tây Bắc bang Western Australia. Pilbara Craton được các nhà địa chất chú ý vì khu vực này được cho là có các thành phần thuộc lớp vỏ cổ xưa của Trái đất được bảo tồn tốt nhất, có từ thời mà hành tinh của chúng ta chỉ có một vùng đất rộng lớn còn gọi là siêu lục địa.
Giải thích về nghiên cứu mới nhất này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Tim Johnson, chuyên ngành khoa học Trái đất và hành tinh thuộc Đại học Curtin, cho biết, đồng vị oxy trong các tinh thể đá zircon cho thấy quá trình bắt đầu từ sự tan chảy của các khối đá gần bề mặt và sau đó tiến sâu hơn, phù hợp với hiện tượng địa chất do các vụ va chạm của những thiên thạch khổng lồ gây ra. Đá zircon có thể tồn tại nguyên vẹn trong hàng tỷ năm, điều này có nghĩa là các nhà khoa học có thể xác định khá chính xác thời điểm đá được hình thành, dựa trên sự phân rã của chất phóng xạ uranium bên trong. Tiến sĩ T.Johnson cho rằng, nghiên cứu trên đã đem lại bằng chứng đáng tin cậy đầu tiên cho thấy quá trình hình thành các lục địa bắt đầu từ sự va chạm của các thiên thạch khổng lồ, tương tự những tác động gây ra sự tuyệt chủng của loài khủng long, nhưng đã xảy ra hàng tỷ năm trước đó.