Theo tờ The Sun, sau khi phân tích các thiên thạch có nguồn gốc từ sao Hỏa, các nhà khoa học đã phát hiện chúng có thành phần tương tự như đá trên Trái Đất. Đồng thời, loại thiên thạch này cũng chứa những nguyên tố cần thiết để phục vụ cho quá trình phân giải chất phóng xạ và nó đủ xốp để giữ nước.
Đáng chú ý, các thiên thạch từ sao Hỏa này lại có sự cân bằng hóa học hoàn hảo và chúng hoàn toàn đủ sức duy trì sự sống cho nhiều sinh vật sau khi được kết hợp với nước. Cụ thể hơn là khi tiếp xúc với nước, những viên đá này sẽ tạo ra phản ứng để tạo ra những năng lượng hóa học hỗ trợ các cộng đồng vi sinh vật tương tự như vi sinh vật ở Trái Đất.
Trong những thập niên gần đây, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng, ẩn sâu dưới bề mặt của Trái Đất có một quần thể sinh vật khổng lồ sống tách biệt với thế giới bên trên. Ở nơi này không có ánh sáng mặt trời nên chúng tồn tại bằng việc tạo thành năng lượng từ một quá trình gọi là phân giải phóng xạ.
Nói chính xác hơn là chúng sử dụng các sản phẩm phụ của phản ứng hóa học được tạo ra khi các nguyên tố phóng xạ kết hợp với nước.
Trước đó, nhiều nghiên cứu của NASA cũng tìm thấy bằng chứng về việc bên dưới sao Hỏa có tồn tại một mạch nước ngầm khổng lồ. Do đó, các nhà khoa học có cơ sở để tin vào việc có sự sống nằm bên dưới bề mặt sao Hỏa.
Nhà nghiên cứu Jack Mustard, thuộc Đại học Brown, Mỹ, cho biết: “Nếu chúng ta muốn nghĩ về khả năng tìm thấy sự sống thì bên dưới bề mặt sao Hỏa sẽ là nơi để hành động.”