Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tìm thấy bằng chứng mới về những dòng sông chảy trên bề mặt sao Hỏa hàng tỷ năm trước - một khám phá có thể cho chúng ta hiểu biết mới nhất về sứ mệnh tìm kiếm sự sống cổ đại trên Hành tinh Đỏ.
Theo miêu tả chi tiết trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học đã phân tích hình ảnh mới, có độ phân giải cao từ máy ảnh HiRISE trên Tàu Quỹ đạo Trinh sát Sao Hỏa (MRO) của NASA.
Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Francesco Salese từ Đại học Utrecht, Hà Lan dẫn đầu đã biến các hình ảnh thành bản đồ địa hình 3D thuộc Lưu vực Hellas trên sao Hỏa, một trong những miệng hố va chạm lớn nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.
Dòng sông chảy trong 100.000 năm trên sao Hỏa
New Scientist nhận thấy rằng, các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện mỏ trầm tích cao khoảng 200 mét, rộng 1,5 km.
Khi các dòng sông di chuyển, chúng lắng đọng trầm tích tích tụ thành từng lớp. Vách đá cao 200 mét - cao gấp đôi chiều cao của vách đá White Cliffs của Anh - và rộng 1,5 km. Các đá trầm tích của vách đá ước tính 3,7 tỷ năm tuổi.
"Để hình thành vách đá cao 200 mét này, cần các điều kiện môi trường có khả năng duy trì lượng nước lỏng đáng kể, tức là cần có một dòng sông chảy trong ít nhất 100.000 năm Trái Đất. Điều đó có nghĩa là nước sẽ chảy quanh năm, chứng minh rằng sao Hỏa từng có chu kỳ nước được điều khiển bởi lượng mưa, tương tự như hành tinh của chúng ta", tác giả chính Francesco Salese nói với New Scienceist.
Hình ảnh 3D về vách đá trầm tích cao 200 mét tại Lưu vực Hellas, ở bán cầu nam của sao Hỏa - chứng minh từng có dòng sông cổ tồn tại trong 100.000 năm. Nguồn: Khoa Khoa học Địa chất, Đại học Utrecht, Hà Lan.
Lưu vực Hellas, ở bán cầu nam của sao Hỏa, từng lưu trữ một hồ nước lớn và một mạng lưới các con sông và đồng bằng châu thổ. Những khu vực địa chất này rất quan trọng trong việc tìm kiếm bằng chứng về cuộc sống cổ xưa trên sao Hỏa, ông Francesco Salese bổ sung.
Ý chính trong bài:
- Phát hiện bằng chứng về dòng sông tồn tại trên sao Hỏa cách đây khoảng 3,7 tỷ năm.
- Dòng sông chảy trong ít nhất 100.000 năm, để tạo thành vách đá trầm tích cao 200 mét, rộng 1,5 km.
- Phát hiện cung cấp những bằng chứng liên quan đến sự sống cổ xưa trên sao Hỏa.
Joel Davis, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, Anh, và đồng tác giả của bài báo, vui mừng cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy bằng chứng nào rõ ràng chứng minh sao Hỏa từng có dòng sông cổ, nước chảy ồ ạt như vậy trên sao Hỏa. Phát hiện này là một mảnh ghép nữa trong quá trình tìm kiếm sự sống cổ xưa trên Hành tinh Đỏ, cung cấp cái nhìn sâu sắc mới lạ về việc nước chiếm bao nhiêu cảnh quan cổ đại nơi đây".
Rất nhiều nước đã từng tồn tại trên sao Hỏa cách đây hơn 3,7 tỷ năm. Đó cũng là khoảng thời gian mà sự sống hình thành sớm nhất trên Trái Đất. Các nhà khoa học hiện đang sử dụng công nghệ phân tích đá trầm tích trên Trái Đất hàng tỷ năm trước để áp dụng nghiên cứu tương tự với các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời, đặc biệt là sao Hỏa - hành tinh hứa hẹn đang được NASA, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), Trung Quốc... đưa tàu đổ bộ lên đó.
Cách Trái Đất 54,6 triệu km, Hành tinh Đỏ chắc chắn đang ẩn chứa những bí ẩn về sự sống cổ đại mà loài người chúng ta chưa nắm bắt hết. Nhờ camera trên tàu trinh sát sao Hỏa Mars Orbiter của NASA với khả năng chụp ảnh của cảnh quan sao Hỏa ở độ phân giải 25 cm cho mỗi pixel từ khoảng cách 400 km, chúng ta có cơ hội tiến thêm những bước đi đột phá trong hành trình chinh phục hành tinh này.
Dự kiến, vào tháng 7 hoặc tháng 8/2020, xe tự hành sao Hỏa tên là Perseverance sẽ đổ bộ Hành tinh Đỏ để phân tích các loại mỏ đá tương tự ở các khu vực khác trên hành tinh này.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng phát hiện này có thể thúc đẩy nghiên cứu trong tương lai về sự sống trên sao Hỏa, nơi con người có thể đổ bộ và sinh sống.
Bài viết đăng lần đầu trên Futurism.
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert, Newscientist
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.