Ảnh: Kinh tế
Phát lộ dấu tích mới quan trọng
Ngày 1/6/2022, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã ra thông báo về việc phát hiện 2 dấu hiệu vô cùng quan trọng, là dấu tích của sân Đan Trì và "con đường thiêng" Ngự Đạo.
Sân Đan Trì đã được biết đến là sân chầu trong những lễ nghi quan trọng nhất của đất nước dưới triều Lê, trong đó có việc thi tuyển người tài (kỳ thi đình) do đích thân đức vua ra đề bài. Còn Ngự Đạo là đường đi chính của vua khi ra vào Hoàng thành Thăng Long, được gọi là "con đường thiêng" của khu di sản này.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, vị trí khai quật mới này được xác định nằm trong khu vực sân Đan Trì của thời Lê. Vị trí này hiện là khu vực nhà Cục Tác chiến, gồm 3 hố, trong đó hố số 1 khai quật rộng 955 m2 ở sân sau, và hố khai quật số 2 và 3 trong phạm vi nền nhà.
Hố khai quật rộng gần 1.000 m2. (Ảnh: Thethaovanhoa)
Những hố khai quật này đều nằm trong không gian chính điện Kính Thiên thời Lê, thuộc khu vực Đại Triều.
Khi khai quật các hố ở độ sâu 1-1,2 m đã phát lộ một số mảng sân gạch màu xám. Tại vị trí còn lại, ở khu chính giữa hố, có vệt đầm gạch ngói vỡ trải dài theo hướng Bắc – Nam, rộng khoảng 6,7 m theo hướng từ cửa chính của Đoan Môn đi qua Nhà Cục Tác chiến lên đến Điện Kính Thiên.
Các nhà khảo cổ đánh giá rằng đây là không gian thiêng liêng nhất của Đại Việt. Khai quật tại khu vực này là hết sức quan trọng cho nghiên cứu và khôi phục không gian chính điện Kính Thiên. Từ đây, việc xác định vị trí của Hoàng thành Thăng Long, vị trí của các cung điện, thành trì trở nên dễ dàng hơn…
Nét đặc biệt của "con đường thiêng"
Lật lại hồ sơ, vào năm 2009, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội tiến hành đào thám sát tại khu vực giữa Đoan Môn – điện Kính Thiên. Ở độ sâu 1,4 m đã phát lộ một đoạn sân gạch vồ thời Lê hoàn toàn giống về kết cấu, bố cục cũng như kỹ thuật xây dựng của nền sân gạch vồ tại hố khai quật di tích Đoan Môn được tìm thấy vào năm 1999. Đây chính là sân Đan Trì.
Những dấu vết được tìm thấy trên "con đường thiêng". (Ảnh: Hoàng thành Thăng Long)
Điểm đặc biệt của sân Đan Trì là dưới lớp gạch vồ thời Lê ở độ sâu 1,8 m cũng đã phát lộ lớp văn hóa thời Lý – Trần với những di vật đặc trưng. Các nhà khảo cổ vì phải bảo vệ nền gạch thời Lê nên diện tích đào sâu xuống vô cùng hẹp, chỉ khoảng 2m2. Theo sử sách, sân Đan Trì phải nằm trên sân Long Trì của thời Lý-Trần.
Hố khai quật ở di tích Đoan Môn cũng đã phát lộ con đường gạch hoa chanh. Đây chính là con đường thiêng Ngự Đạo mà các nhà khảo cổ dụng công kiếm tìm.
Như thế, tầng di sản thời Trần sâu hơn tầng di sản thời Hậu Lê là 0,7 m. Triều đình nhà Hậu Lê đã bồi thêm 0,7 m trên mặt nền của phế tích thời Trần để xây dựng lại Đoan Môn và Ngự Đạo thời Lê dẫn vào bệ rồng điện Kính Thiên (vốn cũng đã được dựng lại trên nền của điện Thiên An đã bị tàn phá).
Đường Ngự Đạo là con đường để hoàng đế xuất hành đi tế lễ tại đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc, tuần du và xuất chinh vệ quốc.
Ngự Đạo cũng như tổng thể không gian Chính điện Kính Thiên có bố cục thể hiện triết lý sâu sắc, nguyện vọng hướng đến quốc thái dân an, quốc gia trường tồn, dân tộc vĩnh cửu và là tổ hợp kiến trúc quan trọng bậc nhất của Kinh thành Thăng Long, tiêu biểu cho lịch sử và văn hiến của cả nước.
Dải nền hoa chanh được phát hiện. (Ảnh: Thethaovanhoa)
Theo sử liệu còn lưu lại và từ thực địa, 2 đường biên hoa chanh được lát bằng gạch vuông cỡ 36x36x6,5 cm để cắm thành những ô vuông gần bằng nhau. Mỗi ô vuông được cắm 2 đường chéo góc như hình cánh hoa chanh. Để tạo hoa văn sinh động và giúp đường chắc chắn hơn, người xưa đã dùng ngói mỏng cắm kín. Những ô vuông hình hoa chanh này nối tiếp nhau tạo thành 2 đường viền chạy dài 2 bên đường.
Phần lòng đường Ngự Đạo rộng tới 1,3 m và được lát bằng gạch bìa 36x19x6 cm. Phần móng đường có độ dày lên tới 86 cm, chia thành 12 tầng gia cố. Mỗi tầng đều là lớp vật liệu đất trộn gạch, sỏi, đất sét, các mảnh đồ gốm, sứ. Con đường chạy dài theo hướng Bắc – Nam này được lát chủ yếu bằng gạch thời Trần. Tuy nhiên, xen lẫn trong đó là những viên gạch thời Lý được dùng lại.
Các nhà khoa học nhận định, Đoan Môn thời Lý, Trần, Lê tọa lạc trên cùng vị trí. Con đường Ngự Đạo thời Trần này cũng có thể chính là con đường Ngự Đạo thời Lý nối Đoan Môn với điện Càn Nguyên, nơi sau này là điện Kính Thiên.
Những phát hiện mới này đã góp thêm chứng cứ khoa học cho thấy sự thay đổi xếp chồng phức tạp của các di tích trong khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Đoan là chính, Đoan Môn là cửa chính hướng Nam của cung điện. Đối với Hoàng Thành Thăng Long thì Đoan Môn là cửa chính hướng Nam. Đoan Môn là một kiến trúc rất quan trọng của kinh thành các thời Lý - Trần – Lê và cả thành Hà Nội. Hơn 1000 năm thay triều đổi đại, bất kể bị tàn phá thế nào Đoan Môn cũng đều được xây dựng lại với vị thế là một trong những cửa chính của Kinh thành.
Cổng thành Đoan Môn nhìn từ trên cao. (Ảnh: Fanpage Hoàng Thành Thăng Long)
Theo trang tin của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định hai lớp văn hóa cơ bản xuất lộ đã chứng minh toàn bộ khu vực này có tầng văn hóa cơ bản giống khu vực nằm ở phía Tây của điện Kính Thiên trong Cấm thành nay là khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu.
Ông cũng cho biết, điện Kính Thiên là nơi huyệt điểm "tàng phong tụ khí", nơi thông Thiên đạt Ðịa giữa các Hoàng đế Ðại Việt thời xưa với Thiên đế để tạo ra một chỉnh thể thống nhất giữa Trời (Thiên) - Ðất (Ðịa) và Người (Nhân) khiến cho muôn vật giao hòa, vạn vật phát triển. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung nghiên cứu, phục dựng không gian chính điện Kính Thiên.
Các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước đều đánh giá rất cao những phát hiện về "con đường thiêng" Ngự đạo và sân Đan Trì của Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long. Đồng thời, họ cũng coi đây là những phát hiện có giá trị rất lớn về lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam. Bởi từ những kết quả khai quật này, các nhà khảo cổ học sẽ tiếp tục cung cấp thông tin để tiến tới giải quyết nhiều vấn đề bí ẩn của Cấm Thành Thăng Long.