Nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế đám cháy rừng ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã mô tả cách thức khí carbon được sản sinh từ đốt cháy sinh khối ở Bắc bán cầu đã đẩy nhanh tốc độ ấm lên ở Bắc Cực. Theo Ông Phó Bình Thanh, nhà nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân, các phân tích và mô phỏng số liệu cho thấy hiệu ứng nóng lên của các hạt khí aerosol carbon nâu trên Bắc Cực cao hơn khoảng 30% so với carbon đen.
Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ tại Bắc Cực đã tăng nhanh hơn 3 lần so với các khu vực còn lại của hành tinh và dường như các đám cháy rừng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng carbon nâu sản sinh từ đốt sinh khối là nguyên nhân gây ra tình trạng ấm lên với mức tăng nhiệt cao ít nhất 2 lần so với carbon nâu do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Hồi năm 2017, tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu tại Bắc Băng Dương về những hạt aerosol trôi nổi trong không khí Bắc Cực và xác định nguồn gốc của những hạt này. Các nhà khoa học trên tàu còn nghiên cứu xem carbon nâu ảnh hưởng như thế nào đến khí hậu, so sánh với carbon đen đậm đặc thu được từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch ở nhiệt độ cao.
Theo nghiên cứu do nhà khoa học Phó Bình Thanh đứng đầu, những đám cháy rừng bùng phát kèm theo những chùm khói màu nâu khổng lồ, được tạo thành từ các hạt carbon màu nâu lơ lửng trong không khí. Giống như carbon đen và CO2, carbon nâu làm tăng nhiệt độ bằng cách hấp thụ bức xạ mặt trời. Ông Phó Bình Thanh cho rằng các đám cháy rừng gia tăng sẽ phát ra nhiều hạt khí aerolsol carbon nâu hơn, làm nóng Trái Đất hơn, từ đó dẫn tới việc cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn.